Ametora: “Chất Mỹ” cổ điển trong văn hóa và thời trang của xứ Phù Tang

0

Tuy Nhật Bản và Mỹ là hai phe đối lập trong Chiến tranh thế giới II, song, cả hai đất nước vẫn có sự giao thoa sâu sắc trong phong cách, văn hóa và thời trang qua suốt bề dày lịch sử.

Nói đến thời trang Nhật Bản là nói đến những phong cách tiên phong, những kỹ thuật phức tạp được tạo nên từ sự sáng tạo không giới hạn của con người nơi đây. Tuy nhiên, có lẽ ít ai biết được khái niệm Ametora – một trong những “viên gạch” đã xây dựng nên thời trang muôn màu muôn vẻ của xứ sở Hoa Anh Đào lại đến từ nước Mỹ xa xôi.

Có thể bạn đã nghe đến hoặc còn lạ lẫm với Ametora, nhưng khái niệm này bạn đã gặp ít nhất một hoặc hai lần khi xem những tác phẩm điện ảnh, truyện tranh của Nhật Bản. Vậy khái niệm Ametora thực sự là gì?

Ametora là gì?

Ametora có nghĩa là “American Traditional” (Truyền thống Mỹ). Nhưng theo một khía cạnh văn hóa, Ametora là khái niệm bao trùm rộng lớn rất nhiều, không chỉ riêng về thời trang. Thay vào đó, nó như một bức tranh khắc họa rõ nhất những biến động về đất nước cũng như con người Nhật Bản trong thời kỳ lịch sử lúc bấy giờ.

Ngay từ cái tên, chúng ta đã dễ dàng hình dung ra rằng Ametora đơn giản là phong cách thời trang cổ điển của Hoa Kỳ được mặc bởi người Nhật. Mặc dù chỉ chính thức trở nên phổ biến tại Nhật vào một thập kỷ hậu Thế chiến thứ II, tuy nhiên trên thực tế, phong cách Ametora đã được “thai nghén” trong xuyên suốt một đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước mặt trời mọc.

Nếu không có Ametora, thật khó tưởng tượng thời trang và phong cách của người Nhật ngày nay sẽ như thế nào?

Ametora và sự ảnh hưởng qua các thời kỳ

Để hiểu rõ được những ảnh hưởng sâu sắc mà Ametora mang lại cho người Nhật, chúng ta hãy ngược dòng lịch sử và trở về thời kỳ khi xứ Phù Tang “không có” những phong cách thời trang đa dạng như ngày nay.

Thời kỳ Minh Trị – Duy Tân (1868-1912)

Sẽ không bao giờ có Ametora chúng ta biết nếu không có sự khởi đầu, sự trao đổi văn hóa này cũng đánh dấu chấm hết cho 265 năm bế quan về kinh tế, xã hội và văn hóa của Nhật Bản từ khi kết thúc thời Edo – một thời kỳ của khủng hoảng kinh tế và văn hóa. Sau một thời gian chìm đắm vào tụt lùi về vị thế và bản sắc, một samurai đã đứng lên và thực hiện sự cải cách lớn, bắt đầu cho những biến chuyển về văn hóa có ảnh hưởng đến thời trang và Americana sau này – Thiên Hoàng Minh Trị với những nguyên lý cơ bản có áp dụng sự học hỏi và giao thoa với văn hóa Phương Tây.

Modern Boy và Modern Girl (Thập niên 1910 – đầu thập niên 1930)

Các chuyên biến xã hội được thể hiện rõ ràng trong thời gian này. Những người trẻ và các bậc cha mẹ chính thức học hỏi cách ăn mặc phương Tây, tạo nên tiểu văn hóa Mobo và Moga – hay còn được biết với tên gọi Modern Boys/Modern Girls nổi tiếng thời đó. Đây là một cuộc cách mạng tư tưởng, các Mobo và Moga giải phóng văn hóa Nhật Bản bằng cách ăn mặc giống như những tầng lớp đứng đầu cùng với đó họ dẫn nó theo rất nhiều hướng.

Mobo thường vuốt ngược tóc, đẩy cao và mặc quần ống rộng, trong khi Moga để tóc ngắn và mặc váy lấy chất liệu chủ đạo lụa là. Tại Mỹ, đây chỉ là trang phục casual nhưng với Nhật Bản thời đó, đây là sự nổi loạn và mang tính cách mạng, thậm chỉ cảnh sát còn phải xuống đường phố ở Ginza và tìm bắt một số thanh niên với tư tưởng mới này. Ở Việt Nam, người cách mạng Phan Châu Trinh cũng là một nhân vật bị ảnh hưởng bởi “trào lưu Americana” đời đầu này, đặc biệt là kiểu ăn mặc nam giới của Mobo.

Thời Thế chiến (1914-1919 & 1939-1945) và sự bảo hộ của Mỹ (1945 – 1952)

Khi văn hóa Mỹ xâm nhập vào Nhật Bản, Hollywood và những ngôi sao như James Dean hay Marlon Brando xuất hiện trên màn ảnh như những “KOL “về phong cách. Ví dụ trước thời chiến, áo phông chỉ được xem như món đồ phụ mặc kèm thường xuất hiện trong quân đội hoặc công xưởng. Cho đến khi chúng xuất hiện đi kèm với hình ảnh của James Dean (Rebel Without a Cause 1955), Marlon Brando (A Streetcar Named Desire 1950), giới trẻ ở Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi những ngôi sao này như cách giới trẻ Mỹ. Các thương hiệu denim như Levi’s, Lee và kính Ray Ban trở thành vật phẩm thiết yếu, cùng lúc với sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản sau chiến tranh.

Cuộc cách mạng của thời trang Denim (1960s – 1970s)

Blue Jeans nhanh chóng trở thành trụ cột của thời trang Nhật Bản, các công ty như Lee và Wrangler nhanh chóng cộng tác với công ty VAN của Ishuzu. Từ 1950 đến 1975, thị trường denim phát triển từ một thị trường rẻ tiền dành cho lính chiến thành một tổ hợp mạng lưới phức tạp, với những thương hiệu Nhật Bản mới như Big John thống lĩnh. Jeans còn vượt qua sự phổ biến trong phong cách, ăn sâu vào văn hóa đương đại đến nỗi mọi người gọi thế hệ này là “Thế hệ Jeans” (Jeans Generation).

Harajuku Streetwear (1980s & 1990s)

Vào cuối những năm 1980, Hiroshi Fujiwara – một nhà thiết kế, nhạc sĩ được biết đến như “cha đẻ của thời trang đường phố” trở về Tokyo với một chiếc hộp gồm những bài nhạc Hip Hop đầu tiên cho Tokyo. Ông đã dạy những club cách chà đĩa và cắt các bản thu cùng với đó là sáng lập ra nhóm hip-hop đầu tiên tại Nhật Bản: Tinnie Panx

Hiroshi Fujiwara – “Cha đẻ” của thời trang đường phố tại Nhật Bản
Từ trái qua: Nigo, Jun Takahashi và Hiroshi Fujiwara thời trẻ

Qua âm nhạc Hip Hop, ông gặp được những người cùng chí hướng và đồng hành, có thể kể đến Jun Takahashi và Nigo, cùng với đó là thành viên Nhật Bản đầu tiên của Stussy Tribe – một mạng lưới của những bộ óc sáng tạo xoay quanh Shawn Stussy và thương hiệu cùng tên. Từ những sự liên kết này, thời trang đường phố và Americana đã được giao thoa và phát triển.

Kensuke Ishizu: Người “kiến tạo” của phong cách Ametora

Chính dòng chảy du nhập văn hoá phương Tây vào Nhật Bản, đã tạo nên những sự thay đổi đáng kể về kiểu ăn mặc của xã hội nơi đây, cũng như tạo nên những nguồn cảm hứng đáng kể trong cảm quan thời trang của Kensuke Ishizu – người được ví như “cha đỡ đầu” của phong cách Ametora tại Nhật.

Kensuke Ishizu: người “kiến tạo” của phong cách Ametora

Kensuke Ishizu trưởng thành trong thời kỳ Taisho, thời kỳ đánh dấu sự thay đổi rõ nét trong lối ăn mặc của tầng lớp trung và thượng lưu tại Nhật Bản, tiêu biểu với trào lưu MOBOs & MOGAs. Thời kỳ này chứng kiến sự nở rộ của những bộ u phục, váy lụa, các mái đầu slick-back bóng loáng ở các chàng trai (MOBOs) và kiểu tóc cúp ngắn của các quý cô (MOGAs) trên khắp các con phố Nhật Bản.

Chính sự tương phản về đời sống giữa người dân Nhật Bản và các binh sĩ Hoa Kỳ đóng quân tại nơi đây, đã phần nào tạo nên cho người Nhật thời kỳ bấy giờ một xu hướng “thần tượng” các nét văn hoá và kiểu cách ăn vận đặc trưng của Mỹ. Đối với người dân Nhật Bản, đặc biệt là giới trẻ trong thời kỳ này, việc thích nghi với các nét văn hoá Hoa Kỳ, cả về kiểu cách ăn mặc lẫn văn hoá giải trí, được ví như một tấm vé để cứu rỗi tâm hồn của họ khỏi những sự tuyệt vọng và khó khăn trong cuộc sống.

Phong cách Ivy League tại Nhật Bản những năm 60

Kensuke Ishizu đã tận dụng những mối quan hệ với các xưởng sản xuất và cảm quan thời trang của chính ông, để để sáng lập nên Ishizu Shoten (sau đó được đổi tên thành VAN Jacket vào năm 1951) – nhãn hàng thời trang chuyên về quần áo cao cấp kiểu Mỹ. Mặc dù đã nhanh chóng thu hút được 1 lượng khách hàng với các sản phẩm thời thượng như Norfolk Jacket. Tuy nhiên, Ishizu không chỉ muốn dừng lại ở phân khúc thượng lưu.

Năm 1959, theo những lời giới thiệu từ các bạn bè người Mỹ về phong cách Ivy League, Ishizu đã du lịch đến Hoa Kỳ, và cụ thể hơn là các trường Đại học thuộc Ivy League để tìm nguồn cảm hứng. Và tại đây, ông đã nhanh chóng bị ấn tượng bởi lối ăn mặc đặc trưng của các sinh viên. Theo W. David Marx, tác giả của quyển Ametora: How Japan Saved American Style: “Ivy League chính là điểm khởi nguồn thật sự cho phong cách Ametora, hay nói rộng hơn là nền thời trang hiện đại hậu Thế chiến tại Nhật”.

Lookbook của VAN Jacket

Phong thái thanh lịch, nhưng vẫn đảm bảo sự năng động và sáng tạo trong phong cách Ivy League chính là hình ảnh mà Kensuke Ishizu luôn mong muốn giới trẻ tại quê nhà hướng đến. Chính vì vậy, ngay khi trở về nước, ông đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về các yếu tố thời trang hiện đại nói chung và phong cách Ivy nói riêng, với đỉnh điểm là chiến dịch Take Ivy cùng sự ra đời của cuốn sách ảnh cùng tên năm 1965.

Một bộ sưu tập của VAN với cảm hứng chính yếu từ phong cách Ivy League

Những thước phim và hình ảnh được ekip của VAN ghi lại và phát hành từ chính những khuôn viên các trường Ivy League tại Hoa Kỳ đã chính thức đưa phong cách Ivy League và Preppy trở thành một xu thế hàng đầu trong thời trang Nhật Bản, và qua đó kiến tạo nên phong cách Ametora.

Trích “PHONG CÁCH AMETORA – HƠI THỞ MỸ TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ, VĂN HOÁ VÀ THỜI TRANG NHẬT BẢN”

Kết luận

Xuyên suốt sự phát triển đó, phong cách Ametora đã trở nên đa dạng và mang đậm hơi thở đường phố hơn khá nhiều so với nền tảng thanh lịch cổ điển từ phong cách Ivy. Nó không còn tuân theo một quy chuẩn mà ngày nay cụm từ này đại diện cho sự tìm tòi và “cách tân” không ngừng nghỉ – những yếu tố đã cấu thành nên một nền văn hoá thời trang đầy đặc sắc tại xứ sở Hoa Anh Đào.

Phong cách Ametora có lẽ đã không thành công đến thế nếu như tiếp nối Kensuke Isuzu không được kế thừa và tiếp nối bởi một thế hệ thiết kế gia đầy tài năng với những “tượng đài” của thời trang Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung như Hiroshi Fujiwara, Jun Takahashi hay NIGO.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here