Khi thời đại cởi mở với tất cả mọi xu hướng, đồ ngủ hay đồ mặc nhà lại tiếp tục thịnh hành, đặc biệt sau ảnh hưởng của dịch bệnh. Trở lại trong mùa hè này, hội yêu thời trang giờ đây đã sẵn sàng mặc đồ ngủ ra khỏi nhà!
Pijama (hay Pyjama) bắt nguồn từ tiếng Pháp là một từ mượn dùng để chỉ một loại quần áo ngủ. Từ gốc “paijama” chỉ loại quần dài nhẹ, rộng, thường kèm theo dải rút ở ngang hông. Trang phục này được mặc ở Nam Á và Tây Á dành cho cả nam và nữ giới. Ở nhiều quốc gia nói tiếng Anh, pyjamas dùng để chỉ loại trang phục gồm 2 phần, rộng vừa phải, bắt nguồn từ loại trang phục kể trên. Thiết kế được dùng làm quần áo ngủ, thi thoảng dùng làm trang phục đi dạo.
Vào đầu thế kỷ 20, những người thực dân Anh trở về từ vùng Viễn Đông đã mang theo những bộ đồ mới lạ. Đó là những chiếc áo thoải mái, quần áo rộng từ Hông Kông, Ấn Độ và các nước thuộc địa. Mọi người khắp Vương quốc Anh sớm tìm thấy những sản phẩm may mặc đầy màu sắc, nhẹ nhàng lý tưởng cho việc nằm nghỉ và ngủ. Họ gọi họ là “bộ đồ ngủ”.
Bộ đồ ngủ cao cấp phù hợp cho nam giới và phụ nữ ra đời khoảng những năm 1920. Vào thời điểm này, xu hướng thời trang đồ ngủ lan tỏa từ Đại Tây Dương đến bờ biển của Mỹ. Thuở mới ra đời, những bộ đồ pijama được thiết kế để dành riêng cho nam giới. Quần pijama lỏng lẻo với dây kéo ở thắt lưng kết hợp với nút cổ áo phía trước. Ghen tị với sự xuất hiện và thoải mái của bộ đồ ngủ nam giới, phụ nữ bắt đầu thiết kế những bộ “jama” cho riêng mình. Sản phẩm là áo ngủ kết hợp với quần dài đến mắt cá chân. Bộ đồ được làm bằng chất lụa satin hoặc voan. Phụ nữ nhận thấy rằng bộ pijama cũng thích hợp để đi dạo quanh nhà hoặc thư giãn ở bờ biển.
Từ những năm 1970 trở về sau, đồ ngủ bao gồm pyjama ngày càng được tối giản hoá về kiểu dáng, giản lược về trang trí mang lại sự sang trọng và thuận tiện hơn cho người mặc. Pyjama ngày nay đã trở thành một loại đồ ngủ quen thuộc và phổ biến, nhưng lịch sử của nó cũng phong phú và thú vị không kém bất kỳ loại trang phục thời trang nào.
Từ thời trang ngủ đến sàn runway cao cấp
Thế giới quần áo ngủ là một thế giới không ngừng biến đổi để có thể chạy theo những xu hướng một cách liên tục, thậm chí luôn đột phá khỏi những quy định cứng nhắc trong quá khứ. Nếu ngày trước đồ ngủ chỉ bị giới hạn trong không gian mặc ở phòng ngủ hay những ngày nghỉ ngơi ở nhà thì có lẽ các xu hướng trên đường đua thời trang hiện tại nên “cẩn thận” với trào lưu mặc đồ ngủ nhé!
Từ đó đến nay các thương hiệu đã và đang tạo ra những biến thể đồ ngủ dựa trên các bộ quần áo ngủ truyền thống mà Marie Antoinette từng yêu thích từ những set đồ pyjama, váy ngủ, đến đầm ngủ cocktail với đa dạng loại chất liệu không chỉ thoải mái mái mà còn sang trọng, thời thượng. Có lẽ chính sự gần gũi, dễ chịu mà quần áo ngủ đã tác động mạnh mẽ về mặt cảm xúc của các nhà thiết kế và trở thành nguồn cảm hứng bất tận. Ngoài ra một thông tin thú vị khác rằng: những năm 1930, một nguyên tắc ở Hollywood chính là các nữ diễn viên xuất hiện trên màn ảnh đều phải một lần mặc váy ngủ.
Năm 1996, Công nương Diana mặc váy ngủ của Dior đến sự kiện Met Ball sau khi ly hôn, được giới mộ điệu đánh giá cao. Bởi, trang phục không hề phản cảm, ngược lại còn mang đến vẻ gợi cảm, sang trọng cho người mặc. Thậm chí, Kate Moss tạo tiếng vang cho chiếc váy ngủ khi diện thiết kế xuyên thấu màu bạc của Liza Bruce xuống phố năm 1993. Nhiều tạp chí quốc tế cho rằng trang phục của siêu mẫu đã thể hiện vẻ nổi loạn, gợi cảm chừng mực của người phụ nữ thời bấy giờ.
Chưa dừng lại ở đó, sang đến những năm 2000, chiếc váy ngủ hay trang phục pyjama còn trở thành một món đồ được các nhà mốt quốc tế ưa chuộng. Những bộ đồ ngủ được giới thiệu trong BST Thu – Đông 2009 của thương hiệu Dolce & Gabbana. Tiếp theo đó, một vài mẫu thiết kế đã được ghi nhận trong buổi trình diễn BST của Marc Jacobs lấy cảm hứng từ phong cách Thượng Hải, Trung Quốc.
Bộ sưu tập 2013 của Louis Vuitton cũng tạo nên bước ngoặt cho những chiếc váy ngủ khi các thiết kế này xuất hiện trên khắp các Tuần lễ thời trang ở Paris, London, Milan… Nhiều thương hiệu bình dân nhái lại sản phẩm của nhà mốt Pháp, giúp hình ảnh chiếc váy ngủ trở nên phủ sóng, lan rộng khắp thế giới, tạo nên cuộc tranh cãi về lằn ranh gợi cảm và phản cảm.
“Sống lại” bởi phong cách thời trang đường phố
Như đã có từ lâu đời, việc quần áo ngủ trở thành những quần áo bình thường để đi dạo phố, cà phê, shopping,… không còn là việc xa lạ ở thời điểm hiện tại. Nhưng điểm đặc biệt khiến cho xu hướng này được “sống lại” chính là phong cách thời trang đường phố đã góp phần lăng xê những chiếc quần sọc ngủ, quần caro trở nên cực kỳ thoải mái, nổi bật mà không kém phần thời trang.
Có nhiều yếu tố góp phần “lăng xê” cho xu hướng này. Đầu tiên đó là sự ảnh hưởng từ đợt cách ly tại gia vì đại dịch Covid 19. Trong suốt thời gian ở nhà đã làm cho việc mặc đồ ngủ trở nên thoải mái hơn và quen thuộc. Dần dần điều này trở thành thói quen và khi bình thường hoá thì mọi người xem những chiếc quần sọc caro, quần shorts thun, sweat pants,… như những món đồ casual có thể mặc chúng khi đi ngoài phố.
Bên cạnh đó, GenZ là một thế hệ đề cao hình ảnh bản thân và tự hào về cơ thể mình nên việc sử dụng những sản phẩm có tính thoải mái, cơ động và sexy cũng là một nhu cầu để thị trường thời trang có thể đáp ứng. Từ đó, nền công nghiệp thời trang rất chú trọng về việc đưa những đồ underwear (Đồ lót) thành outerwear (Đồ mặc ngoài) – lộ ra các chi tiết gợi cảm của cơ thể con người.