Cách mà thời trang quốc tế tôn vinh nét đẹp phi chuẩn mực & “định nghĩa” lại vẻ đẹp hình thể

0

Tiêu chuẩn về cái đẹp hình thể và thẩm mỹ dần thay đổi qua từng mốc thời gian. Nó ngày càng đa dạng khiến “các ông lớn” của ngành thời trang phải bật đèn xanh cho những người mẫu mang nét đẹp phi chuẩn của thời đại.

Trong nhiều năm qua, không ít nhà mốt đã sắp xếp các người mẫu ngoại cỡ biểu diễn như những người mẫu mảnh mai xuất hiện trong các show diễn, bộ ảnh thời trang hay thậm chí là chiến dịch quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, cũng có nhiều ngôi nhà thời trang giới thiệu các BST đặc biệt dành riêng cho các đối tượng khách hàng có dáng vóc ngoại cỡ (plus-size).

Những nỗ lực tôn vinh vẻ đẹp phi chuẩn

Các xu hướng về quần áo, trang điểm và cái đẹp vẫn luôn thay đổi không ngừng nghỉ theo dòng chảy của thời gian. Ở một thời đại, tiêu chuẩn này có thể được triệu người ngưỡng mộ và học theo thì sau vài năm, nó đã có thể lỗi mốt.

Tiêu chuẩn về thẩm mỹ được thay đổi theo từng thời kỳ

Thập niên 60 là những cô nàng thanh thoát, gầy gò nhưng sống động. Thập niên 80 là sự trỗi dậy của những thân hình gợi cảm với những cú đánh hông uyển chuyển đầy khiêu gợi. Thập niên 90 có Kate Moss đập đổ thánh tượng “bombshell” của thế hệ trước và thay thế bằng “heroin chic” gây ảnh hưởng đến tận bây giờ. Nhưng chuẩn mực về vẻ đẹp hoàn hảo trong gương mặt, thân hình hay màu da dù thay đổi thế nào đi chăng nữa cũng chỉ vẫn là những dáng vóc không đại diện cho đa số và thiểu số, như thể thời trang chỉ dành cho người mẫu vậy.

Tiên phong trong xu hướng “bình đẳng” những nét đẹp về hình thể, phải kể đến những NTK thuộc trường phái Avant-Garde đã tiên phong trong các thiết kế thời trang lẫn vẻ đẹp của con người. Show diễn Alexander McQueen mùa Xuân 1999 mang tên “No.13” với sự xuất hiện của vận động viên khuyết tật Aimee Mullins trong bộ đầm ren và đôi chân gỗ được chạm trổ tinh xảo. Chưa hề có tiền lệ, việc người mẫu khuyết tật trên sàn diễn đã gây chấn động Paris ở thời điểm đó.

Năm 2010 đã đánh dấu thời trang ngoại cỡ chiếm giữ xu hướng chủ đạo của nền thời trang đương đại. Khi nữ diễn viên người Mỹ Gabourey Sidibe xuất hiện trên trang bìa của một tạp chí thời trang uy tín. Tất nhiên, việc sử dụng hình ảnh nhân vật có cơ thể mũm mĩm trên một ấn phẩm thời trang sẽ gây ra những cuộc bàn tán trái chiều. Có người ủng hộ sự mới mẻ, có người phản đối vì cho rằng vẫn nên đi theo các giá trị tiêu chuẩn. Thậm chí, cho đến tận ngày nay, thành kiến về phom dáng cơ thể vẫn còn tiếp diễn. Mặc dù có nhiều phong trào ủng hộ quan điểm tích cực về hình thể như “body possibility” diễn ra nhưng có lẽ cần thêm thời gian hoặc hành động quyết liệt hơn để xóa bỏ tàn dư đó.

Nữ diễn viên “ngoại cỡ” Gabourey Sidibe trên trang bìa tạp chí V Magazine danh tiếng.

Không kém phần ấn tượng, Rick Owens đã tuyển các nhóm nhảy Washington Divas, Soul Steppers, The Momentums và The Zetas để trình diễn cho BST mùa Xuân 2014. Điểm đặc biệt là các vũ công đều là những phụ nữ có thân hình ngoại cỡ và đa số là người da màu. Hiển nhiên show diễn cũng không diễn ra như thường lệ. Các người mẫu được xuất hiện theo từng nhóm, thể hiện những bài nhảy mạnh mẽ được dựng riêng cho buổi diễn với thần thái “dữ tợn” đúng với tên “Vicious” của BST.

Trong những thập niên 80 và 90, rất ít show diễn có người mẫu da đen hay châu Á, nếu có cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên số lượng người mẫu da màu đã tăng đáng kể trong nhiều năm trở lại đây. Khi sự trỗi dậy của kinh tế và thời trang châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng thúc đẩy sự nở rộ của người mẫu châu Á, các vấn đề về phân biệt chủng tộc và các phong trào đấu tranh trong và ngoài ngành thời trang buộc những người đứng đầu phải có cái nhìn khác với người mẫu da màu.

Đây là một số minh chứng cho sự nỗ lực của các NTK trong việc xóa bỏ sự định kiến về thẩm mỹ vốn có và tiến tới sự đa dạng về nét đẹp hình thể trong bản đồ thời trang đương đại.

Một chặng đường dài để thay đổi định kiến

Theo tờ Guardian, mùa mốt đầu năm 2023 đã chứng kiến sự vắng mặt của những người mẫu ngoại cỡ trên sàn diễn. Những người mẫu nữ siêu gầy thống trị 4 sự kiện thời trang lớn nhất hành tinh, diễn ra tại Milan, New York, Paris và London.

Chỉ có 51 người mẫu ngoại cỡ (tương đương 5,09% tổng số nghệ sĩ trình diễn) xuất hiện tại Tuần lễ thời trang New York, theo Fashion Spot. Còn theo Tagwalk, số lượng người mẫu mid-size (cỡ trung) và plus-size (ngoại cỡ) trình diễn trang phục nữ giảm 24% so với mùa trước. Chỉ 68 thương hiệu chọn người mẫu của một trong hai nhóm, giảm so với con số 90 thương hiệu vào mùa trước.

Người mẫu Precious Lee trong chiến dịch quảng bá của Versace.

New York Times chỉ ra rằng Saint Laurent, Louis Vuitton, Gucci, Prada và Moschino hoàn toàn không chọn mẫu plus-size hoặc mid-size. Trong khi, Michael Kors, Dolce & Gabbana và Alexander McQueen nằm trong số hãng chỉ yêu thích một người mẫu plus-size hoặc mid-size, và Chanel là thương hiệu xa xỉ duy nhất có người mẫu thuộc cả ba nhóm này.

Có thể nói, phụ nữ sở hữu chỉ số cân nặng lớn bị các nhãn hàng cao cấp “ngó lơ”. Điều tương tự xảy ra với người dùng thời trang thấp (dưới 1m6). Liza Belmonte, người sáng lập Kjinsen, một nhãn hiệu thời trang cao cấp cho biết: “Một nửa dân số nữ trên thế giới cao dưới 1m6, nhưng họ chưa nhận được sự chú ý của các thương hiệu may mặc. Nếu mua sắm ở thị trường xa xỉ, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm trang phục có số đo phù hợp”.

Người mẫu ngoại cỡ có nhiều cơ hội tỏa sáng trên sàn diễn thời trang hơn trước đây.

Các thân hình không bao giờ nên trở thành một xu hướng. Chúng ta cần có sự đa dạng về thân hình trên sàn diễn thời trang để không biến thân hình trở thành một xu hướng. Nếu bạn muốn tạo ra một thế hệ mới của những người ít gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và hình ảnh cơ thể, đạt được sự trung lập về thân hình, thì cần áp lực các nhà thiết kế để cho thấy đa dạng về thân hình của mọi người.” – Hayward chia sẻ với Vogue Business.

Nữ ca sĩ Dani Miller vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi làm mẫu đại diện cho Gucci.

Đó là tình trạng thiếu đại diện cho các loại hình thân hình khác nhau trên sàn diễn thời trang. Cần khuyến khích các nhà thiết kế có sự hiển thị đa dạng thân hình hơn trong các bộ sưu tập, để tạo ra một thế hệ mới với tư duy tích cực về hình ảnh cơ thể và sức khỏe tinh thần.

Lời kết

Thực chất, những chuẩn mực về cái đẹp: vóc dáng cao ráo, da trắng, mũi cao… là những ý nghĩ tồn tại trong phần đông quan điểm thẩm mỹ của tất cả mọi người. Khi bắt đầu thay đổi ắt hẳn sẽ gây nên nhiều luồng tranh cãi nhưng suy cho cùng nhu cầu được làm đẹp, mặc những bộ cánh lộng lẫy là mong ước chính đáng của phái đẹp kể cả người có sắc vóc hoàn hảo, đầy đặn hay những người còn khiếm khuyết. Đây sẽ là một chặng đường dài cần được quan tâm và phấn đấu nhiều hơn nhằm tôn vinh những vẻ đẹp phi chuẩn.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here