Bạn tin không, ly cà phê đắng ngắt đó vô tình lại có sự liên kết đặc biệt với giới thời trang!
“Ê mày, hôm nào cà phê!” – mỗi khi hẹn gặp ai đó, người ta thường có thói quen hẹn nhau tại quán cafe. Thói quen này đi sâu vào đời sống của người Việt để rồi mỗi cuộc gặp gỡ, trò chuyện đều bắt đầu từ ly cà phê. Điều đó cho thấy giá trị và sức ảnh hưởng của cà phê tới con người lớn như nào. Vậy thứ thức uống màu nâu, có vị đắng này liên quan gì tới cách mà con người vận hành trong thế giới thời trang? Hãy cùng Street Vibe chiêm nghiệm qua bài viết này nhé!
Ly cà phê là… đầu câu chuyện
Về nguồn gốc, câu chuyện của cà phê bắt đầu từ một truyền thuyết tại Ethiopia thuộc thế kỷ thứ 9, một cậu bé chăn dê phát hiện những chú dê của mình ăn một loại quả có màu đỏ. Sau khi ăn thứ quả kỳ này, những chú dê bắt đầu trở nên hưng phấn, nhảy nhót không ngừng. Cậu bé đem chuyện này về nói lại với các thầy tu tại một tu viện gần đó, khi người ta ăn thử loại quả màu đỏ đó liền cảm thấy tỉnh táo, bừng sảng. Từ đó, các vị tu sĩ ép hạt cafe thành nước uống, dùng để giúp tỉnh táo và cầu nguyện cho tới khuya. Tuy xuất hiện vào thế kỷ thứ 9 nhưng phải đến tận cuối thế kỷ thứ 17, hạt cafe mới được du nhập vào châu Âu và trở nên phổ biến.
Quán cafe đầu tiên ở châu Âu mở cửa tại Venice, Ý đã đánh dấu một cột mốc trong lịch sử hàng trăm năm của cà phê. Cũng chính người Ý đã sáng tạo ra các cách pha chế cafe, khiến nó trở nên tinh tế, đầy tính nghệ thuật, có thể kể tới một số công thức pha nổi tiếng như Espresso, Cappuccino, Latte, Mocha, ngoài ra một cách pha đặc trưng khác dựa trên Espresso của người Mỹ đó là Americano. Riêng tại Việt Nam thì phổ biến với các loại như đen đá, bạc xỉu, kem trứng…
Nhà triết học Michel Foucault nói rằng: “Nền văn minh phương Tây khởi động cùng thời điểm quán cà phê đầu tiên của châu Âu mở cửa”. Khi những quán cà phê bắt đầu mọc lên tại châu Âu, ban đầu nó chỉ dành cho giới quý tộc nhưng về sau người ta coi đó là nơi lý tưởng để gặp gỡ, giao lưu nghệ thuật, thảo luận chuyện chính trị, dần trở nên phổ thông và mang tính đại chúng. Cho tới tận ngày nay, văn hoá cà phê vẫn được thừa kế và phát triển bền vững, người ta hẹn hò tại quán cafe, những hội nhóm gặp gỡ giao lưu thú vui, tán chuyện với bạn bè tại quán cà phê, gặp mặt đối tác trong công việc cũng chính tại quán cà phê… có thể thấy rằng, thưởng thức một ly cafe ngon giờ đây không chỉ đòi hỏi về sự hòa quyện ngọt-đắng, béo-ngậy mà còn cần những yếu tố khách quan khác như không gian, trang phục, uống cùng với ai hay đơn giản chỉ là thêm chiếc bánh ngọt, điếu thuốc.
Cà phê và thời trang
Cà phê không chỉ được sử dụng như loại thức uống giúp tỉnh táo, mà còn được con người sử dụng song song với thời trang, vận dụng chúng một cách linh hoạt. Mỗi khi có cuộc hẹn cafe, ta thường mất thời gian lựa cho mình outfit đẹp và phù hợp nhất. Đó là sự đầu tư về thời gian, tiền bạc, không gian… để tạo điều kiện cho việc thưởng thức một ly cà phê hoàn hảo nhất.
Bởi vì ly cà phê đi liền với đường phố nên chẳng cần phải Fashion Week hay sàn catwalk đỉnh cao, chỉ cần bước tới quán cà phê và đảo mắt một vòng bạn cũng có thể “bắt” được những con người ở mọi lứa tuổi, tầng lớp xã hội trong những bộ trang phục đẹp. Họ không phải “fashionista” nhưng họ có cách ăn mặc riêng và nét cá tính. Có thể đó là bộ đồ âu lịch thiệp của nhân viên công sở, bộ đồ lao động cũ kĩ của những chú, bác công nhân hay sự trẻ trung năng động của học sinh, sinh viên… tất cả tạo nên một nét đẹp bình dị xoay quanh ly cà phê.
Gu cà phê cũng có thể song hành với gu thời trang của một số người. Hương vị, màu sắc trong giọt cà phê thể hiện một phần tính cách của người thưởng thức. Như đối với cách chế phin (đen/nâu), cà phê phin là nét truyền thống trong văn hoá cafe của người Việt, loại cà phê phổ biến và được trồng nhiều tại Việt Nam là hạt Robusta (còn được gọi là “cà phê vối”) nên người Việt thường dùng hạt Ro cho pha phin, cafe phin có vị đậm đắng và chua nhẹ. Những người thích/nghiện cà phê phin có thể ở bất kì mọi độ tuổi nhưng đa phần là ở tuổi trung niên hoặc hơn, con người bên trong của họ đậm và chất như thứ đồ uống mà họ thích. Sự giản dị trong lối sống cũng như cách ăn mặc, họ kiên nhẫn, chậm rãi cảm nhận dòng chảy cuộc sống như cách những giọt cafe rơi. Những người có tâm hồn nghệ sĩ thường lui tới các không gian cà phê bình dân vỉa hè, họ cảm nhận cảnh quan đường phố, tìm chất liệu cho sáng tác của mình…
Đối với những người trẻ năng động hơn, không chỉ nâu đá các bạn trẻ thường xuyên thay đổi loại cà phê như một cách để trải nghiệm nét văn hoá này, nó cũng linh hoạt như cách họ thay đổi xu hướng ăn mặc. Đây cũng là đối tượng đòi hỏi sự kỹ lưỡng, chỉn chu khi đi cà phê… gen Z thường diện đồ đẹp, tới những không gian cafe tán gẫu với bạn bè, chụp ảnh, quay video TikTok. Tại các quán cafe có hơi hướng cổ điển, là nơi tụ họp của những người yêu đồ retro, vintage gặp gỡ giao lưu, hoặc đơn giản là những người mặc đồ secondhand bởi những nơi như thế hợp với họ, cảm giác gì đó khiến họ thấy gần gũi, thân thuộc.
Nhiều hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới đã tận dụng và khai thác giá trị của văn hoá cà phê, mở ra một không gian triển lãm xen kẽ việc thưởng thức một cách sang trọng như Dior, Fendi, Louis Vuitton… Tại đây người thưởng thức có thể cùng lúc vừa chiêm ngưỡng các BST vừa cảm nhận sự tinh tế từ ly cafe thông qua thị giác và vị giác. Sự kết hợp này là giao thoa giữa hai nền văn hoá “thời trang-cafe”. Ngoài ra bã cà phê cũng được tận dụng tạo thành quần áo, việc biến cafe thành thời trang giúp giảm thiểu chất thải, bảo vệ môi trường.
Bài viết: Nam Đinh Đoàn