Với những người trẻ được sinh ra trong gia đình giàu có ở bất kỳ thời đại nào, họ luôn nổi bật với phong cách ăn mặc thời thượng và được tiếp xúc với thú chơi xe đẳng cấp.
Từ nhiều năm qua, xe máy không chỉ là một phương tiện di chuyển nhằm phục vụ con người mà chúng có thể là “món tài sản” của những cậu ấm, cô chiêu có điều kiện. Những chiếc xe hai bánh còn là một thú chơi điệu nghệ tạo ra những cộng đồng, hội nhóm gắn kết những “dân chơi” có chung một niềm đam mê tốc độ.
Thú chơi xe máy của dân Sài Gòn trước thập niên 2000
Sở hữu xe Vespa PX vào những năm 70 ở Sài Gòn thể hiện đẳng cấp cao của người sở hữu. Vespa là một thương hiệu thành công trong lịch sử thương mại với hơn 15 triệu xe đã được bán trong nhiều năm qua. Đây là một trong những niềm tự hào, là biểu tượng của Italy, biểu tượng của phong cách đường phố và biểu tượng của sự lãng mạn Âu Châu.
Đến thập niên 1980, ngoài các dòng xe cũ đã được nhập cảng vào miền Nam từ trước 1975 thì chỉ có số ít dòng xe khác là Babetta, MZ, Simson, Minsk. Sang đến thập niên 1990, thị trường xe máy bắt đầu phát triển mạnh, bắt đầu là các xe Nhật bãi (đã qua sử dụng), sau đó là Dream II nhập Thái Lan và một số biến thể như Dream “lùn” hay Astrea Grand 100 nhập Indonesia rất được người dân ưa chuộng bởi độ bền bỉ cao, dễ sửa chữa như các đời Super Cub trước đó. Việc sở hữu một chiếc Dream vào những năm đầu thập niên 90 cũng “sang chảnh” tương tự như Vespa 946 ngày nay vậy.
Cũng trong thời gian này, các dòng xe phân khối lớn trở thành mơ ước của mọi thanh niên, trong đó phổ biến nhất là NSR 150. Tương truyền rằng chỉ cần các thanh niên ngồi lên chiếc xế này, thì khỏi cần tán, gái cũng tự đổ. Lúc này giới trẻ Việt Nam ảnh hưởng phong cách thời trang phim Hongkong trong cách ăn mặc, với kính đen và xe phân khối lớn. Đó là thời điểm mà với đa số gia đình, chiếc xe máy là cả một gia tài thì những chiếc xe phân khối lớn lúc này như là một siêu xe của hiện nay.
Cùng thời với Honda NSR là mẫu Yamaha TZM 150 với thiết kế đèn pha và đèn xinhan tạo hình như khuôn mặt biến dạng, cũng vì vậy mà các dân chơi xe tại Việt Nam thời đó vẫn gọi mẫu xe này là Ya “Mặt quỷ”. Dòng Honda Rebel mang lại vẻ đẹp bụi bặm nam tính cũng từng là mẫu xe được các dân chơi thời bấy giờ ao ước sở hữu. Khác với các mẫu xe dáng thể thao cùng thời điểm, dòng xe Honda GL 150 mang thiết kế bụi bặm, hầm hố và phóng khoáng theo phong cách Hippie..
Nhắc tới những mẫu xe dành cho dân chơi ở Sài Gòn trong cuối thập niên 90, không thể không nhắc tới mẫu xe 2 thì mà đại diện tiêu biểu nhất là Suzuki “xì-po”. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của xe tay ga Spacy đời đầu tại Việt Nam và Max II, một dòng xe được phụ nữ Việt cực kỳ ưa chuộng bởi “ngoại hình” nhỏ nhắn hợp với phái nữ.
Sự thay đổi của dân chơi Sài Gòn trong thú chơi xe hiện nay
Những năm đầu 2000, xe ga ở Việt Nam được khắc họa bởi những cái tên nhập khẩu đình đám như Honda Spacy, Dylan hay Vespa LX. Nhưng với mức giá ngót nghét cả trăm triệu, rõ ràng đây không phải là đối tượng mà người có thu nhập trung bình có thể hướng tới, thực tế này khiến thị trường xe ga có quy mô rất nhỏ. Nhưng bằng sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng, xe tay ga ngày nay đã trở nên “bình dân” dễ tiếp cận với đại đa số người tiêu dùng.
Dần về sau, những chiếc xe tay ga này nhanh chóng trở thành “thú chơi” độ xe được đông đảo người trẻ đón nhận, một trong những hãng xe ngày nay được giới trẻ lựa chọn chính là Vespa. Từ thương hiệu xe đắt đỏ chỉ dành cho nhà khá giả, Vespa dần trở nên phổ biến trong giới trẻ bởi kiểu dáng thời trang, bắt mắt. Cũng từ đó, phong trào biến tấu, nâng cấp xe Vespa lên ngôi. Do nhiều chủ xe muốn chiếc xế cưng của mình nổi bật hơn, các “dân chơi” sẵn sàng chi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng theo nhiều hình thức độ khác nhau.
Trái ngược với giai đoạn trước 2000, Vespa khoác lên một “lớp áo mới” không còn gắn liền với hình ảnh cổ điển. Giờ đây, Vespa trở nên thời thượng và sống động hơn quy tụ nhiều thế hệ khác nhau, từ những người đam mê họ thành lập các hội nhóm như: Modern Vespa Saigon (MVS), South Vietnam Scooter Team, Cộng đồng Vespa Sài Gòn,…
Điều đáng nói, các cộng đồng độ xe này rất chất chơi và hợp thời. Họ biết cách sử dụng các hình chỉnh chu, thước phim thu hút và tạo những buổi offline nhằm mang đến một sân chơi bổ ích. Điều này ít nhiều đã thay đổi định kiến xã hội về vấn đề “độ xe” tiêu cực vốn có từ các năm trước. Các hội nhóm này nâng cấp hiệu suất xe (độ máy) phù hợp với quy định của pháp luật và độ ngoại thất (độ kiểng) nhằm mục đích khiến cho những chế xế cưng thêm phần bắt mắt, thêm nhiều “đồ chơi” đắt tiền nhằm khẳng định độ chịu chi của chủ xế!
Gen Z có thể xuất hiện trên phố trong các bộ outfits năng động như Sportswear, Activewear hay kể cả Sleepwear đang trên đà xu hướng. Người trẻ đồng thời cũng thích vừa dạo phố trên Vespa vừa diện Baggy Jeans, Cargo Pants hoặc Baggy Short trông cực kỳ thoải mái. Hoặc cũng có thể layer thêm chiếc áo khoác Bomber, Blazer hoặc Varsity Jacket. Riêng với ai yêu thích kiểu thời trang “nhẹ nhàng” hơn, họ diện sơ mi, áo khoác da cùng quần cạp cao, kính râm, tất nhuộm, cà vạt, áo oversized và giày sneaker cùng những chiếc Vespa ở mọi phiên bản.
Bộ phận giới trẻ này ưa chuộng và chọn dòng xe Vespa Sprint làm phương tiện di chuyển phù hợp với phong cách của thời đại. Mặc dù vậy, một trong số đó vẫn theo đuổi hình ảnh thanh lịch và tinh tế với phong cách Menswear hay Sartorial, các bộ âu phục cổ điển đi với các dòng xe Vespa tạo ra vẻ ngoài vừa hiện đại vừa hoài niệm đến thập niên 80, 90. Như một chất khuếch tán văn hóa và thời trang của người trẻ, Vespa là một trong những con xe tay ga tạo ra chiếc nối để gắn kết những con người đam mê xe tay ga và thú chơi xe từ các thế hệ gắn kết với nhau ngày càng chặt chẽ.
Kết luận
Dù ở thời đại nào, tầng lớp giàu có luôn là những người đi tiên phong trong lĩnh vực thời trang. Với những người trẻ được sinh ra trong gia đình này họ luôn nổi bật với phong cách ăn mặc thời thượng, đẳng cấp. Trong bài này, mời bạn xem lại những tấm ảnh của “dân chơi” thời kỳ 20 30 năm trước, bên cạnh đó món “đồ chơi” đắt tiền là những xe gắn máy, xe phân khối lớn luôn là khao khát của mọi người và là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai.