Ở phần này, hãy cùng Streetvibe tìm hiểu thêm về ông và các bộ sưu tập từ năm 1998 – 2009. Vẫn với lối thiết kế “không nề nếp” đã thay đổi cục bộ thời trang thế giới như thế nào.
Vào giữa những năm 90, xu hướng đạt đến đỉnh cao của các nhà mốt quan trọng nhất Châu Âu lúc bấy giờ là thay đổi các giám đốc sáng tạo và tập trung chú ý phần nhiều vào các nhà thiết kế tài năng mới. Trong những năm đó, “trận đấu” nảy lửa giữa các nhà mốt ngày càng bùng nổ hơn khi họ chiêu mộ cho mình những “con bài” làm thay đổi cục diện thời trang: Tom Ford thay đổi khái niệm sang trọng tại Gucci, khiến nó trở nên táo bạo và gợi cảm. Marc Jacobs bắt đầu làm việc lâu dài cho Louis Vuitton. Alexander McQueen hay còn được gọi là “Hooligan” của thế giới thời trang thay máu toàn bộ Givenchy khi ông nhận chức. John Galliano kỳ quái và điên rồ trở thành nhà thiết kế chính của Christian Dior và cuối cùng là Martin Margiela từ A/W năm 1998/99 đến năm 2003 trở thành giám đốc sáng tạo mới của Hermès.
Tuy là giám đốc sáng tạo tại Hermès nhưng ông vẫn không ngừng cải tiến và phát triển thương hiệu riêng của mình. Sau mười năm thiết kế trang phục nữ, Martin Margiela ra mắt dòng sản phẩm cho nam vào năm 1998 với bộ sưu tập S/S 1999.
Những thành công của thương hiệu Maison Martin Margiela vào những năm 90 đã minh chứng một điều rằng họ thực sự yêu thích những thiết kế của ông, không phải vì logo hay vì yêu thích nhà thiết kế này nên mới mua đồ của ông. Những sản phẩm ông tạo nên thường không đặt nặng logo của hãng, từ quần áo đến bao bì sản phẩm không có bất kỳ logo nào, hoàn toàn đi ngược lại với những thương hiệu ở thời điểm đó và ông đã biến điểm đặc biệt này trở thành một nét riêng của thương hiệu Maison Martin Margiela.
Có một sự thật rằng Martin Margiela vô cùng bí ẩn, ông thường không xuất hiện nhiều trên truyền thông và các hình ảnh của ông thường là khoảnh khắc tình cờ bắt gặp ở hậu trường tại các show thời trang. Thậm chí các cuộc phỏng vấn về Martin Margiela thường được phỏng vấn qua fax, không hề có sự tiếp xúc trực tiếp nào với cánh nhà báo. Đặc biệt, ông không bao giờ xuất hiện ở cuối show thời trang để tận hưởng thành quả của mình thông qua những tiếng vỗ tay, ông nói: “Thành công là của cả một tập thể chứ không phải của riêng ông.”
Những show thời trang của ông cũng đi ngược lại với những các hiệu khác ở thời điểm đó, thay vì tổ chức ở những nơi sang trọng ông lại chọn những nơi bỏ hoang, ít người quan tâm đến như rạp xiếc, nhà ga,..Và không có thứ bậc nào cho các ghế ngồi tại show, mọi người đều bình đẳng như nhau và tuân theo quy tắc ai đến trước thì được phục vụ trước.
Trong năm 2002, doanh nhân Renzo Roso là chủ sở hữu của thương hiệu Diesel đã mua lại Maison Martin Margiela và bắt đầu hàng loạt thay đổi. Mặc dù những bộ sưu tập vẫn ra đều đặn nhưng có tin đồn rằng Martin Margiela không còn trực tiếp thiết kế nữa vì những bất đồng quan điểm về chiến lược kinh doanh của chủ sở hữu mới.
Trong một vài năm, những tin đồn ngày càng trở nên nhiều hơn cho đến khi một người trong công ty đã nói rằng kể từ năm 2007, Martin Margiela đã giao toàn bộ việc thiết kế các dòng sản phẩm cho các nhóm nhà thiết kế sáng tạo khác nhau ngoại trừ một vài dự án như tạo ra nước hoa và quần áo kỷ niệm 20 năm thành lập. Bí mật được chính thức tiết lộ vào tháng 10/2009, khi chính Renzo Roso xác nhận rằng Martin Margiela đã rời đi và ông cũng không có ý định bổ nhiệm giám đốc sáng tạo vào MMM mà chỉ tập trung vào đội ngũ sáng tạo trẻ.
Hình ảnh: mmm-maisonmartinmargiela
Nguồn: thefashioncommentator
Bài viết: Mello Keehl