Chất liệu, cấu trúc sợi, kỹ thuật dệt, xử lý và hoàn thiện, tiêu chuẩn chất lượng, kiểm định và chứng nhận là những yếu tố nên dùng để xác định chất lượng của vải – chứ không chỉ mỗi định lượng GSM trên vải.
Ngày nay, trên TikTok xuất hiện rất nhiều nội dung chia sẻ về những chiếc áo có GSM cao (300 đến 360). Từ đó, người tiêu dùng bỗng tin tưởng rằng một chiếc áo thun có GSM càng cao thì sẽ càng chất lượng. Cùng với đó,nhiều Local Brand cũng đổ xô sản xuất những chiếc áo thun có GSM từ 300-360 một cách vô tội vạ. Người ta ngày càng “thần thánh hóa” những chiếc áo có GSM cao mà không biết đến sự thật ngỡ ngàng phía sau nó.
Vậy, GSM trên vải có thật sự “thần thánh” như nhiều người lầm tưởng? Hãy cùng Street Vibe tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Định lượng GSM trên vải là gì?
Trong ngành dệt may, từ “GSM” (grams per square meter) được sử dụng để đo mật độ của vải, tức khối lượng (gram) của một mét vuông vải.Cụ thể, GSM là số gram vải trong mỗi mét vuông. Ví dụ: nếu một mảnh vải có kích thước 1m x 1m và nặng 200 gram, thì GSM của nó sẽ là 200.
Số GSM của vải có thể ảnh hưởng đến độ dày, độ bền và độ mịn của nó. GSM được dùng để phân loại vải: vải nhẹ, vải trung bình, vải nặng (ranh giới phân chia có thể dao động nhưng không đáng kể). Thông thường, các loại vải dày và bền hơn thường có số GSM cao hơn, trong khi vải mỏng và mịn hơn thường có số GSM thấp hơn.
Công thức tính GSM của vải là: GSM = (Khối lượng vải trong gram / Diện tích vải trong mét vuông) x 1000 Ví dụ, nếu một mảnh vải có khối lượng là 100 gram và kích thước của nó là 1m x 1m, thì GSM của vải đó sẽ là: GSM = (100 gram / 1 mét vuông) x 1000 = 100 GSM |
Vải với số GSM thấp có thể có cảm giác nhẹ và thoáng mát hơn, nhưng nó cũng có thể bị rách dễ dàng hơn và có thể không đủ bền để sử dụng trong một số ứng dụng đòi hỏi độ bền cao. Ngược lại, vải với số GSM cao có thể đảm bảo độ bền và tuổi thọ cao hơn, nhưng nó có thể làm cho sản phẩm trở nên nặng hơn và không thoáng khí.
Tuy nhiên, số GSM không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng của sản phẩm vải.
Dựa vào đâu để đánh giá chất lượng của vải?
Số GSM chỉ là là một yếu tố nhỏ ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm vải, nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất. Các yếu tố khác như thành phần sợi, cấu trúc vải, độ co giãn và các tính năng khác của vải cũng cần được xem xét để đánh giá chất lượng của sản phẩm.
Thành phần sợi sẽ quyết định tính chất của vải như độ bền, độ co giãn, độ mịn, độ dày, độ mềm mại, khả năng thấm hút/thoáng khí, khả năng kháng khuẩn và tính chống nhăn của áo thun. Ví dụ, các sợi tự nhiên như cotton và len có độ mềm mại và thoáng khí tốt hơn so với các sợi tổng hợp như polyester và nylon, tuy nhiên chúng lại ít bền và ít co giãn hơn. Các loại chất liệu vải phổ biến cho áo thun bao gồm cotton, polyester, poly-cotton, và rayon. Trong đó, Cotton là một chất liệu vải tự nhiên, có độ thoáng khí cao và rất thoải mái khi mặc. Còn Polyester và poly-cotton là chất liệu vải tổng hợp, có độ bền cao và không nhăn. Riêng Rayon là một loại chất liệu vải tổng hợp từ sợi cellulose, có độ thoáng khí và co giãn tốt.
Cấu trúc vải cũng là yếu tố quan trọng khác quyết định chất lượng của sản phẩm. Cấu trúc vải bao gồm các yếu tố như mật độ dệt, kiểu dệt, độ co giãn, số lượng sợi trong mỗi đơn vị chiều dài của vải, và các yếu tố khác. Đồng thời, nó phản ánh độ mịn, độ dày, độ co giãn, độ bền và các tính năng khác của vải. Ví dụ, một chiếc áo thun có cấu trúc vải co giãn tốt sẽ cung cấp sự thoải mái cho người mặc, trong khi vải bố có cấu trúc mật độ dệt cao sẽ có độ bền cao và ít bị rách.
Độ co giãn của vải cũng là yếu tố quan trọng đối với chất lượng sản phẩm vải. Độ co giãn sẽ quyết định tính chất của vải như khả năng co giãn, đàn hồi, khả năng phục hồi hình dáng ban đầu, và các tính năng khác. Ví dụ, vải co giãn tốt sẽ tạo sự thoải mái cho người mặc, đồng thời cũng giúp sản phẩm vải đồng phục không bị xù lông và giữ được hình dáng ban đầu của nó.
Bên cạnh đó, nguồn gốc sản xuất và màu nhuộm trong vải cũng là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng vải. Vải được sử dụng trong may mặc có chất lượng hay không cần phải có giấy tờ kiểm định – không phải cứ dày hay GSM cao là tốt. Giấy tờ kiểm định giúp ta hiểu rõ về nguồn gốc vải có đến từ một nhà máy uy tính, các thành phần và thuốc nhuộm trong vải có an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng hay không. Nếu một loại vải có nguồn gốc kém cùng thuốc nhuộm độc hại rồi cố tình làm dày lên để bảo rằng đây là vải chất lượng thì điều này vô cùng vô lý.
Ngoài chất liệu vải, các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến chất lượng của áo thun, bao gồm cấu trúc vải, đường may, kiểu dáng, màu sắc, họa tiết và kích thước. Tuy nhiên, nếu chất liệu vải không tốt, các yếu tố khác cũng không thể giúp cải thiện chất lượng sản phẩm. Vì vậy, khi chọn áo thun, nên chú ý đến chất liệu vải để đảm bảo được sự thoải mái và bền đẹp của sản phẩm.
Tổng kết, để đánh giá một loại vải có chất lượng hay không, cần phải dựa vào các yếu tố: chất liệu, cấu trúc sợi, kỹ thuật dệt, xủ lý và hoàn thiện, tiêu chuẩn chất lượng, kiểm định và chứng nhận. Do đó, nếu cứ đánh giá dựa trên số GSM trên vải là chưa đủ để kết luận.
Hãy ngưng “thần thánh hóa” vải có GSM cao
Sự thật rằng, không phải lúc nào áo thun càng dày vì có GSM cao thì cũng chất lượng. Độ dày của áo thun phụ thuộc vào mục đích sử dụng của nó. Ví dụ, áo thun dành cho mùa đông thường có độ dày lớn hơn để giữ ấm, trong khi áo thun dành cho mùa hè thường mỏng hơn để thoáng mát.
Cùng với đó, áo thun có GSM cao sở hữu nhiều nhược điểm mà hiếm ai nhắc đến. Đầu tiên chính là cảm giác khó chịu khi mặc, nếu GSM quá cao, áo sẽ trở nên dày và nặng, gây cảm giác khó chịu khi mặc, đặc biệt là trong thời tiết nóng. Đặc biệt với những nước có khí hậu nóng như ở Việt Nam, việc mặc một chiếc áo thun dày vào mùa hè chỉ càng khiến ta cảm thấy thêm oi bức và khó chịu. Do đó, một chiếc áo thun mỏng không đồng nghĩa với việc sản phẩm đó kém chất lượng. Ngoài ra, chưa kể đến việc thương hiệu hay nhà thiết kế cố tình sử dụng vải mỏng cho các ý đồ thiết kế khác nhau.
Thứ hai, nếu GSM quá cao, vải có thể không có độ co giãn đủ để phù hợp với các hoạt động vận động.
Thứ ba, vải có GSM cao thường cần sử dụng nhiều sợi hơn để tạo ra một chiếc áo, vì vậy sản xuất áo với GSM cao sẽ tốn nhiều chi phí hơn và có giá thành cao hơn. Cùng với đó, việc sản xuất áo thun có GSM cũng thải ra một lượng lớn khí thải và gây tổn hại đến môi trường.
Thứ tư, vải có GSM cao thường khó giặt và dễ nhăn. Khi giặt áo với GSM cao, bạn cần sử dụng nhiều nước và chất tẩy rửa để đảm bảo áo được sạch và không bị giãn ra hoặc bị phai màu. Ngoài ra, khi ủi, vải có GSM cao có thể dễ bị nhăn và cần phải ủi bằng nhiệt độ thấp hơn.
Mặt khác, khi các thương hiệu quá tập trung vào sản xuất sản phẩm từ vải có GSM cao. Họ có thể sẽ bỏ qua tiềm năng màu mở từ các loại vải khác trong khi đó có đến 28 chất liệu vải trong ngành công nghiệp dệt may (theo MasterClass). Thời trang luôn cần sự đổi mới, thử nghiệm trên nhiều loại chất liệu khác nhau. Nếu chỉ quá tập trung vào một loại vải, ta vô tình quên sự tuyệt vời hay các chức năng của những loại vải khác.