Rục rịch những ngày này ở giới mộ điệu là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất từ buổi Met Gala 2022. Với dresscode là Gilded Glamour, white-tie, có vẻ như có nhiều khách mời vẫn chưa lên đồ “đúng trọng tâm” và nhanh chóng bị lạc lõng giữa biển người “white-tie”.
“White-tie”: mang tiếng là một dress code trang trọng nhất
Trong khi quy tắc ăn mặc phổ biến nhất là “black-tie”, người ta sẽ ăn diện những chiếc áo vest đen, quần âu và thắt nơ đen trên thềm là áo sơ mi lót trắng, thì “white-tie” là một tầm cao mới.
“White-tie” là một hình thức ăn mặc xa hoa hơn, trang trọng hơn và có một chút khác biệt so với “black-tie”. Hình thức ăn mặc này phát triển mạnh mẽ nhất vào thế kỷ 19, vào thời điểm mà Edison phát minh ra đèn điện, và cũng là lúc ta thấy nhan nhản những chiếc xe ngựa kéo chở những cô công chúa trên bộ váy tuxedo dạo quanh các bữa tiệc xa hoa trên cung điện. Thế nhưng sau Thế chiến thứ I, phong cách ăn mặc này có phần ít được ưa chuộng hơn.
Ngày nay, quy chuẩn white tie thường được áp dụng tại những buổi tiệc hay sự kiện quan trọng của Hoàng gia, những lễ trao giải quy mô lớn hoặc đám cưới của những người có tên tuổi, địa vị cao trong xã hội. Tất nhiên, đó là những sự kiện xa hoa với danh sách khách mời được lựa chọn kỹ càng. Đó là những lý do mà Anna Wintour “gật đầu” cho phép white-tie là dresscode của Met Gala năm nay.
Gợi ý lên đồ theo dresscode “white-tie”
Điều bắt buộc đầu tiên với quy chuẩn này phải là một chiếc váy dạ hội, dài qua khỏi mắt cá. Để dễ hình dung hơn, đó chính là những chiếc váy của những nàng công chúa Disney khi tham dự dạ tiệc. Ngoài ra, nếu bạn muốn mặc đầm dạ tiệc white-tie, thì nó bắt buộc phải phủ kín chân, không hở gót hay mắt cá chân. Trang sức sang trọng chính là điểm cốt yếu làm nên white-tie. Bạn có thể sử dụng găng tay màu trắng nếu là phụ nữ đã kết hôn hoặc cô dâu trong ngày cưới. Tuỳ thuộc vào sự kiện mà bạn tham gia, những phụ kiện cao cấp này thường được sử dụng trong những sự kiện hay tiệc tối yêu cầu sự trang trọng cao.
Đối với nam giới, những chuẩn mực của white-tie có phần khắc khe hơn nữa. Phải là áo đuôi tôm dành cho tiệc tối và có màu đen. Khác với áo đuôi tôm sang trọng buổi sáng, jacket đuôi tôm buổi tối sẽ có điểm dừng đuôi áo ngay đầu gối, không được vượt quá điểm quy định này. Dress code white tie sẽ yêu cầu jacket có những đường may sắc sảo và phải bảo đảm vừa vặn với cơ thể. Ve áo phải được dập thật tỉ mỉ. Áo jacket buổi tối phải mặc cùng gilet và không được cài cúc.
Sự vừa vặn của trang phục là điểm lớn nhất cần chú ý khi trong white tie. Vì vậy khi thuê trang phục, bạn cần phải lựa chọn kỹ càng vì một trang phục “vừa vặn và cân đối” sẽ khiến bản thân trông thanh lịch hơn hẳn.
Có chăng quy tắc sinh ra là để bị phá vỡ ?
Bên lề Met Gala năm nay, mặc dù được thông báo khá rõ ràng về dresscode của buổi tiệc, thế nhưng vẫn có nhiều ngôi sao chọn cách “rẽ lối” sang những outfit chẳng ăn nhập gì mấy. Chủ đề của buổi tiệc là In America: An Anthology of Fashion, rõ ràng các siêu sao đang tạo nên tranh cãi liệu họ có đang cố tình tạo nên spotlight, để rồi tinh thần Mỹ của buổi tiệc bị ảnh hưởng?
Ngôi sao “Squid Game” Jung Ho Yeon có màn xuất hiện nhạt nhoà trên thảm đỏ Met Gala. Tại thảm đỏ Met Gala năm nay, cô nàng xuất hiện với chiếc váy kiểu cách đơn giản, túi hiệu cùng đôi boot cao. Dù vậy, Jung Ho Yeon vẫn bị cho là lạc quẻ, sai dress-code bởi outfit thiếu đi tinh thần nước Mỹ xưa. Là đại sứ toàn cầu của Louis Vuitton, Jung Ho Yeon “báo hiệu” một cuộc đổ bộ “lạc quẻ” của những KOL từ nhà mốt Louis Vuitton.
Dù có những ý kiến trái chiều xoay quanh, Met Gala năm nay với dresscode là white-tie đã rất thành công truyền tải chất Mỹ xưa cùng với cách lựa chọn thời trang tuyệt vời của nhiều fashion icon vừa nằm trong quy định của white-tie, mà cũng vừa thoát ly khỏi sự gò bó và cũ kỹ.