Cùng Vietnam Raw Denim tìm hiểu về thú chơi Denim ở Việt Nam

0

Cuối thế kỷ 19, quần áo Jeans (Denim) đã có một cuộc cách mạng phát triển trên toàn thế giới, khi du nhập vào Việt Nam từ món đồ bị cấm nó đã phát triển thành một thú chơi thời trang ngày nay.

Thập niên 1970, dựa theo mốt quần Jeans ống loe và áo bó sát từ phong cách Hippie, những người Sài Gòn sành điệu đã du nhập chúng vào Việt Nam. Những năm đó ra đường, đâu đâu cũng các nam thanh nữ tú mặc quần ống loe may bằng vải tổng hợp, áo chẽn từ vải polyester, đi giày đế cao, đeo kính mát ruồi Jackie-O bước xuống phố. Về tóc tai, con trai và con gái đều để tóc dài, tới vai hoặc hơn. Trích từ quyển “Chiếc Quần Bò Xuyên Hai Thế Kỷ”, người Hà Nội biết đến quần jeans do xem phim “Những Đứa Con Của Gấu Mẹ Vĩ Đại” (do Cộng hòa dân chủ Đức sản xuất), trong đó nhân vật đóng vai người hùng da đỏ mặc quần jeans do diễn viên nổi tiếng Dinzit đóng. Và cũng nhiều người biết kiểu quần này vì có một vài người được người thân sống ở Pháp gửi cho.

Sau khi đất nước thống nhất, thời trang có sự thay đổi lớn. Thanh niên ở Hà Nội, nhanh chóng chuyển sang ăn mặc theo mốt: quần loe, áo hoa may, đi giày đế cao, thắt chiếc khăn lụa hoa ở cổ. Từng có nhiều cơ quan treo tấm biển ở ngay cổng ra vào có dòng chữ: “Không tiếp thanh niên quần loe tóc dài”. Rất nhiều phường đã thành lập đội thanh niên cờ đỏ, buổi tối họ chặn một khúc phố, cứ thấy ai mặc quần loe, hay tóc dài là giữ lại lấy kéo cắt một nhát từ gấu lên tận đùi. Quần jeans cũng bị cấm vì bị coi là biểu trưng cho nước Mỹ, cho chủ nghĩa tư bản.

Năm 1979, hàng hóa Thái Lan các loại thông qua Campuchia tràn về nước ta. Bên cạnh vải, thuốc lá, đồ tiêu dùng có cả chiếc quần jeans hiệu KingJo. Quần chỉ có màu xanh với hai kiểu là ống đứng (straight) và ống hơi loe (bootcut). Thời điểm này, quần áo bằng chất liệu ni lông và sợi tổng hợp không còn hấp dẫn nữa nên nhiều thanh niên đã chọn quần jeans – loại quần mà cả nam và nữ đều mặc được lại tha hồ “lăn lê bò toài”, nếu bị chê bẩn thì có thể “thanh minh” là theo mốt bụi.

Điều làm cho nhiều thanh niên thời kỳ này lựa chọn quần jeans vì mặc đi làm cũng được, đi chơi cũng phù hợp nên dù giá hai chỉ vàng một chiếc, họ vẫn bỏ tiền mua. Vì nhu cầu tăng lên nên đầu những năm 1980, hầu như các chợ lớn ở Việt Nam đều có bán “quần bò” Thái.

Cũng trong những năm này, vì gửi tiền về nước rất khó nên nhiều người định cư ở Mỹ và Tây Âu đã gửi cho người nhà trong nước quần jeans hiệu Levi’s Strauss, Lee… màu xanh hay màu chì để bán lấy tiền sinh sống. Ngoài ra, người lao động Việt Nam sang đó làm việc và khi đi thì trai hay gái, già hay trẻ, đa số khoác một bộ jeans trên người, trong hành lý còn có thêm một bộ nữa theo tiêu chuẩn. Một chiếc quần Lee hay Levi’s Strauss có giá là 250 rúp (tiền Nga) thời đó thì người mang sang lãi một nửa.

Từ năm 1990 đến những năm 2000 trở đi, quần jeans ngày càng phổ biến và đa dạng hơn. Một phần là vì ảnh hưởng của việc du nhập văn hóa, phim ảnh, âm nhạc từ các nước phương Tây và HongKong, kéo theo hàng loạt gu thời trang vào Việt Nam. Việc buôn bán các mặt hàng Jeans cũng ngày càng rộng rãi hơn trước, thậm chí quần áo bò (cách gọi của người Hà Nội) bày bán không phải một mà có đến vài dãy phố.

Những con phố Trần Nhân Tông, Thợ Nhuộm, Nguyễn Du đã từng được đặt “nickname” là Phố quần áo bò, Phố Jeans… Cũng vì mặt hàng thời trang này mà phố Mai Hắc Đế hay Triệu Việt Vương hình thành những cửa hàng dịch vụ cắt gấu, bóp eo, vá và xé rách nhằm phục vụ những “thượng đế” có nhu cầu.

Vietnam Raw Denim

Vietnam Raw Denim: Kết nối tinh thần tự do, phóng khoáng

Trong vô vàn xu hướng thời trang, ở đâu đó vẫn có những có người yêu thích những phong cách cổ điển, bụi bặm và mang chút gì đó hoài niệm. Và còn gì bằng những “tay chơi” Denim hội tụ cùng nhau chia sẻ chung niềm đam mê thứ vải màu xanh và vi vu trên những con xe Vespa cổ điển lẫn hiện đại. Street Vibe đã có dịp trò chuyện với anh Khoa Nguyễn, một trong những admin của Vietnam Raw Denim.

Vietnam Raw Denim

Chào anh Khoa, Vietnam Raw Denim được thành lập từ khi nào anh nhỉ?

Chào em. Thành lập năm 2015, Vietnam Raw Denim (viết tắt: VNRD) là một cộng đồng những người yêu thích Raw Denim & các sản phẩm thời trang chất lượng cao có liên quan như đồ da (leather boots, leather belt, leather jacket…), quần áo Workwear, Vintage, Americana, Military… Các chủ đề về phong cách thời trang được đề cập trong nội dung hoạt động của cộng đồng VNRD bao gồm Denim & Heavy Denim, Heritage Workwear, Rugged Style, American Classic, American Casual, Vintage Military…

Anh Khoa có thể cho độc giả của Street Vibe biết được cách hoạt động của Vietnam Raw Denim hiện nay được không không ạ?

Đội ngũ VNRD được chia theo hai nền tảng Online và Offline.

Ở Online là những hoạt động đến từ nhiều nền tảng nhưng sôi động nhất vẫn là Group cùng các thành viên mới lẫn lâu năm thường xuyên chia sẻ các hình ảnh, câu chuyện về các món đồ mà họ sưu tập hoặc mua được cùng với các outfit đi kèm. Còn từ phía VNRD luôn cập nhật các thông tin mới nhất & đặc biệt về denim nói riêng & thời trang nói chung. Cùng với việc tổ chức các cuộc thi về việc “cày quần” raw denim. Song song đó VNRD đang có 1 Series Podcast mang tên “Hồ Đồ” ở trên Youtube.

Còn ở “mặt trận” Offline thì VNRD đang tổ chức gặp mặt trò chuyện cà-phê vào Chủ nhật đầu tiên của mỗi tháng, cùng với các hoạt động lớn trong năm như Offline lớn với sự tham gia đông thành viên cùng đi kèm buôn bán trao đổi các sản phẩm liên quan về Denim/WorkWear/Vintage.

Từ khi thành lập VNRD, anh Khoa cũng như các admin khác mong muốn mang đến điều gì cho member và những người quan tâm đến Denim?

Điều VNRD luôn mong muốn mang đến cho các thành viên là một nơi có thể chia sẻ sở thích chung về Denim. Một chỗ có thể truyền cảm hứng cho các bạn đã biết hoặc chưa biết nhiều hơn về văn hoá Denim. Xây dựng một cộng đồng nhiều “người chơi” thì mới nhiều cơ hội để có thể trải nghiệm và đánh giá các sản phẩm từ khắp nơi trên thế giới lẫn sản phẩm Local Brand. Từ đó, member có thêm một góc nhìn khác về những sản phẩm đó để có thể tự quyết định mình sẽ tìm hiểu và nghiên cứu rồi trải nghiệm sản phẩm ra sao.

Vietnam Raw Denim
Buổi OFFLINE quy mô lớn được tổ chức bởi Vietnam Raw Denim trong năm 2024, Denim Fest 2024.

Anh Khoa được biết đến là một trong những “quản trò” của Vietnam Raw Denim, vậy góc nhìn cũng như quan điểm của anh và cả hội về thú chơi Denim tại Việt Nam và quốc tế hiện nay?

Denim là trào lưu & phong cách ăn mặc đã rất phổ biến ở các nước như Hoa Kỳ, các nước Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc… với nhiều nhóm – cộng đồng xem nó là một sở thích thú vị. Việt Nam cũng đã gắn liền với chiếc quần denim mà người Việt Nam hay gọi là “quần bò”, nó đã dính kèm với hình ảnh của thế hệ cha mẹ chúng ta từ rất lâu. Sau này, thế hệ trẻ hơn đem Denim trở nên phổ thông hơn, nhiều người biết đến nó hơn, dần dần có những tiểu văn hoá được giới trẻ Việt Nam nhìn theo và học theo rất nhanh.

Càng ngày càng nhiều các bạn trẻ Việt Nam biết đến Raw Denim, có những bạn mới và cũng có những bạn đến từ các văn hoá khác cũng dần biết sâu và rõ hơn về văn hoá Raw Denim nói riêng và Denim nói chung. Với quan điểm của Team là càng đông càng vui, càng nhiều người biết đến thì sân chơi nó mới đa dạng, càng nhiều các brand quốc tế sẽ nhảy vào, các Local Brand cũng có tiềm năng phát triển vươn ra các nước anh em.

Một câu hỏi cuối cùng, anh hãy cho Street Vibe và đọc giả biết ý nghĩa của Denim đối với Vietnam Raw Denim?

Denim thật sự đối với một số anh em trong team VNRD như là một lối sống cùng ăn, mặc, ngủ với Denim. Còn một số anh em nó như là một món đồ mang tính lịch sử, kiến thức, sưu tầm để nhìn ngắm và sử dụng nó. Chung quy lại Denim là một phần của cuộc sống, không ít thì nhiều đều ảnh hưởng đến anh em trong team về một khía cạnh nào đó. Anh em “chơi” Denim như cách Denim trường tồn với thời gian vậy.

Cám ơn anh Khoa Nguyễn cũng như team Vietnam Raw Denim đã dành thời gian chia sẻ với đọc giả tạp chí Street Vibe. Chúc anh và Vietnam Raw Denim ngày càng vươn xa, phát triển mạnh, có thêm nhiều hội viên chất lượng và xây dựng sân chơi này ngày một lớn mạnh!

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here