Tokyo Rockabilly: Chất Mỹ chảy trong văn hóa Nhật Bản

0

Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Tokyo Rockabilly – phong cách, lối sống mạng đậm chất Mỹ trong văn hóa Nhật Bản.

Sức ảnh hưởng của nước Mỹ bao trùm lên toàn cầu là một điều không thể phủ nhận trong bối cảnh xã hội ngày nay từ văn hóa, kinh tế, chính trị cho tới lối sống. Văn hóa Mỹ hiện diện ở khắp mọi nơi: chiếc áo chúng ta mặc, bộ phim chúng ta xem, bài rap chúng ta nghe đều có sự ảnh hưởng ít nhiều. Đặc biệt trong văn hóa đô thị Nhật Bản, những giá trị văn hóa truyền thống Mỹ vẫn luôn được người Nhật duy trì và bảo tồn cho tới tận ngày nay.

Ametora – Cái nôi của Rockabilly

Trước khi nói đến Rockabilly chúng ta cần biết về phong trào Ametora – cái nôi của Rockabilly.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng Minh rồi rơi vào thời kỳ khủng hoảng, đời sống người dân trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trái với tình hình khủng hoảng nghiêm trọng của Nhật Bản đang gặp phải, ngay tại mảnh đất này sự xuất hiện của những người lính Mỹ, họ tận hưởng cuộc sống, vui chơi giải trí, phổ biến văn hóa như một kẻ chiến thắng. Sự đối lập về bối cảnh của thời kỳ này đã khiến cho người Nhật phải ngưỡng mộ. Họ bắt đầu thần tượng hóa hình ảnh American hay muốn ngầu như những chàng “cao bồi” đóng quân tại đây và bắt đầu mặc những bộ đồ mang đậm nét đặc trưng Mỹ. Từ đó khái niệm “Ametora” ra đời, sự pha trộn giữa văn hóa hiện đại của Mỹ với nét truyền thống Nhật Bản được ví như tấm vé cứu rỗi những tâm hồn của người thua cuộc khỏi sự tuyệt vọng và khủng hoảng. “Ametora” là sự thể hiện giấc mơ Mỹ qua trang phục, là cách người Nhật thoát ly khỏi những giá trị văn hóa cũ đã kìm kẹp họ từ lâu, để trở mình thành con người mới trong bối cảnh xã hội hiện tại, giống với tinh thần của “cuộc Duy tân Minh Trị” trước đó, đưa xã hội Nhật Bản bước vào kỷ nguyên mới.

Rockabilly của người Nhật

Rockabilly là một tiểu văn hóa không chỉ riêng về thời trang, âm nhạc của Nhật Bản, nó cũng là một sản phẩm được “nhập khẩu” từ Mỹ trong phong trào Ametora. Nổi lên tại Nhật Bản vào những năm 1950, Rockabilly có những nét tương đồng về điệu nhảy, âm nhạc, cách ăn mặc tương tự Rockabilly Mỹ. Những người yêu thích, theo đuổi Rockabilly Nhật Bản hầu như đều chịu ảnh hưởng từ các bộ phim Mỹ, họ bắt chước cách ăn mặc, chuyển động chân khi nhảy hoặc thậm chí là cách họ chải tóc. Văn hóa này nổi tiếng với những điệu nhảy tự do trên đường phố hay các công viên tại Nhật Bản, từ thời kỳ đỉnh cao của thể loại nhạc Rock’n’Roll cho tới tận ngày nay.

Nhưng đặc trưng của trang phục “Rockabilly” là mảng màu trầm tối với chất liệu bằng da hoặc denim. Trang phục phục của họ mang một nét đặc trưng riêng, những chiếc leather jacket thường được in tên hoặc logo của “băng đảng” mà họ gia nhập, những đôi giày da có tuổi đời cao nhưng vẫn còn bóng nhoáng. Kiểu tóc Pompadour kinh điển của Rockabilly ảnh hưởng lớn từ Elvis Presley toát lên sự hào hoa, cá tính. Rockabilly Nhật Bản không chứa yếu tố bạo lực, thay vì những chiếc dao bấm bên mình vật bất ly thân của các vũ công là những chiếc lược, công cụ không thể thiếu để chải chuốt bộ tóc óng mượt trên đầu. Đối với các Rockabilly nữ, thời trang dành cho nữ giới Nhật Bản giống với ở Mỹ nhiều hơn. Những chiếc váy Poodle theo khuôn mẫu có họa tiết chấm bi phổ biến, hoặc phụ nữ cũng có thể mặc trang phục của nam giới thể hiện các tính mạnh mẽ.

Mặc dù thời trang của Rockabilly Nhật Bản tương tự với tiểu văn hóa cùng tên tại Mỹ, nhưng phiên bản Nhật Bản vẫn có một số điểm khác biệt. Đối với phong cách Rockabilly Mỹ, thời trang qua nhiều thời kỳ dần được hiện đại hóa, phát triển theo các xu hướng song hành cùng, có thể lịch sự, điệu đà hơn với những chiếc áo sơ mi-veston… nhưng Rockabilly Nhật Bản vẫn luôn giữ được giá trị cũ, các trang phục bám sát phong cách những năm 1950, vẫn luôn là bộ đồ đen áo khoác da, kiểu tóc vuốt óng ả…. và chất “ngông”.

Người chơi hệ Rockabilly có xu hướng chơi xe cổ Mỹ như Cadillac hay Chevorlet cùng những món đồ chất liệu denim hoặc da với tuổi đời chục năm… Với người Nhật Bản, Rockbilly không chết đi mà vẫn luôn được giữ gìn bảo tồn trong trái tim những người yêu mến văn hóa này, những chàng thanh niên ngày nào giờ đây tuy có phần già nua theo thời gian nhưng thứ văn hóa Rock vẫn luôn chảy trong tim họ, giá trị nghệ thuật Rockabilly được truyền qua các thế hệ từ đời cha sang đời con.

Trái với những gã Skinhead luôn phô trương đôi giày da bóng nhoáng của mình, Rockabilly bảo vệ giày theo cách riêng. Họ cuốn băng dính xung quanh đôi giày để tạo ma sát chống trơn trượt khi nhảy và tránh cho da giày bị tổn thương khi chạm đất. Đó cũng là điều thú vị khó có thể tìm thấy ở các tiểu văn hóa khác. Trong quá khứ, văn hóa Rock nói chung và Rockabilly nói riêng từng bị chính quyền đàn áp. Bởi sự lo ngại về lối sống tình dục bừa bãi, bạo lực, chất kích thích tới từ thể loại văn hóa cùng tên ở Mỹ, chính quyền Nhật Bản có một số hành động nhằm bài trừ văn hóa này, các cảnh sát sẽ đi tuần tra, bắt một số thanh niên có khuynh hướng ăn mặc dị hợm “so với truyền thống”. Mãi sau này, khi các công ty âm nhạc nhận ra được tiềm năng mà văn hóa Rock mang lại, họ đã biến Rock trở thành thành văn hóa đại chúng, tạo ra những hình ảnh thân thiện.. biến nó trở nên tích cực và dần được công nhận rộng rãi hơn. 

Rockabilly

Những chàng Rockabilly xứ Tokyo

Suốt 30 năm, mỗi thứ bảy và Chủ Nhật hàng tuần, những băng đảng Rockabilly đều tụ tập quây quần tại công viên Yoyogi ở Tokyo. Họ không không đánh nhau mà chỉ đơn giản là nhảy múa khiêu vũ trên nền nhạc Rock’n’Roll. Nếu các Samurai chuẩn bị áo giáp, vũ khí kỹ lưỡng trước khi ra trận thì Rockabilly cũng thế. Tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản hòa vào bản sắc văn hóa Mỹ của các vũ công, họ luôn chải chuốt, dùng một lượng lớn pomade, khoác lên mình những chiếc áo da thô kệch đem theo thứ vũ khí là sự đam mê trước khi bước lên sàn diễn.

Rockabilly
SONY DSC

Dù có bị coi là những người lập dị so với thế giới xung quanh nhưng khi bước lên sàn diễn tại các công viên, các Rockabilly nhảy hết mình với sự đam mê, họ đắm chìm trong thế giới riêng của mình. Có thể nói rằng họ sống ở xã hội hiện đại nhưng trái tim họ luôn thuộc về thế kỷ 20. Thành công đối với các Rockabilly không đến từ tiền bạc vật chất mà là sự hạnh phúc từ trong trái tim, đôi chân họ nhảy trái tim họ đập mọi thứ đều hòa là một. Tuy họ có thể nghèo, nhưng đam mê chính là tài sản vô giá đối với họ, sau một tuần làm việc vất vả theo cách mà người Nhật làm chẳng còn gì tuyệt vời hơn bằng ngày Chủ Nhật tại công viên, được tự do cháy hết mình với đam mê, gặp gỡ trò chuyện cùng những người anh em trong băng đảng, nhậu nhẹt rượu bia. 

Bất kể trời có mưa, các vũ công Rockabilly vẫn luôn đứng trên sân khấu nhảy múa, nó trái ngược hoàn hoàn toàn với khung cảnh xung quanh khi mọi người đều hối hả chạy đi tìm chỗ trú mưa. Họ bình tĩnh đón nhận những giọt nước rơi, coi đó là sự cổ vũ từ đấng bề trên, chậm rãi hòa mình vào cơn mưa, đó là cách Rockabilly cảm nhận cuộc sống.

Rockabilly
Rockabilly

Tại Tokyo, văn hóa Rockabilly có 2 băng đảng chính là Lebels và The Strangers. Họ là những người bảo tồn văn hóa thầm lặng, vẫn luôn miệt mài đem các giá trị văn hóa Mỹ tới gần cộng đồng hơn. Để gia nhập Tokyo Rockabilly Club, bạn cần phải đáp ứng những yêu cầu nhất định như phải biết nhảy, có ngoại hình cool ngầu, gai góc đặc biệt là phải có tình yêu với âm nhạc, nghệ thuật Rock. Khi gia nhập club mà bạn vẫn còn nhảy kém? Đừng lo, các tiền bối sẽ dành cả ngày thứ 7 để hướng dẫn bạn nhảy sao cho đẹp! Đó sự tích cực luôn mà văn hóa Rock đem lại. 

Bài viết: Nam Đinh Đoàn

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here