Các “Ông Lớn” trong giới thời trang cũng có lần bị tố sao chép ý tưởng từ các NTK và thương hiệu nhỏ?

0

Chuyện trùng hợp ý tưởng hay đạo nhái vốn đã không còn xa lạ trong giới mộ điệu thời trang. Thế nhưng, một vài thương hiệu lớn đã bị chính những NTK và thương hiệu nhỏ hơn tố cáo sao chép ý tưởng từ họ.

Quay lại năm 2020, cộng đồng thời trang xôn xao trước vụ việc Balenciaga sao chép ý tưởng từ một bạn sinh viên trẻ người Việt tên Trà My. Để hiểu rõ hơn về vụ việc, bạn có thể đọc ở bài viết này.

Không lâu sau cú phốt đó, Balenciaga đã bác bỏ cáo buộc của Trà My và khẳng định rằng photographer của hãng lấy nguồn cảm hứng từ “cách những người bán hàng rong trưng bày sản phẩm trên phố”. “Nhà mốt Tây Ban Nha” còn khẳng định đội ngũ của mình làm việc độc lập nên không thể nào biết Trà My là ai.

Tuy nhiên, Trà My đã hồi đáp ngay trên trang cá nhân của cô rằng những tấm hình mà Balenciaga cho là “nguồn cảm hứng” đó có thể dễ dàng tìm kiếm trên Google. Thương hiệu cũng đã xóa sạch những comment của cô trên Instagram và từ chối xóa bức ảnh gây tranh cãi. Theo cộng đồng mạng, cách làm việc Balenciaga thật sự quá trắng trợn và đang chèn ép quá đáng Trà My.

Trong giới thời trang, đây vốn không phải trường hợp đầu tiên các nhà mốt lớn bị các nhà thiết kế hay các thương hiệu nhỏ lên tiếng “tố cáo” ăn cắp chất xám. Trước đó đã có nhiều thương hiệu lớn khác đánh cắp, sao chép chất xám từ các thương hiệu và nhà thiết kế ít tiếng tăm hơn ngay trong chính cái nôi của làng thời trang thế giới. Để bạn hiểu rõ hơn, hãy cùng Streetvibe điểm qua một vài trường hợp “Cá lớn nuốt cá bé” nổi bật trong giới thời trang. 

Chanel và NTK Mati Ventrillon

Quay trở lại năm 2016, Chanel cho ra mắt BST Pre-Fall mang tên “Paris in Rome”. Ở BST này, nhà mốt đã giới thiệu đến công chúng những mẫu áo len sậm màu với hoạ tiết đặc biệt. Tuy nhiên, không lâu sau đó, NTK người Scotland – Mati Ventrillon đã đăng đàn tố cáo Chanel sao chép hoạ tiết từ mẫu áo len của cô ở Facebook và Instagram.


Nhận ra lỗi của mình, Chanel nhanh chóng gửi xin lỗi và thêm cụm từ “Thiết kế bởi Mati Ventrillon” vào BST như một cách sửa sai. Sau hành động đó, Chanel đã ghi điểm lớn trong lòng mọi người vì cách ứng xử nhã nhặn của thương hiệu tuy nhiên việc Chanel từng dính “phốt” thế này quả thật khó lòng giới mộ điệu quên được.

Dior và NTK Orijit Sen

Vào tháng 1/2018, thương hiệu People Tree của NTK Orijit Sen đã cáo buộc họa tiết “Yoga” trên chiếc váy của nhà mốt Christian Dior giống với chiếc mà Orijit đã thiết kế vài năm trước. Orijit Sen đã vô tình phát hiện ra “phiên bản copy” này sau khi anh xem qua bìa tạp chí Elle India.

Về phía Dior sau khi bị Orijit tố cáo, họ đã nhanh chóng sắp xếp để thương lượng với Orijit. Theo lời cả hai phía, cả Orijit và Dior đạt được các thỏa thuận ở tòa án và từ chối cho biết thêm chi tiết với báo chí.

Moschino và NTK Edda Gimnes

Tháng 11/2017, NTK người Nauy, Edda Gimnes đã gặp mặt một nhân viên cấp cao làm việc cho Moschino ở New York. Ở buổi hẹn đó, cô đã vui vẻ chia sẻ những ý tưởng cùng các bản vẽ thiết kế dành cho BST SS 2016 của cô. Nhưng Edda lại không ngờ đến chuyện sau này Moschino ngang nhiên đưa “cảm hứng” đó lên BST SS 2019 của họ.

Điều đáng nói hơn cả, Moschino không hề xin phép hay để tên Edda ở credit. Theo Edda, điều đó thật sự bất công cho những NTK ít tiếng tăm như cô, dù ban đầu vụ việc diễn ra khá xôn xao nhưng về sau, nó lại rơi vào quên lãng.

Kylie Jenner và Cake Asian’s

Trước đây, khi Kylie Jenner đăng tải những bức ảnh giới thiệu mẫu thiết kế sweater mới với hoạ tiết ngọn lửa cháy rực ở tay áo và ống quần cho bộ sưu tập của cô đã từng khiến cộng đồng mạng để ý vì hoạ tiết ngọn lửa, cũng như cách sắp xếp chúng trông giống hệt với mẫu thiết kế của nhãn hàng Cake Asia’s.

Trong khi đó, Cake Asia’s đã ra mắt mẫu thiết kế này trước Kylie khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, đó chỉ là phát hiện trùng hợp của cộng đồng mạng, riêng Kylie và Cake Asia’s lại không có bất kỳ phản ứng nào.

Virgil Abloh và Ryder Ripps

Vào tháng 6 năm 2020, một tệp tin dài 21 trang do Ryder Ripps đăng tải đã làm chấn động giới thời trang. Cụ thể, ở tệp tin ấy, Ryder đưa ra đầy đủ các bằng tố cáo “Nhà sáng lập OFF White” sao chép ý tưởng của mình trong nhiều năm liền. Theo lời Ryder, chính Virgil đã lấy cắp những ý tưởng đó rồi đưa chúng vào các sản phẩm của OFF White mà không xin phép hay đề cập gì đến Ryder. Hiện tại, tệp tin đã không còn tồn tại ở Internet nữa.

Nhìn chung, đây là một vấn đề khá phức tạp và vẫn còn là vấn đề nhức nhối trong giới thời trang. Lẽ ra, sức mạnh càng lớn phải đi cùng trách nhiệm càng cao, nhưng những thương hiệu lớn với sức mạnh về tiền bạc, quyền lực, quan hệ và truyền thông đôi khi vẫn có những lần “lộng quyền” như thế. Họ lợi dụng cái “uy quyền” của mình rồi phũ phàng đánh cắp chất xám từ những cá nhân “thấp cổ bé họng” và thậm chí họ đành cam chịu mất đi tiếng nói và bản quyền khi mọi việc rơi vào dĩ vãng. 

Qua bài viết này, Streetvibe có thể giúp bạn hiểu hơn về các sự việc “ăn cắp chất xám” từng được chú ý và giúp bạn hiểu rõ hơn các sự việc. Nếu bạn có bất kỳ kiến nào về vấn đề này, đừng ngần ngại để lại nhận xét bên dưới bài viết nhé.

Bài viết: Ái Huỳnh

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here