Còn nhớ vài tháng trước, trên mạng xã hội TikTok đã rộ lên các video “du lịch ngắn hạn” từ Sài Gòn đến Biên Hoà bằng tàu hoả. Trend này đã thu hút hàng triệu người theo dõi với hàng trăm video hưởng ứng. Có chăng khát vọng sống chậm của người trẻ lại trỗi dậy, khi trở về lựa chọn những phương tiện di chuyển chậm hơn? Hay họ muốn làm sống lại nét hoài niệm nho nhỏ những thập kỉ trước thời tàu hoả trên đà hoàng kim, khi máy bay là một thứ gì đó vô cùng xa xỉ.
Hãy thử một lần đi du lịch bằng tàu hoả để tận hưởng cảm giác “mùa hè lướt ngoài cửa sổ” chính là những gì mà người trẻ đã cố gắng hưởng thụ qua những chuyến du lịch chỉ để thường thức cuộc sống. Với người trẻ hiện đại, những chuyến du lịch của họ từ lâu đã gắn với những chuyến bay. Chẳng hề tốn kém thời gian, công sức canh me giảm giá khi đôi khi nhiều hãng bay giá rẻ cho ra nhiều loại vé với giá rất phải chăng, với vài cú click chuột là có ngay một chiếc vé với giá cực mềm và quan trọng nhất là, chỉ chợp mắt vài ba tiếng là có thể thức dậy ở một nơi xa.
Cứ như thế, người trẻ cứ gấp gáp và hối hả đến rồi đi, đi rồi lại về với cuộc sống công việc vùi đầu vùi óc. Đôi khi lại nghe tin những chuyến bay bị hoãn, khi thời gian bỗng cứ tích tắc, tích tắc lê thê, đã bao giờ bạn bỗng nhiên hụt hẫng và thấy thật trống trải với sự chậm rãi bất ngờ. Nhờ đó, người trẻ mới tìm đến tàu hoả, một phương tiện của tuổi thơ bao người, của sự hoài cổ như cách nó oằn mình chống chọi với sự bào mòn của thời gian.
Trong cuốn sách “Phương đông lướt ngoài cửa sổ“, Paul Theroux đã bắt đầu thực hiện chuyến hành trình bằng xe lửa qua Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan, Ấn Độ, Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Coley (Sri Lanka cũ), Trung Quốc, Nhật Bản, Siberia với một hành trình đầy màu sắc rực rỡ và đầy chân thực về những con người và vùng đất mà ông đã đi qua. Chuyến đi ấy chẳng phải là một chuyến tàu với điểm đầu – cuối mà người ta cố gắng hướng đến, mà đó chính là một hành trình thưởng ngoạn từng giây phút được ngồi trên những chuyến tàu hoả.
Giờ đây, nếu không viết sách thì người trẻ có thể làm video, chụp ảnh sống ảo để lưu giữ kỷ niệm giữa chuyến tàu nhiều cảnh vật tươi đẹp. Thế mới nói, chuyến du lịch mới thật sự trọn vẹn khi được thưởng thức từ khi bắt đầu chuyến đi, chẳng thể coi tàu hoả như một phương tiện di chuyển cụ thể nữa. Vẻ đẹp của tàu hoả bắt nguồn từ những cảnh vật mà nó đi ngang qua, vì ta sẽ hiếm khi thấy được khi vi vu trên mây với chuyến bay vội vã, hay bị ảnh hưởng bời tài xế xe khách muốn mau chóng đưa xe về bến.
Đôi khi, vì quá quen thuộc với sự chờ đợi, hoãn chuyến, hay gấp rút ra sân bay mà ta đã luôn tạo dựng một cảm giác hồi hộp khi mọi thứ quá chậm, sợ rằng ta bỏ lỡ một chuyến bay, chuyến tàu. Thế mà, khi đã an vị tại toa tàu, ta lại càng cảm thấy bồi hồi vì di chuyển quá chậm. Ừ thì ta vẫn đang đi đấy, di chuyển đấy, nhưng có chăng sự hối hả đã ăn sâu vào máu? Tạm gác đi công việc, điện thoại, laptop mà đọc sách, nghe nhạc, ngắm cảnh, coi như đây cũng là một chuyến du lịch ngắn hạn khi ta có thể ngắm nhiều khung cảnh cùng lúc, thứ mà ta chẳng thể nào trải nghiệm khi du lịch bằng máy bay.
Đi nhiều rồi, cuồng nhiệt và hối hả lắm rồi nhưng đã bao giờ quay lại một chút để tự hỏi rằng mình đã đi được bao nhiêu lâu rồi, và rồi sẽ đi được bao xa và sẽ đến được những đâu trong hành trình của chuyến tàu, hay là cả cuộc đời? Niềm nhiệt thành với chuyến tàu hoả bắt nguồn từ trong câu chuyện của Harry Porter với Tàu Tốc Hành Hogwarts, cho đến chuyến tàu đêm trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam thế mà đã nhanh chóng bị vùi lấp bởi sự tiện lợi, nhanh chóng và hiện đại của máy bay.
Đi du lịch bằng tàu hoả chính là cách mà những hoài niệm ùa về với người trẻ, cố gắng van víu những lần cuối cùng trước khi trở về với cuộc sống hiện đại, xô bồ tấp nập. Dẫu cho có bất tiện hơn, có chậm chạp hơn, nhưng trải nghiệm đi tàu hoả chính là làn gió xưa cũ luôn chầm chậm ùa vào cảm xúc của từng người trẻ.