Tokyo thập niên 1960 – nơi váy mini, áo len cổ lọ và kimono cùng tồn tại – không chỉ là một thời kỳ thời trang, mà là khởi đầu cho sự giải phóng.
Thập niên 1960 là một giai đoạn bản lề trong lịch sử hiện đại Nhật Bản. Sau chiến tranh, cả đất nước bước vào quá trình tái thiết đầy nghiêm ngặt, nơi im lặng, kỷ luật và sự đồng thuận tập thể được đề cao hơn tất cả. Chính trong bối cảnh đó, một cơn bùng nổ thầm lặng đã xảy ra – thời trang. Và không phải thời trang cao cấp hay truyền thống, mà là thời trang của tuổi trẻ, đường phố, và khát vọng được khác biệt.

Sự du nhập và tái sinh của phương Tây
Thập niên 60 chứng kiến Nhật Bản mở cửa mạnh mẽ với văn hóa phương Tây: nhạc rock, phim ảnh và đặc biệt là thời trang.Trong khi thế giới phương Tây mê mẩn phong trào Mod Girl ở London, Bohemian ở Mỹ hay Parisienne Chic ở Pháp thì ở Nhật, sau thời Mỹ chiếm đóng, những văn hóa phương Tây này bắt đầu ùa vào, thanh niên Tokyo đã nhập cuộc – nhưng theo cách riêng.
Họ không sao chép. Họ “Nhật hóa” mọi thứ, kết hợp áo len cổ lọ phương Tây với quần hakama truyền thống, mang boots kiểu Beatles đi cùng Yukata cách tân, đội mũ beret trên mái tóc nhuộm nâu vàng. Họ không hề sợ hãi sự mâu thuẫn, vì họ hiểu: mâu thuẫn là nơi sáng tạo sinh ra. Mini skirt, áo A-line, tóc pixie và suit kiểu Ivy League lần đầu xuất hiện trên đường phố Tokyo, đặc biệt ở khu vực Shibuya và Harajuku. Thời trang Tokyo ra đời từ sự va chạm giữa kimono và miniskirt, giữa trầm mặc và nổi loạn, giữa cổ điển và pop-art.






Tạp chí – chiếc gương phản chiếu thế hệ mới
Trong những năm 1960, Soen – tạp chí thời trang đầu tiên của Nhật Bản bắt đầu được săn đón. Ban đầu, nó chỉ là ấn phẩm chuyên môn dành cho sinh viên ngành thiết kế. Nhưng vào những năm 60, Soen trở thành nơi khai sinh phong cách: váy A-line, boots trắng, áo khoác boxy kiểu Pháp, và hàng loạt hình ảnh phụ nữ với ánh nhìn thách thức, không còn cúi đầu.


Đối với các chàng trai, tạp chí Heibon Punch phát hành năm 1964 như một quả bom văn hóa. Nó không dạy họ làm đàn ông kiểu cũ. Nó bảo họ có quyền chọn: mặc denim, để tóc lòa xòa, chơi nhạc rock, mang giày Tây, cầm máy ảnh Leica – sống như họ muốn, không như người ta bảo.
Những tạp chí này không chỉ nói về quần áo. Chúng vẽ ra một giấc mơ – về một thế hệ Nhật Bản có thể sống, thở và mặc theo cách riêng. Qua từng trang giấy, thanh niên Nhật lần đầu thấy hình ảnh của chính mình, chứ không phải những lý tưởng cha mẹ hay xã hội áp đặt.



Khi quần áo trở thành lời tuyên bố
Ở Nhật trước thập niên 60, quần áo là biểu tượng của vai trò xã hội. Nữ mặc kimono hay đồ nội trợ giản dị, nam mặc đồng phục học sinh hoặc suit công sở. Nhưng trong thập kỷ này, lần đầu tiên thanh niên Nhật có tiền tiêu vặt, tiếp cận được thời trang quốc tế, và quan trọng hơn – có khao khát thể hiện bản thân.
“Tôi không mặc cho gia đình nữa. Tôi mặc cho tôi.” Đó là tuyên ngôn chưa từng được thốt ra bằng lời, nhưng hiển hiện trên từng bộ đồ. Váy ngắn, tóc cắt ngắn, trang phục unisex – tất cả đều là biểu hiện của một cuộc cách mạng cá nhân âm thầm.


Nền móng cho Harajuku và Avant-garde
Harajuku ngày nay – cái nôi của thời trang nổi loạn Nhật Bản – không phải bỗng dưng xuất hiện với những bộ cánh kỳ quặc và cá tính dữ dội. Gốc rễ của nơi này bắt đầu từ thập niên 1960, thời kỳ mà Nhật Bản vừa bước ra khỏi ám ảnh chiến tranh, vừa bước vào kỷ nguyên tái thiết kinh tế đầy căng thẳng và chuẩn mực.
Xã hội Nhật lúc đó đề cao trật tự, kỷ luật, và tính tập thể – những giá trị đã giúp họ phục hồi sau chiến tranh nhưng đồng thời cũng đè nén sự thể hiện cá nhân. Giới trẻ sinh ra trong giai đoạn hậu chiến không mang trong mình nỗi ám ảnh đổ nát, nhưng họ lại thừa hưởng những kỳ vọng cứng nhắc từ thế hệ trước: học giỏi, làm việc chăm chỉ, phục tùng xã hội. Nhưng trong sự im lặng ấy, một thế hệ mới bắt đầu phản kháng – bằng thời trang. Váy ngắn, quần ống loe, giày platform và tóc nhuộm không chỉ là hình thức nổi loạn. Đó là cách họ tạo ra khoảng không để thở, để khẳng định bản thân giữa một xã hội đồng phục.

Và trong chính dòng chảy ấy, những đứa trẻ lớn lên – như Rei Kawakubo, Yohji Yamamoto và Issey Miyake – bắt đầu quan sát, suy nghĩ, đặt câu hỏi. Rei từng học văn học và nghệ thuật trước khi đến với thời trang, và việc bà bước ra khỏi quỹ đạo thông thường của thiết kế Nhật là điều tất yếu. Khi thành lập Comme des Garçons, bà không muốn tạo ra “quần áo đẹp”, bà muốn đặt vấn đề: thế nào là cái đẹp, và ai có quyền định nghĩa nó?

Đến những năm 1980, khi Rei Kawakubo và Yohji Yamamoto đem thiết kế đen tuyền, không đối xứng, rách rưới nhưng đầy chiều sâu lên sàn diễn Paris – phương Tây choáng váng. Họ gọi đó là “Hiroshima chic” – ám chỉ sự gợi nhắc đến chiến tranh. Nhưng với những nhà thiết kế Nhật, đó không phải là sự hoài niệm chiến tranh, mà là phản ánh của nỗi bất an, sự cô lập và sức nặng truyền thống mà giới trẻ Nhật phải mang trong lòng.


Cú sốc thời trang ấy – gọi là black avant-garde hay anti-fashion – sẽ không thể xảy ra nếu không có nền móng văn hóa từ Tokyo thập niên 60: nơi lần đầu tiên tuổi trẻ Nhật cất tiếng bằng trang phục. Những cuộc nổi loạn bằng váy ngắn và boots trắng đã gieo hạt giống cho một thứ thời trang không chạy theo mốt, mà theo tư tưởng. Và Harajuku, với những thanh thiếu niên mặc đồ không giống ai, thực chất đang tiếp tục truyền thống đó – nhưng bằng ngôn ngữ của thời đại mới.

Tokyo 1960s xứng đáng được nhìn lại
Ngày nay, khi ta nói đến thời trang Nhật, có thể ta nghĩ đến Visual kei, Lolita, hay “thời trang conceptual” đen tuyền của Comme des Garçons. Nhưng nếu quay lại, ta sẽ thấy: tất cả bắt đầu từ một nhóm thanh niên dám cắt váy ngắn hơn bình thường, dám mặc áo họ không được phép, và dám thể hiện cá tính bằng chính cơ thể mình.
Đó là lý do vì sao Tokyo 1960s xứng đáng một “shout out”. Không phải chỉ vì những bộ đồ vintage đẹp mắt, mà vì tinh thần tự do – thứ đã đặt nền móng cho toàn bộ văn hóa thời trang đương đại Nhật Bản.