Đã bao giờ bạn nghe qua câu rap “Fashion drip drip, diamond chains” của 16 Typh hay “Ric Flair drip, go “woo” on a b*tch” của Migos và trong nhiều bài rap hoặc thông qua mạng xã hội. Vậy, “Drip” là gì và có nguồn gốc từ đâu? Hãy cùng Street Vibe tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Định nghĩa: “Drip” là gì?
Theo định nghĩa từ Cambridge Dictionary, “Drip” là động từ và danh từ chỉ hình ảnh nhỏ giọt của các loại chất lỏng. Hình ảnh một chất lỏng nhỏ giọt gợi nhắc đên sự khan hiếm nên theo thời gian, “Drip” hình thành nên nghĩa lóng chỉ những món đồ xa xỉ, quần áo hàng hiệu đắt giá – theo định nghĩa từ Rap Dictionary. Do đó, “Drippin” có thể hiểu như tính từ để khen ngợi một con người, sự vật hay sự việc bất kỳ rất ngầu, thời thượng, sành điệu… Ngày nay, khái niệm này được sử dụng nhiều bởi giới trẻ hoặc những người thuộc các cộng đồng trong nền âm nhạc Rap/Hiphop. Nhiều năm về trước, chúng ta vẫn sử dụng các cụm từ như swag, dope, lit… để khen ngợi một bộ trang phục hay hành động của ai đó thì với ngày nay, “Drip” hoặc “Drippin” được sử dụng nhiều hơn cả.
Nguồn gốc của khái niệm “Drip”
Theo tạp chí HIPHOP DX, nghĩa lóng của từ xuất hiện ở vùng Atlanta trong giai đoạn đầu thập niên 2000. Đây cũng chính là cái nôi của những tay rapper gạo cội như 21 Savage, Young Thug và hãng thu âm YSL của anh, Gucci Mane, nhóm Migos… Đồng thời trong mốc thời gian này, từ lóng “Drippin” cũng xuất hiện trong chương trình truyền hình Zoey 101 và giúp khái niệm này trở nên phổ biến nhiều hơn.
Riêng với Genius, họ cho rằng Sauce Walka là người tạo ra nghĩa lóng mới cho “Drip” qua mixtape “Saucemania” vào năm 2014.. Từ dữ liệu của Genius, khái niệm “drip” đã được nhắc đến hơn 2.000 lần trong các bài hát hip-hop được phát hành vào năm 2018, bao gồm các bản hit thuộc Billboard Hot 100 như “Drip Too Hard” của Gunna ft Lil Baby và “Drip” của Cardi B. Số lượng bài hát có nhắc đến thuật ngữ này trong năm 2018 đã tăng 195% so với năm 2017 và gấp bốn lần so với năm 2016.
Có thể nói, Gunna là một trong những người có công phổ biến khái niệm “Drip” đến công chúng khi anh ra mắt nhiều album có tiêu đề chứaa khái niệm này gồm: Drip Harder, Drip Season I – II và II , Drip or Drown I và II. Về việc nguồn gốc của nghĩa lóng đến từ đâu hay do ai tạo nên, Gunna cũng chia sẻ rằng anh không hề quan tâm đến điều đó. Không riêng gì Gunna, nhóm Migos cũng tiếp tục phổ biến nó đến công chúng qua 2 bài hit như Bad and Boujee và Ric Flair Drip.
“Drip” trong thời trang
Với mỗi rapper, họ có cách định nghĩa khác nhau cho “Drip” khác nhau. Với Offset và Cardi B, đôi vợ chồng này sử dụng thuật ngữ trên để chỉ “kim cương” và sự giàu có của họ. Trong khi đó, Gunna chia sẻ với Billboard rằng “drip” dùng để chỉ thời trang: “Drip là trang phục, quần áo mà mày mặc lên người. Hôm nay là thứ 5 nên drip của tao là cái áo Hoodie từ Saint Laurent, vài món đồ của Balmain và đôi giày Chanel. Tao drippin mỗi ngày, drippin cả tuần nhưng mà cuối tuần là lúc tao drippin nhất vì nguyên cây đồ tao mặc trị giá khoảng 10 nghìn đô. Thật đó chả bốc phét đâu!” Cách lý giải của Gunna cũng có phần nào đó đúng với bối cảnh hiện tại. Trong giới Hiphop, chúng ta chắc hẳn đã quen thuộc với hình ảnh những rapper đua nhau “flexing” về tài sản và các thành tựu của họ. Trong số những thứ được “flex” bên cạnh tiền bạc, trang phục đắt tiền cũng được các rapper “flex” hơn cả.
Một bộ trang phục cực “drippin” tức là một bộ trang phục được xây dựng từ những items đắt tiền, bắt kịp xu hướng nhất và phải ngầu – không phân biệt phân khúc Streetwear hay Luxury – chỉ cần đảm bảo ba yếu tố trên. Sự tương đồng này gợi nhắc ta đến khái niệm “Hypebeast” vào những năm 2015 đến 2020. Đó là thời điểm mà các tín đồ đua theo những sản phẩm đắt tiền và sành điệu chỉ nhận về sự khen ngợi, trầm trồ từ đám đông. Song, trên hết, “Drip” vẫn không thật sự đủ các yếu tố để được xem như một phong cách thời trang.