Flight Club trước nay nổi tiếng “chặt đẹp” khách hàng với 20% được trích ra làm “phí bôi trơn” sau mỗi giao dịch thành công. Vậy đâu là lí do khiến “ông lớn” ngành mua bán-kí gửi chịu bớt đi một nửa số lợi nhuận của mình?
Việc các reseller kinh doanh thông qua hệ thống kí gửi của những cửa hàng có tiếng trên thế giới như Flight Club, StockX, GOAT, Stadium Goods không quá xa lạ trong những năm gần đây. Đặc biệt là khi hàng giả kém chất lượng tràn lan khắp thị trường với mẫu mã ngày càng tinh vi khó phân biệt thì việc có một tổ chức trung gian uy tín đứng ra đảm bảo thật sự cần thiết. Đi cùng với dịch vụ tốt ắt hẳn là chi phí đi kèm. Flight Club trước nay nổi tiếng “chặt đẹp” khách hàng là phía người bán với 20% lợi nhuận thu về sau mỗi giao dịch thành công, đó là chưa tính đến phí cash-out và các chi phí vụn vặt khác. Vậy nên việc mới đây Flight Club quyết định giảm phí kí gửi xuống hơn một nửa – chỉ còn 9,5% – có lẽ là một tin vui đối với các seller/reseller, khi mà phí đăng kí trị giá 5 USD, đi cùng với 2,9% phí cash-out vẫn luôn tồn tại.
Được biết thông tin trên đến từ email của Flight Club gửi cho một số đối tượng nhất định, đồng nghĩa với việc các seller không nhận được email sẽ không được áp dụng mức giảm trừ lên đến 11,5% nói trên. Tuy vậy Flight Club vẫn sẽ thay đổi tỉ lệ ăn chia thích hợp đối với từng cấp bậc người dùng để đảm bảo quyền lợi hai bên. Đối với người mua – các buyers – Flight Club có thêm hai lựa chọn trước khi thanh toán là chi phí thấp nhất và nhanh nhất có thể (người mua phải chịu thêm 6,5% trên tổng order, quá trình trung gian kiểm tra xác thực, giao và nhận sẽ nhanh hơn, và Flight Club sẽ hưởng toàn bộ phần thêm này).
Ngoài ra, vì GOAT đã mua Flight Club vào năm 2018, nên sắp tới đây sẽ có những điều chỉnh để kết nối cả hai nền tảng lại với nhau. Cụ thể là danh mục bán hàng của cả hai nền tảng sẽ để mở cho các seller/reseller từ cả hai bên tự do đăng tải qua lại. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí của cả hai bên sẽ có những thay đổi tương ứng, phía người bán sẽ có lượng khách hàng lớn hơn, ngược lại phía người mua sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc làm giàu thêm bộ sưu tập của mình.
So sánh với các nền tảng mua bán – kí gửi khác đang cạnh tranh trên thị trường với Flight Club thì đây là một hành động điều chỉnh thích hợp, khi tăng trưởng doanh thu của Flight Club không còn như trước. Bởi lẽ StockX đã áp dụng mức 9,5% dành cho các sellers (bên cạnh 3% phí dịch vụ) này từ rất lâu, thậm chí nếu sellers bán được hơn 100 đơn hàng trở lên hoặc chạm mốc 25,000 USD thì StockX chỉ lấy 8% mà thôi. eBay cũng chỉ tính phí 10% cho những đơn hàng dưới 100 USD, trên 100 USD các sellers chỉ phải lo 2,9% phí giao dịch của PayPal cộng thêm 0,3 USD. Không biết sắp tới đây Stadium Goods sẽ có thay đổi gì hay không, khi chỉ còn mỗi nơi này ăn chia theo thể thức 8/2. Cùng StreetVibe chờ xem!
Website Street Vibe |
Fanpage Street Vibe – Fashion News |
Instagram streetvibe.official |