Ngày nay, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển của âm nhạc với bề dày lịch sử đồ sộ. Nổi bật trong đó có thể kể đến dòng nhạc City Pop của Nhật Bản. Không chỉ có giai điệu hấp dẫn và nhịp điệu sôi nổi, City Pop đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong văn hóa Nhật Bản và trên toàn thế giới. Những giai điệu quen thuộc từ “Stay with Me” của Matsubara Miki hay “Plastic Love” của Takeuchi Mariya nhanh chóng được các tín đồ âm nhạc thời nay yêu thích. Hôm nay, hãy cùng Street vibe tìm hiểu về dòng nhạc đã gây khuynh đảo đại chúng một thời nhé!
Cho dù bạn có nghe hết “playlist” các bài nhạc City Pop trên các nền tảng cộng đồng như: Youtube, Tiktok, Soundlound…Hoặc đọc tất cả những thông tin liên quan đến dòng nhạc này trên Wikipedia, thì cũng khó có thể tóm gọn và định nghĩa chính xác về những giai điệu mà có chung nguồn gốc. Để có thể lột tả tận gốc dòng nhạc tuy xưa cũ nhưng cũng rất hiện đại này thì cần phải khai thác 3 yếu tố không thể bỏ qua như sau: Bối cảnh ra đời – Sức ảnh hưởng – Độ phổ biến.
Bối cảnh ra đời của dòng nhạc City Pop
City Pop là một thể loại nhạc bắt nguồn từ Nhật Bản vào những thập niên 1970; tuy nhiên, City Pop không hề có định nghĩa rõ ràng. Ban đầu, thể loại nhạc này được cho là phân nhanh từ “New Music” – một thể loại chịu ảnh hưởng bởi văn hóa, âm nhạc và nghệ thuật của phương Tây. Với sự phát triển của xã hội, khoa học, công nghệ kéo theo nhu cầu về giá trị tinh thần của con người ngày càng tăng, chúng ta đã chứng kiến sự đa dạng về thể loại cũng như phong cách âm nhạc có liên hệ với giai cấp và sự phát triển kinh tế đương thời, chẳng hạn như: AOR, R&B, Soft rock, Funk và Boogie. City Pop cũng được xem là có mối liên hệ với những công nghệ mới của thời đại này như máy nghe nhạc Walkman, xe hơi có lắp đặt đài cassette cũng như nhiều loại nhạc cụ điện tử.
Những năm thập niên 70 ở Mỹ, tiếp nối làn sóng “Contre-culture”, nhiều người trẻ bất mãn tìm cách trốn tránh khỏi thực tại. Lúc bấy giờ, dòng nhạc Disco ta đời với sứ mệnh giải thoát con người con người khỏi những hiện thực xã hội khi ấy, đó là khoảng thời gian nhảy múa vui vẻ ở những hộp đêm, tạm quên đi thực trạng xã hội. Disco khi ấy đã tạo nên một làn sóng văn hóa, âm nhạc trên khắp thế giới, tuy nhiên vòng đời của dòng nhạc này lại không lâu. Ở Việt Nam, Disco được phổ biến được mở khắp các vũ trường, quán bar… còn ở Nhật Bản, Disco là niềm cảm hứng gần như lớn nhất và được xem là khởi nguồn cho dòng nhạc City Pop.
Sau hiến tranh thế giới thứ hai chứng kiến sự bùng nổ của kinh tế, đưa nước Nhật trở thành vùng trọng điểm kinh tế lớn thứ hai thế giới vào thời điểm đó – City Pop cũng ra đời vào hoàn cảnh lịch sử ấy. Người dân “xứ sở hoa anh đào” được hưởng lợi từ sự bùng nổ kinh tế hậu chiến tranh và sự lôi cuốn của cơn lốc tiêu dùng (consumerism). Xu hướng tiêu dùng những thứ xa hoa, đắt đỏ được lấy cảm hứng từ nước Mỹ từ: quần áo, thực phẩm, du lịch và văn hóa âm nhạc về đêm. Văn hóa và nghệ thuật theo đó cũng phát triển mạnh mẽ, đi cùng với sự ra đời của Sony với dàn âm thanh nổi bật được lắp trên những xe ô tô. Lúc bấy giờ, âm nhạc Nhật Bản đã khai sinh ra dòng nhạc City Pop để đáp lại xu hướng và thị hiếu đại chúng.
Độ phổ biến của City Pop đến văn hóa đại chúng
Thời đại huy hoàng của dòng nhạc City Pop đạt đỉnh cao về độ phổ biến vào những năm 1980. Các nhân tài trong làng âm nhạc Nhật Bản như Tatsuro Yamashita, Toshiki Kadomatsu hay Miki Matsubara với những giai điệu đi sâu vào tâm trí của các tín đồ âm nhạc hiện đại, họ được xem là “Những cây đại thụ” của thể loại City Pop. Trong số đó, Yamashita lúc bấy giờ được biết đến với biệt danh là “King of City Pop”. Tuy nhiên, sau thập niên 80 thể loại này không còn được ưa chọn, người dân Nhật Bản cho rằng thể loại này: sến sẩm, nhàm chán, không có điểm nổi bật. City Pop dần lấy lại vị thế vào thập niên 2010, sự phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng Internet, các nền tảng Forum nghe nhạc, các bài Blog về dòng nhạc xưa cũ của Nhật Bản được phổ biến ra thế giới. Chắc hẳn ngay lúc này, chúng ta đã một lần thả hồn mình vào những giai điệu sôi động trong bài hát “Plastic Love” hay những playlist lãng mạn – trữ tình dài vô tận trên YouTube.
Mặc dù lấy cảm hứng từ phương Tây, tuy nhiên City Pop vẫn giữ được nét riêng đặc trưng của văn hóa Nhật Bản. Thể loại này trở thành “cây cầu” gắn kết hoàn hảo cho sự giao thoa giữa phương Đông và phương Tây. Phần lớn thế hệ trẻ ở nước ngoài thích nhạc City Pop vì nó tương đối mới lạ, đồng thời cũng rất hoài niệm. Hầu hết các bản nhạc mà thế hệ trẻ biết đến từ những năm 70 và 80 thông qua trải nghiệm của cha mẹ.
City Pop là cách để người nước ngoài tạo mối liên hệ mới với những kỷ niệm đẹp đẽ về văn hóa Nhật Bản thời trẻ. Đây là lý do lớn khiến người phương Tây say mê City Pop đến vậy, bởi dường như một ký ức bị lãng quên đã quay trở lại. Sự đánh giá cao về trao đổi văn hóa này là một kết nối nở rộ, quy tụ các thế hệ khác nhau từ cả Nhật Bản và phương Tây.
Sức ảnh hưởng của City Pop đối với nghệ thuật
Nhạc City Pop, Không chỉ tồn tại ở dạng giai điệu sôi động, mà còn là hiện thân cho một tượng đài văn hóa lớn trong xã hội Nhật Bản nói riêng và trên toàn thế giới nói chúng. City Pop đi sâu và truyền cảm hứng cho nghệ thuật từ thời trang, kiến trúc, phim ảnh trong văn hóa hiện đại.
Thời Trang
Thời trang lấy cảm hứng từ dòng nhạc City Pop mang những màu sắc rực rỡ, “Pattern” táo bạo và thiết kế mang tính “Futuristic”. Từ những chiếc áo khoác, đến phụ kiện neon, City Pop Aesthetics biểu trưng cho sự tôn vinh cái tôi cá tính và khả năng thể hiện phản ánh tinh thần chiết trung của thời đại.
Một trong những khía cạnh mang tính biểu tượng nhất của thời trang City Pop là cách sử dụng màu sắc táo bạo. Màu neon, màu pastel và chất liệu metallic chiếm ưu thế trong bảng màu, tạo thêm cảm giác sống động và tràn đầy năng lượng cho đường phố ở những thập niên trước. Từ những bộ đồ thể thao màu sắc rực rỡ cho đến những chiếc váy đính sequin, thời trang City Pop đều hướng tới việc tạo nên sự nổi bật và nổi bật giữa đám đông.
Mặc dù thời trang City Pop có thể đã ra đời từ những năm 1980 nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn được cảm nhận cho đến ngày nay. Từ sàn diễn của Tuần lễ thời trang Tokyo đến đường phố Harajuku hay tại 4 kinh thời trang lớn nhất thế giới, tiếng vang của phong cách thẩm mỹ City Pop có thể được nhìn thấy trong các xu hướng thời trang đương đại trên khắp thế giới.
Phim Ảnh
Nhạc City Pop Nhật Bản cũng đã tạo được dấu ấn trong thế giới phim ảnh và truyền hình. Từ những bản nhạc phim mang tính biểu tượng đến những video ca nhạc đáng nhớ, City Pop đã cung cấp nhạc phim cho vô số bộ phim, chương trình truyền hình và quảng cáo . Cho dù đó là giai điệu lạc quan của Tatsuro Yamashita trong một bộ phim hài lãng mạn, hay âm thanh tổng hợp u ám của Mariya Takeuchi trong một bộ phim kinh dị tội phạm. Đặc biệt, những hoài niệm xưa cũ tuổi thơ về các bộ phim anime như: Cat’s Eyes, Kimagure Orange Road, City Hunter với những giai điệu thổn thức. Những năm gần đây, City Pop đã trải qua sự hồi sinh trong văn hóa đại chúng, với âm thanh hoài cổ và sức hấp dẫn khiến nó trở thành lựa chọn yêu thích của các nhà làm phim.
Kiến trúc
Ngay cả trong lĩnh vực kiến trúc, có thể thấy rõ ảnh hưởng của City Pop. Ở những thành phố như Tokyo và Osaka, nơi ánh đèn neon và những tòa nhà chọc trời của những năm 1980 vẫn sừng sững, di sản của City Pop vẫn tồn tại và phát triển. Từ các tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm tương lai đến các quán cà phê và câu lạc bộ đêm lấy cảm hứng từ cổ điển, kiến trúc của những thành phố này phản ánh năng lượng năng động của kỷ nguyên City Pop.
Kết luận
“Âm nhạc chạm đến chúng ta một cách đầy cảm xúc, nơi mà chỉ lời nói thì không thể.” – Johnny Depp. Bạn có thể tưởng tượng cuộc sống của bạn mà không có âm nhạc? Nó gần như không thể. Âm nhạc – giai điệu không chỉ là liều thuốc tinh thần giàu xúc cảm, mà còn là cầu nối gắn kết con người lại với nhau. Đã từng là dòng nhạc xâm chiếm trong lòng khán thính giả Nhật Bản một thời, tuy đã trải qua những giai đoạn suy thoái và gần như mất đi sức hút của mình trên bản đồ âm nhạc.
Giờ đây, City Pop vươn mình mạnh mẽ tái định hình lại dòng nhạc hiện đại, là sự tiên phong đưa văn hóa âm nhạc Nhật bản ra thế giới. City Pop chính là “điểm cắt” giữa các nền văn hóa khác nhau và truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, trên toàn thế giới.