Tinker Hatfield – khi một kiến trúc sư làm sneaker, thế giới không bao giờ như cũ nữa với “đứa con tinh thần” Air Max do ông tạo nên.
Không xuất phát điểm như những nhà thiết kế giày thông thường, Tinker Hatfield tốt nghiệp ngành kiến trúc tại Đại học Oregon – ngôi trường nơi ông từng là một vận động viên điền kinh và được huấn luyện trực tiếp bởi Bill Bowerman, đồng sáng lập Nike.
Khi gia nhập Nike vào năm 1981, Tinker chưa hề động đến bất kỳ bản vẽ giày nào. Ông được phân công thiết kế không gian văn phòng và showroom – những nơi truyền cảm hứng cho nhân viên, chứ không phải vận động viên. Nhưng với bản năng sáng tạo của một kiến trúc sư, ông sớm cảm thấy công việc này không đủ “hành động”. Trong một lần quan sát đội ngũ phát triển giày thể thao, ông thốt lên:
“Đây mới là nơi mọi thứ thật sự diễn ra.” Và rồi, Tinker bắt đầu tự hỏi: Nếu kiến trúc có thể định hình không gian sống, thì nó có thể định hình chuyển động không? Nếu một tòa nhà có thể nói lên triết lý sống, tại sao một đôi giày lại không thể?

Trong một chuyến đi đến châu Âu, Tinker bị thu hút bởi Trung tâm nghệ thuật và văn hóa bảo tàng quốc gia Georges-Pompidou ở Paris – tòa nhà nổi tiếng với cấu trúc “bên trong ra ngoài”, nơi thang máy, ống dẫn, kết cấu kỹ thuật đều được phô bày và tô màu rực rỡ. Với ông, đây là một tuyên ngôn về tính minh bạch và cái đẹp của công nghệ.
Tinker mang tinh thần ấy về Mỹ và bắt đầu cắt phần midsole để lộ ra túi khí. Mẫu thử ban đầu khiến đội ngũ lo lắng – trông quá khác biệt và chưa có tiền lệ. Nhưng Nike đã tin ông. Và Air Max 1 ra đời – đánh dấu cuộc cách mạng không chỉ về công nghệ giày mà còn về thẩm mỹ, thời trang và văn hóa sneaker.

Thách thức mang tên “công nghệ Air”
Câu chuyện về công nghệ đệm giày mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại bắt đầu tại NASA. Khi còn làm việc tại đây, cựu kỹ sư M. Frank Rudy được biết tới một quy trình có tên “Blow Rubber Molding” – kỹ thuật đúc cao su bằng khí nén, vốn được dùng để tạo ra mũ bảo hiểm cho các phi hành gia. Là một bộ óc thiên tài, M. Frank Rudy nảy ra ý tưởng táo bạo: sử dụng kỹ thuật này để tạo ra một hệ thống đệm khí dành riêng cho giày thể thao.
Ông phát triển air sole – một túi khí được bơm đầy loại khí nén có mật độ cao, được niêm phong bằng một màng cao su đàn hồi. Công nghệ này giúp hấp thụ lực tác động một cách hiệu quả và không bị xẹp sau thời gian dài sử dụng như các loại đệm EVA truyền thống. Nike nhìn thấy tiềm năng và bắt tay với M. Frank Rudy để thương mại hóa phát minh. Năm 1978, Nike Air Tailwind được trình làng, hướng đến giải Honolulu Marathon. Tuy nhiên, túi khí vẫn được giấu kín trong đế giày, khiến phần lớn người dùng không thể cảm nhận rõ công nghệ mình đang mang trên chân.

Một công nghệ tân tiến – nhưng vô hình. Nike muốn thay đổi điều đó. Họ cần một thiết kế có thể “nói chuyện” trực tiếp với người dùng mà không cần giải thích. “Bạn không thể yêu thứ mà bạn không nhìn thấy,” – Tinker Hatfield nói. Tưởng đơn giản, nhưng việc để lộ túi khí ra ngoài lại là một bài toán kỹ thuật hóc búa. Tinker Hatfield – vốn xuất thân là một kiến trúc sư – cùng các kỹ sư tại Nike phải cắt gọt phần mid-sole sao cho vẫn đảm bảo độ bền, độ đàn hồi và cảm giác thoải mái khi di chuyển.
Kết quả là vào năm 1987, Nike Air Max 1 chính thức ra đời. Một thiết kế mang tính cách mạng – nơi công nghệ không còn bị giấu kín, mà trở thành biểu tượng. Một thiết kế có thể tự nói lên câu chuyện của mình. Và từ đó, Air Max không chỉ là một đôi giày – nó là biểu tượng văn hoá đường phố toàn cầu. Để tôn vinh di sản ấy, kể từ năm 2014, ngày 26/3 chính thức trở thành “Air Max Day” – một lễ hội thường niên dành riêng cho cộng đồng yêu giày trên toàn thế giới.

Air Max Day trên thế giới và tại Việt Nam: Ngày hội của cộng đồng sneaker
Tại thế giới
Ngày 26/3 hàng năm, hàng triệu người trên thế giới cùng hướng về một biểu tượng đã vượt khỏi đôi giày để trở thành tuyên ngôn của thời đại – Nike Air Max. Từ năm 2014, khi Nike chính thức khởi xướng Air Max Day, sự kiện này nhanh chóng phát triển thành một chuỗi hoạt động mang tính toàn cầu: từ pop-up event, triển lãm nghệ thuật, workshop thiết kế, đến đêm nhạc, sân chơi đường phố và các màn ra mắt phối màu giới hạn cực kỳ được săn đón.
Tại Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, Air Max Day không chỉ là một dịp kỷ niệm – mà là một chiến dịch toàn cầu. Nike thường tung ra các phiên bản Air Max giới hạn, tổ chức triển lãm, phát hành phim ngắn, mở pop-up store và tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc. Nike còn tổ chức một chuỗi sự kiện mang tên “Vote Forward” – nơi cộng đồng được tham gia bầu chọn mẫu thiết kế Air Max tiếp theo.

Đáng nhớ nhất là Air Max Day 2017 vì đây là sự kiện đánh dấu cột mốc 30 năm kể từ khi đôi giày Air Max 1 đầu tiên ra mắt vào năm 1987. Để kỷ niệm sự kiện này, Nike đã tổ chức một chiến dịch toàn cầu mang tên “Vote Forward”, mời 12 nhà sáng tạo từ khắp nơi trên thế giới – được gọi là “Revolution Airs” – thiết kế phiên bản Air Max của riêng họ. Mẫu thiết kế nhận được nhiều phiếu bầu nhất sẽ được Nike sản xuất và phát hành chính thức vào năm sau.
Kết quả, cộng đồng sneakerhead toàn cầu đã bình chọn mẫu giày Air Max 97 x Air Max 1 Hybrid của Sean Wotherspoon là thiết kế xứng đáng được hiện thực hóa. Lấy cảm hứng từ những chiếc mũ snapback cổ điển của thập niên 80, Sean Wotherspoon sử dụng chất liệu corduroy đầy màu sắc cùng các đường cắt phá cách để tạo nên một hình bóng vừa lạ mắt, vừa hoài cổ. Là đồng sáng lập cửa hàng đồ cổ Round Two ở Los Angeles, Sean Wotherspoon vốn là một nhà sưu tập đích thực, am hiểu sâu sắc về chất liệu, form dáng và văn hóa retro.

Bên cạnh đó, Nike cũng phát hành phiên bản đặc biệt Air Max 1 “Master” kết hợp các yếu tố thiết kế từ những đôi Air Max huyền thoại trong quá khứ, như Safari print, Elephant print và các phối màu OG đỏ và xanh. Phiên bản này được xem là một bản tổng hợp tôn vinh di sản của dòng Air Max trong suốt 30 năm qua. Air Max Day 2017 không chỉ là một sự kiện tôn vinh quá khứ, mà còn là điểm khởi đầu cho một kỷ nguyên mới – nơi cộng đồng có thể trực tiếp tạo nên di sản tiếp theo cho biểu tượng sneaker này.

Air Max Day 2019 cũng là một cột mốc đáng nhớ không kém đối với cộng đồng vì chiến dịch “On Air Vote Forward” đặc biệt (năm 2018 Nike đã đổi tên chiến dịch), nơi Nike khuyến khích cộng đồng đóng góp những ý tưởng thiết kế giày lấy cảm hứng từ thành phố mà họ yêu mến. Những thiết kế này phản ánh các yếu tố đặc trưng của các thành phố từ khắp nơi trên thế giới, từ những ánh đèn neon sáng rực cho đến sắc màu của bầu trời lúc hoàng hôn. Điều này không chỉ mang đến những đôi giày đặc biệt mà còn khẳng định vai trò của cộng đồng trong việc làm nên những sản phẩm mang tính biểu tượng trong văn hóa sneaker toàn cầu.
Kết quả, Nike đã chọn ra 6 người chiến thắng đến từ 6 thành phố: London, Paris, New York, Tokyo, Shanghai và Seoul. Mỗi người chiến thắng đã thiết kế một đôi giày Air Max lấy cảm hứng từ chính văn hóa, di sản và những yếu tố đặc trưng của thành phố mình.

Gabrielle Serrano đến từ New York, với mẫu Air Max 98 “La Mezcla”, tôn vinh sự đa dạng văn hóa của thành phố, phản ánh sự kết hợp giữa các chủng tộc và dân tộc.
Gwang Shin từ Seoul tạo ra mẫu Nike Air Max 97 “Neon”, lấy cảm hứng từ những biển hiệu neon sáng rực rỡ và biểu tượng Taaeguk của quốc kỳ Hàn Quốc.
Yuta Takuman đến từ Tokyo, thiết kế Nike Air Max 1 “Tokyo Maze” để phản ánh mê cung tàu điện ngầm đầy màu sắc của thành phố, với những chi tiết như da nổi tượng trưng cho bê tông và bong bóng đỏ mô phỏng Tháp Tokyo.
Jasmine Lasode từ London thiết kế Air Max 97 “London Summer” để kỷ niệm tình yêu và mùa hè ở thành phố này, lấy cảm hứng từ buổi hẹn hò đầu tiên của cô trên Đồi Primrose.
Cash Ru từ Thượng Hải cho ra mẫu Nike Air Max 97 “Kaleidoscope”, tượng trưng cho hình ảnh những đám mây trôi qua bầu trời Thượng Hải, dịch chuyển và biến đổi thành những hình dạng mới.
Cuối cùng, Lou Matheron từ Paris tạo ra Vapormax Plus “Works In Progress”, với thiết kế lấy cảm hứng từ công trường xây dựng, tái hiện màu sắc và vật liệu của các tòa nhà đang được xây dựng tại Paris. Mỗi thiết kế đều mang trong mình sự sáng tạo và những câu chuyện đặc trưng của từng thành phố, góp phần làm phong phú thêm di sản Air Max của Nike.
Air Max Day 2019 chứng minh rằng Air Max không chỉ là một dòng giày thể thao, mà là một phần không thể thiếu trong văn hóa đường phố và phong cách sống hiện đại. Những đôi giày không chỉ thể hiện sự đổi mới về công nghệ mà còn là tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn của mỗi cá nhân, mỗi thành phố và mỗi cộng đồng yêu thích sự sáng tạo.

Ngoài cuộc thi Nike On Air Vote Forward, Nike còn tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn để kỷ niệm Air Max Day. Vào năm 2022, Nike đã tổ chức “Air Max Day Run”, một giải chạy marathon quy mô lớn thu hút hàng nghìn người tham gia tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Đặc biệt, thị trường châu Á, với Nhật Bản và Hàn Quốc, trở thành những điểm sáng sôi động của sự kiện này. Tokyo, trong đó, đã được chọn làm tâm điểm toàn cầu của Air Max Day, với những quảng cáo sống động và ấn tượng. Một trong những điểm nhấn đặc biệt là tác phẩm 3D OOH trên màn hình LED khổng lồ trước ga Shinjuku (Tokyo), được sử dụng để quảng bá cho sự kiện Air Max Day 2022 diễn ra vào ngày 26/3. Những hoạt động này không chỉ làm tăng độ nhận diện của dòng sản phẩm Air Max mà còn tạo ra một bầu không khí sôi động và kết nối cộng đồng yêu thích giày thể thao trên toàn cầu.

Ở Việt Nam
Còn tại Việt Nam, trong nhiều năm gần đây, Air Max Day ngày càng được cộng đồng yêu giày quan tâm. Những event nhỏ tại TP.HCM và Hà Nội, do các local store hoặc nhóm sneaker tổ chức, thường bao gồm triển lãm giày Air Max, talkshow về văn hóa sneaker, give-away, cùng các hoạt động check-in tương tác. Dù quy mô chưa bằng các thị trường lớn, nhưng tinh thần kết nối và đam mê ở đây là không kém cạnh – đặc biệt trong giới trẻ Gen Z. Air Max Day tại Việt Nam cũng đang dần trở thành một “lễ hội sneaker không chính thức” – nơi người yêu giày tìm thấy cộng đồng, cảm hứng, và được sống trong câu chuyện đã bắt đầu từ gần 40 năm trước.
Đơn vị thường xuyên đứng ra tổ chức ngày Air Max Day tại Việt Nam chính là The Air Saigon do Kin Phan thành lập. Với tình yêu dành cho giày Nike, Kin Phan đã thành lập nên The Air Saigon. Hưởng ứng cùng ngày hội Air Max Day trên toàn thế giới, Kin Phan và tập thể The Air Saigon đã tham gia và tổ chức sự kiện từ năm 2021 cho tới thời điểm hiện tại. Đây là dịp để các anh em đam mê sneaker và kể cả văn hoá đường phố đến giao lưu, mua sắm và chia sẻ niềm tin yêu cùng nhau.
Air Max và ảnh hưởng văn hóa toàn cầu
Air Max không chỉ là một đôi giày – đó là một biểu tượng văn hoá. Kể từ khoảnh khắc lịch sử năm 1987 khi Nike để lộ phần đệm khí NASA-grade ra bên ngoài, được lấy cảm hứng từ Trung tâm Pompidou ở Paris – nơi mọi cấu trúc cơ khí đều được phơi bày như một lời thách thức thẩm mỹ cổ điển – Air Max đã trở thành cú nổ văn hóa toàn cầu.
Từ sàn nhảy acid house ở Manchester, cộng đồng gabber Hà Lan (Hà Lan chính là cộng đồng hoạt động sôi nổi nhất), đến những buổi tiệc grime đậm chất London với Skepta, Dizzee Rascal hay Dave, Air Max không chỉ được mang – nó được “sống”. Nó là nhịp đập của thế hệ dám khác biệt, dám làm chủ phong cách của mình, bất chấp quy chuẩn. Ở Ý, Air Max 97 từng là biểu tượng không chính thức của giới graffiti artist và dân clubber, một thứ “đồng phục” ngầm mang tính tuyên ngôn. Trong khi đó, giới trẻ tại Pháp, Đức cũng phát triển những bản phối đặc trưng phản ánh tinh thần từng thành phố – từ Paris bụi bặm đến Berlin sôi động.
Những bản collab như với Patta (Amsterdam) hay Parra đã không chỉ nâng Air Max lên tầm cao mới về thiết kế, mà còn củng cố vị thế của nó như một món đồ văn hoá sống – nơi mỗi bản phát hành đều là một lát cắt tinh tế của lịch sử, địa lý và bản sắc. Đối với cộng đồng sneakerhead toàn cầu, Air Max là thứ được săn đón không chỉ vì cái đẹp, mà vì nó kể lại một câu chuyện – về sự đổi mới, về chống lại cái cũ kỹ, và về niềm tin rằng thời trang có thể là một tuyên ngôn văn hóa.
Với Nike, mỗi đôi Air Max không chỉ là thời trang – nó là tiếng nói, là bản sắc, là một phần lịch sử sống động không ngừng phát triển suốt hơn ba thập kỷ qua. Air Max là minh chứng cho sức mạnh của sáng tạo, của dám nghĩ khác và làm khác. Từ một ý tưởng bị xem là “sai” trong mắt nội bộ, cho đến khi trở thành di sản toàn cầu, đôi giày với túi khí lộ thiên ấy đã viết lại cách chúng ta nhìn nhận về sneaker – không chỉ để mang, mà còn để kể chuyện, để tạo chất riêng, để kết nối cộng đồng.
Khi bạn mang một đôi Air Max, bạn không chỉ mang một sản phẩm – bạn đang bước trên một phần của lịch sử.
“Love in The Air”.
Street Vibe xin gửi lời cảm ơn đến anh Kin Phan (The Air Saigon) đã chia sẻ kiến thức, thông tin để bài viết được truyền tải đến quý độc giả.