Nhắc đến Hip-Hop và thời trang đường phố – streetstyle- ngày xưa ắt hẳn ai cũng biết đến những chiếc quần tụt, áo oversized, tay đeo vòng, chân mang sneakers phong cách. Vậy thời trang Hip-Hop và streetstyle tại Việt Nam từ xưa đến nay đã thay đổi như thế nào qua hơn 20 năm?
Những ngày đầu của Hip-Hop Việt
Du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu 90, Hip-Hop đối với số đông người Việt là đá cắt kéo, chống tay xoay đầu, là nhảy kiểu Michael Jackson,… được các dancers bắt chước tập luyện chủ yếu thông qua các băng đĩa có được do người thân nước ngoài gửi về. Những năm cuối thế kỉ và đầu những năm 2000, internet mới được đưa vào sử dụng tại Việt Nam, mở ra cánh cổng thông tin cho những người tò mò, đam mê và theo đuổi Hip-Hop.
Chịu ảnh hưởng từ Hip-Hop Mỹ pha trộn phong cách của các nhóm nhạc Hàn Quốc ví dụ như H.O.T, Hip-Hop Việt thời kì đầu dễ dàng nhận biết. Hẳn ai cũng nhớ, một vật tiêu biểu của văn hóa hip hop hiện giờ trong lĩnh vực thời trang đó là quần tụt. Người người dùng quần tụt, đâu đâu cũng thấy quần tụt.
Nói về thời “quần tụt” làm mưa làm gió, hẳn ai cũng nhớ thanh niên muốn được gắn mác sành điệu là phải có quần thụng cạp trễ ngang mông, áo xanh đỏ tím vàng thùng thình in hình lạ, kèm theo một lô một lốc dây xích xủng xoẻng để đảm bảo rằng mình không tụt hậu. Chủ một cửa hàng thời trang hiphop trên đường Núi Trúc ra đời gần như đầu tiên tại Hà Nội kể:
“Thời ấy cậu học sinh cấp ba nào muốn ra oai với bạn bè đều sắm một chiếc quần tụt hay còn gọi là quần bom, quần chân voi. Quần tụt mua về hàng chục chiếc có thể bán hết veo chỉ sau vài ngày với mức giá không rẻ.”
Bên cạnh quần tụt áo phông, tracksuit của adidas cũng góp mặt từ rất sớm trong văn hoá thời trang Hip-Hop, dẫn đầu là Run-DMC ở Mỹ và nhanh chóng được yêu thích trên khắp thế giới, bao gồm Việt Nam. Nên biết, quần tụt nhìn thì oách nhưng xét về độ tiện dụng thì tracksuit vẫn là số 1, đơn giản vì nó là đồ thể thao.
Phong trào còn mới, “kinh tế” cũng eo hẹp, nguồn cung chủ yếu đến từ các cửa hàng biết nắm bắt xu hướng và nhanh chóng nhập hàng từ Thái Lan hoặc Trung Quốc, tất nhiên chất lượng chỉ vừa tầm. Một nguồn cung khác nữa có thể kể đến là các thriftshop – đồ “bành”, đồ “sida” – quần áo cũ từ nước ngoài chuyển về số lượng lớn bán với giá rẻ tha hồ cho người mua lựa chọn và dĩ nhiên là khó đụng hàng. Điều này càng tăng thêm cá tính của mỗi người, vốn là tiêu chí của Hip-Hop, thể hiện cá tính bản thân.
Thương hiệu được yêu thích thời kì này là Ecko, Radii, DC, Tribal, EVISU,… Ai mà được người thân hải ngoại gửi về thì càng oách. Những năm 2000, trai cứ mặc nguyên cành như Tùng Min, nữ cứ như Chi Hoa, thì gọi là chất của chất.
Những thay đổi từ năm 2010
Với sự phát triển của internet và mạng xã hội, thời trang Hip-Hop không còn dành cho “người trong nghề” mà được đông đảo giới trẻ yêu thích và tìm hiểu bắt chước theo những người đi trước, chủ yếu là các rappers hoặc người nổi tiếng. Từ bấy giờ văn hoá Hip-Hop nói chung và thời trang Hip-Hop nói riêng chia ra làm hai hướng chính.
Một là các OGs vẫn theo phong cách old school như ngày đầu có thêm những thay đổi thích nghi trong trang phục, chủ yếu dành thời gian học hỏi, trau dồi và phát triển các bộ môn Hip-Hop truyền thống, mang văn hoá Hip-Hop đến với công chúng. Hai là những bạn trẻ được truyền cảm hứng từ văn hoá Hip-Hop và yêu thích thời trang đường phố – streetwear, chịu ảnh hưởng từ các rappers và người nổi tiếng.
Bài viết sẽ đi sâu vào hướng thứ hai, với một số giai đoạn tiêu biểu như sau:
Giai đoạn 2010-2013 – Ông Trời tạo ra địa chấn, và sneakers chính là điểm nhấn
Trào lưu sao-mặc-gì-thì-mình-mặc-nấy nở rộ. Giai đoạn này giới trẻ thể hiện phong cách bằng nón snapback, fitted của New Era hay Mitchell & Ness. Áo oversized quần rộng thùng thình được thay thế bằng áo phông trơn hoặc in gọn gàng với slim jeans, skinny jeans hoặc khaki. Những đôi sneakers khủng bố của DC, Radii, Ecko nhường sân cho Vans, Supra, Nike, adidas, và chiếm spotlight chắc chắn là Jordan mơ ước của các thanh niên 9x bấy giờ. So với phong cách old school thì giai đoạn này có thể tạm gọi tên là “fresh and clean” – gọn gàng hợp thời trang hơn, ít nhất là trong mắt các bậc phụ huynh, nhưng vẫn giữ được cá tính riêng.
Đã có kinh nghiệm từ trước, các cửa hàng thời trang cập nhật xu hướng cùng lúc và kịp thời mang đến nhiều sự lựa chọn về mẫu mã cũng như giá cả. Tiêu biểu là một đôi Jordan có giá từ vài trăm cho tới vài triệu đồng, tất nhiên là giá tiền đi đôi với chất lượng mà ngày trước thường gọi là fake loại 3, loại 2, loại 1, super fake cho đến replica (1:1) và authentic/real (chính hãng).
Áo quần dễ kiếm, giày đẹp khó tìm. Những năm 2010-2011 ít ai có điều kiện tiếp xúc và sở hữu hàng chính hãng, chủ yếu là hàng fake với những đôi Supra Skytop, Supra TK là bá chủ. Ngoài ra còn xuất hiện thuật ngữ “Việt Nam Xuất Khẩu” – VNXK – mang đến nhiều sự lựa chọn hơn với giày Creative Recreation, snapback Mitchell & Ness,…
Đến khoảng 2012 với sự kiện SneakerStep tổ chức bởi ClothingFreakers và BaoCan – Bảo Paul thì streetwear và văn hoá sneakers trở nên phổ biến hơn và được thêm nhiều sự chú ý. Từ năm 2012 giày bóng rổ trở thành hiện tượng như Air Jordan, LeBron, Kobe,… Phần đông giới trẻ bắt đầu tìm hiểu và chuyển sang tiếp cận, sử dụng hàng real.
Chuyển giao giữa 2012-2013 cho đến đầu năm 2014 là Kanye West dẫn đầu phong trào bên cạnh những Tyga, A$AP Rocky,… hay Andree Right Hand cũng đã khiến streetwear Việt thời kì này thêm nhiều định hướng. Bên cạnh đó là làn sóng swag len lỏi vào tủ đồ của một bộ phận giới trẻ nhưng không kéo dài lâu, đánh dấu là MV SS SWAG của SpaceSpeakers. Tuy nhiên phong cách của mỗi cá nhân vẫn không quá đá dạng mà chỉ xoay quanh một chủ đề với sneakers là điểm nhấn.
Giai đoạn 2014-2020: Cuộc đua thời trang
- BAPE – A Bathing Ape
Khoảng 2013-2014, full-zip shark hoodie của BAPE làm mưa làm gió streetwear Việt và là một item không thể thiếu trong tủ đồ của phần lớn thanh thiếu niên, khái niệm Hypebeast bắt đầu trở nên phổ biến hơn. Điểm thú vị của BAPE nằm ở những bộ sưu tập với các thương hiệu khác mang lại nhiều sự lựa chọn, nhưng cả thèm chóng chán, cơn sốt BAPE trong giới trẻ cũng nhanh chóng thoái trào ở Việt Nam, giữ lại một lượng fan nhất định.
- Rick Owens và “Darkwear“
Vào những năm 2014 và 2015, một nhánh nhỏ của Avant-garde du nhập vào Việt Nam mang tên “Darkwear” do người Việt sáng tạo với Rick Owens là tiên phong. Vào giai đoạn 2009-2010, việc một ai đó mua đôi giày 1-2 triệu đồng là cái gì đó rất kinh khủng; vào thời kỳ 2011 – 2014, bỏ 5, 6 triệu mua một đôi Air Jordan đã khiến nhiều người cho rằng bạn thật đại gia.
Thế nhưng, khi những đôi Rick Owens với mức giá đôi khi lên tới hơn 20 triệu đồng (với các phát hành thông thường) hay thậm chí vượt quá đầu 3 (một số đôi Geodunk hàng cổ là ví dụ) bắt đầu xâm nhập vào tủ giày của một số “dân chơi” Việt Nam thì định nghĩa “đại gia” đã thay đổi. Khái niệm “rich kid” dần xuất hiện.
Quan niệm “Rick Owens/Dark-wear là phải mang nguyên cây”, chú trọng vào mắt thẩm mỹ, tỉ lệ trong việc phối đồ và đòi hỏi một cơ thể đẹp, không phải ai mặc Rick Owens cũng thuận mắt, Darkwear nhanh chóng biến Việt Nam thành cuộc đua thời trang đúng nghĩa, kéo theo các hãng Dark wear khác như 11 by Boris Bidjan Saberi, Julius 7,… Cho đến nay, Darkwear đã có đươc cộng đồng riêng cho mình tại Việt Nam với những “người chơi” tâm huyết cùng với những thương hiệu Guidi, C.C.P hoạt động mạnh mẽ. Còn với cộng đồng streetwear non trẻ là những đôi Rick Owens trong tủ đồ.
Sự bùng nổ thời trang “công thức”
Chấm dứt hợp đồng với Nike, Kanye West chuyển sang làm việc với adidas và cho ra đời Yeezy Boost đủ các thể loại. Kéo theo là các sản phẩm sử dụng chung công nghệ boost chiến lược của adidas như Ultra Boost, NMD và đáng nói nhất là Human Race – hợp tác với Pharrell Williams. Cảm thấy “đuối” với Dark wear, Jordan thì lại quá khó mua khi thị trường resale cao ngất ngưởng và cung không đủ cầu. Nhường Jordan lại cho các “dân chơi” tâm huyết và Dark wear cho các tín đồ thời trang thực thụ. Phần đông giới trẻ (thật sự trẻ) chuyển sự chú ý sang những gì dễ thấy và dễ bắt chước theo hơn.
Streetwear Việt chuyển thành thời trang “mì ăn liền” rập khuôn rõ rệt hơn bao giờ hết với công thức hoodie ASSC trùm kín đầu, layer tee, tay che mặt, quần jogger xắn ống khoe vớ Off-White, chân mang Yeezy và Human Race đủ phiên bản, sau này là Jordan x Off-White.
Logomania và cuộc đua tài chính
Không thể chối bỏ việc outfit của giới trẻ ngày nay phủ đầy logo đắt tiền như một cách chứng tỏ bản thân. Các nhà mốt cũng có thời gian từng chạy theo doanh thu và cho ra những sản phẩm thiếu sáng tạo nhưng giá bán vẫn cao ngất ngưởng. Giới trẻ được vỗ về bằng những lời khen ảo; những cái likes cho độ chịu chi của mình, còn công ty mẹ thì hốt bạc. Đây là win-win situation, hai bên cùng có lợi. Chạy theo xu hướng thời trang có sẵn – instant fashion, cứ nhiều likes là duyệt. Đối với phần đông giới trẻ, mục tiêu hàng đầu của thời trang là thể hiện chất riêng, cá tính, cái tôi của mỗi người đã bị quên lãng.
Tech-wear – tối giản và tiện dụng
Một phong trào khác có thể kể đến là tech-wear với trang phục tích hợp một số thành quả công nghệ tiên tiến như giữ nhiệt, thoáng khí, chống nước,… tức là trang phục không chỉ để mặc đẹp mà còn phải đi kèm tiện ích. Với tông đen chủ đạo, quần túi hộp có thể đi kèm các phụ kiện kiểu quân đội, tech-wear nhanh chóng có được cảm tình vì nhìn rất “ngầu” (nếu biết mặc).
Với chi phí cũng khá cao với mức giá trung bình vài trăm USD cho một item xịn, khó mặc, đòi hỏi gu thẩm mỹ, đã vậy còn không đáp ứng được nhu cầu “show off” so với việc mặc đồ hype. Phần lớn người mặc tech-wear tại Việt Nam đã chọn những items thay thế, giá thành rẻ hơn không đi kèm với công nghệ và tính ứng dụng của bộ trang phục mà chỉ cần một dạng có thể gọi là tech-inspire để thêm sự lựa chọn trong tủ đồ. Phần còn lại nghiêm túc tìm hiểu và đầu tư rất nhiều để có được một set đồ hoàn chỉnh.
Mặc đẹp tech-wear không dễ, đặc biệt phần đông người mặc là lứa tuổi thanh thiếu niên phát triển thể chất chưa đầy đủ. Việc mặc tech-wear giống như khoác bộ áo giáp mà người chơi chưa đủ level. Phong trào lui về sau bức màn nhung cùng với những người yêu tech-wear thực thụ.
Local brands – Chất lượng hay số lượng
Trở nên phổ biến trong cộng đồng streetstyle những năm gần đây, có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều bạn trẻ diện đồ local brands với hàng loạt những cái tên liên tục ra đời như BOBUI, Degrey, 5THEWAY và mới đây là T-REDX nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Thật ra local brands đã xuất hiện từ rất lâu, chẳng hạn như Viger, DVRK, HBS hay $MAKER, Peace United Street Warriorz – PUSW với hơn 10 năm tuổi đời.
Bên cạnh những thương hiệu có uy tín và chất lượng đảm bảo qua năm tháng thì cũng có những thương hiệu gắn với những cáo buộc ăn cắp ý tưởng, chất lượng kém nhưng giá thành cao. Dù đúng hay sai thì các local brands vẫn là những đại diện tiềm năng, góp phần định hướng và nâng cao chất lượng thời trang Việt.
Số lượng local brands xuất hiện càng nhiều đồng nghĩa với việc cạnh tranh, chất lượng sản phẩm phải là ưu tiên hàng đầu. Thanh giả tự thanh, thương hiệu có sản phẩm tốt với nhiều đầu tư chất xám ắt sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ. Chẳng hạn như The Callboy Shoes rất được rapper Binz và các nghệ sĩ khác ưa chuộng. Hoặc rapper Datmaniac với T-REDX jacket dưới đây là một ví dụ.
Tạm kết
Thời trang Hip-Hop tại Việt Nam tiếp cận với gen Z – thế hệ sinh ra từ giữa những năm 95 trở về sau – thông qua thế hệ đi trước và chuyển biến thành streetstyle với rất nhiều phong trào và xu hướng ăn mặc thay đổi từng ngày, vẽ lên bức tranh sinh động đầy màu sắc. Tuỳ vào mỗi giai đoạn sẽ có những người ở lại giữ lửa, số còn sẽ lại tiếp tục bước đi trên con đường tìm kiếm phong cách cho riêng mình. Bài viết có thể còn thiếu sót một vài điểm nhưng có lẽ cũng tạm đủ để mang lại cái nhìn khái quát về streetstyle Việt Nam ngày ấy và bây giờ. Mọi ý kiến phản hồi xin gửi về fanpage Street Vibe.