Từ sơ mi Thom Browne, áo ESSENTIALS Fear of God, Stussy… đến Nike Tech Fleece, đó có thể là những món đồ yêu thích của một tín đồ thời trang. Nếu thử hình dung nhanh, câu trả lời sẽ là vậy. Nhưng, khi gần như tất cả sản phẩm may mặc trên là hàng giả, người ta sẽ nghĩ ngay đến các xu hướng ăn mặc của Boy Phố. Lạ lùng thay, Boy Phố hiếm khi dùng hàng chính hãng mà lại dùng hàng giả như cách họ “phông bạt” rằng nhà cách phố cổ tận vài chục cây nhưng vẫn nhận mình là trai phố.
Hãy tạm gác chuyện cộng đồng này ảnh hưởng tốt hay xấu đến mạng xã hội. Thay vào đó, hãy cùng mổ xẻ về câu chuyện Boy Phố dùng hàng giả để ngẫm nghĩ. Họ liệu có muốn như thế? Vì họ không thật sự quá quan tâm thời trang, hoặc họ chỉ cần diện mạo hợp thời ,hay đấy là thói phông bạt như cộng đồng mạng thường áp đặt cho họ…
Boy Phố cập nhật xu hướng nhanh hơn bạn tưởng
Qua rồi cái thời, trai phố Hà Nội đúng chuẩn là phải nhà ở phố cổ, diện âu phục trông đỏm dáng và hành xử thật ga lăng hệt một quý ông. Bởi thời đấy Hà Nội du nhập về những văn hóa của xứ Pháp mà. Đấy là câu chuyện của rất nhiều thập kỷ trước. Cũng qua cái thời Boy Phố là phải mặc quần rộng, áo thun bó, tóc gáy nuôi dài giống một thần-tượng-tù-tội nào đấy. Thời đại này, nếu ai còn nghĩ Boy Phố sẽ ăn mặc như một tay anh chị thì chính người đấy vẫn còn đang mắc kẹt trong quá khứ. Từ quá khứ đến hiện tại – trôi qua thật nhanh – nhanh như cách các Boy Phố “update” phong cách ăn mặc.
Bạn nghĩ chỉ con chiên thời trang mới là người nắm bắt xu hướng thời trang và thay đổi phong cách ăn mặc? Vì sao những con chiên mộ điệu này cứ thay đổi giao diện nhanh xoành xoạch nhỉ? Họ có mong muốn luôn là bản thể riêng biệt trong đám đông? Họ vô thức chịu “thao túng” tâm lý từ các chiến dịch tiếp thị, truyền thông của các nhãn hàng thời trang? Hay cả họ cũng chịu sự ảnh hưởng của các nội dung nhanh về thời trang về thời trang trên mạng xã hội? Nếu bạn gật đầu vì những yếu tố trên thì Boy Phố cũng thế thôi và điều đó khiến cộng đồng đầy thị phi này phải thay đổi cách ăn mặc liên tục.
Năm 2020-2021, ta thấy Boy Phố diện sơ mi Thom Browne – một xu hướng cũ mà các tín đồ thời trang đã diện từ trước 2020. Năm 2022-2023, ta lại thấy Boy Phố diện áo ESSENTIALS cùng Stussy – đấy vẫn lại là một xu hướng cũ của các tín đồ thời trang. Trong chưa đầy hai năm gần đây, cơn bão xu thế Drip kéo đến; nơi phương Tây, khán giả thấy các rapper hay giới trẻ diện tracksuit. Thế mà nơi phương Đông, chỉ trong vài tháng qua, Boy Phố cũng đã nhanh chóng cập nhật xu hướng này. Dù muốn công nhận thay không, các Boy Phố cũng đang cập nhật xu thế khá nhanh, tựa như một vòng ôm bo quanh Hồ Gươm mỗi tối thứ 7. Thế mà, gần như các loại quần áo được Boy Phố sử dụng lại là hàng giả.
Điều gì khiến Boy Phố phải dùng giả?
Không phải Boy Phố nào cũng như nhau, sẽ có người sẵn sàng chịu chi dùng hàng thật nhưng phần đông vẫn đang sử dụng hàng giả. Đâu là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này?
Vấn đề kinh tế
Vấn đề kinh tế luôn là lý do hàng đầu để khiến khách hàng lựa chọn hàng giả thay vì sử dụng hàng thật. Hàng giả thường có giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng. Điều này giúp những người có thu nhập thấp hoặc trung bình có thể tiếp cận các sản phẩm mà họ mong muốn nhưng không đủ khả năng chi trả.
Hãy nhìn vào các xu hướng của Boy Phố từng lựa chọn. Từ áo Stussy, Amiri đến DSquared 2 hay Gucci… tất cả những sản phẩm này nếu là chính hãng sẽ đều có giá không hề rẻ so với túi tiền của người Việt. Đó là còn chưa kể một số thương hiệu được nêu vốn là thương hiệu xa xỉ có giá retail từ vài triệu đến vài chục triệu VND. Sự thật rằng, độ tuổi của các thành viên của cộng đồng Boy Phố còn khá trẻ để có thể tạo ra nguồn thu nhập ổn định. Thậm chí, một số cá nhân cũng chưa đủ tuổi bước vào thị trường lao động, phải lệ thuộc vào gia đình. Và hãy tạm không nhắc đến trường hợp nhiều Boy Phố kiếm “tiền bẩn” thì việc nhìn chung, việc chi tiền cho quần áo chính hãng đắt đỏ vẫn không phải điều dễ dàng.
Thay vì dùng hàng giả, họ có thể lựa chọn Local Brand, hàng secondhand… chính hãng với giá cả hợp lý hơn. Nhưng họ không làm vậy chỉ bởi vì bốn chữ: “cố sĩ với đời”.
Tâm lý sĩ diện dẫn đến lối sống phông bạt
Từ khóa tiêu biểu của mạng xã hội năm 2024 chắc chắn sẽ là “phông bạt”. Trên các nền tảng xã hội, ta có thể bắt gặp các Boy Phố có vẻ ngoài bảnh bao, bóng nhoáng… họ xây dựng hình tượng trưởng thành, chín chắn từ những món đồ nhái từ hãng thời trang nổi tiếng. Khi tiếp xúc những hình ảnh như vậy trên không gian mạng, nhiều người trẻ có vốn kiến thức thời trang ít sẽ bị thu hút bởi cách ăn mặc này, họ ngộ nhận rằng đó là lối sống sang trọng. Một số còn coi đó là hình mẫu lý tưởng của mình, bắt chước, tìm hiểu thêm về cách ăn mặc và lối sống làm sao cho mình trở thành một người “sang – xịn – mịn” trên mạng lẫn ngoài đời. Từ đó, hệ tư tưởng Boy Phố với thời trang “Luxury Fake” trở nên lan rộng và phổ biến thêm.
Ai cũng có nhu cầu muốn thể hiện bản thân, Boy Phố cũng vậy. Như đã nói ở trên, kinh tế không đủ nhưng vẫn muốn “cố sĩ với đời” thì gốc rể nằm ở vấn đề từ tâm lý dẫn đến hành động. Nhìn chung, điều này thật đáng thương mà cũng thật đáng trách.
Nguồn cung đồ giả dồi giàu
Có một sự thật rằng, các thương hiệu quần mà cộng đồng Boy Phố sử dụng thường có xuất xứ Trung Quốc hay còn nhiều người gọi với cái tên dí dỏm là “hàng Quảng Châu”. Những thương hiệu lớn từ châu Âu đôi khi sẽ đặt gia công sản phẩm của họ tại Trung Quốc rồi sau đó chuyển về nước sở tại để tiến hành hoàn thiện sản phẩm. Đó là chuyện bình thường đang xảy ra trong giới thời trang khi các thương hiệu lớn với chiếc tem dán nhãn “made in một-nơi-nào-đó-ở-châu-Âu” nhưng không thật sự 100% sản xuất tại lục địa này.
Mặt trái của việc này chính là xưởng Trung Quốc cũng sẽ nắm giữ bản thiết kế cũng như bản rập của sản phẩm. Tiếp đến, họ “tuồn” chúng ra bên ngoài rồi tự sản xuất, tự phân phối riêng lẽ ra thị trường với giá rẻ hơn gấp nhiều lần. Khi đó, sản phẩm đó đã trở thành một sản phẩm giả – không còn được chính thương hiệu mẹ đẻ chứng nhận. Đây cũng chính là lý do vì sao Trung Quốc cũng là nơi có thể nhanh chóng sản xuất ra các sản phẩm giả hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Và nơi mà cộng đồng Boy Phố phát triển mạnh mẽ nhất lại ở miền Bắc – một nơi rất gần nguồn cung đồ giả. Cùng với đó, các tay buôn hàng giả cũng luôn biết cách kích cầu người tiêu dùng. Và cứ thế, một vòng luẫn quẫn hình thành, từ thương hiệu này đến thương hiệu khác được làm giả rồi nhanh chóng đến tay Boy Phố.
Hệ lụy và lời kết
Câu chuyện hàng giả giết chết thời trang đã được nói đi nói lại rất nhiều lần mà có lẽ không cần dong dài, chúng ta đều sẽ tự có câu trả lời cho chính mình. Street Vibe ở đây chỉ để nói đến một câu chuyện, một vấn nạn mà không thể đưa ra cách giải quyết. Thứ vấn nạn này đã tồn tại xuyên suốt nhiều thập kỷ qua mà chẳng thể chấm dứt. Chung quy lại, đó sẽ vẫn là câu chuyện về ý thức vì chỉ có điều đó mới có thể thay đổi bức tranh tổng quát một cách tích cực…