Hóa ra, chiếc áo khoác hoàng gia đang “gây sốt” với hội Boy Phố còn được gọi với cái tên Napoleon Jacket và lịch sử phía sau!
“Áo khoác hoàng gia” của Boy Phố là gì?
Gần đây, cộng đồng mạng đổ dồn sự chú ý vào những sản phẩm mang tên “Áo khoác hoàng gia” của các cá nhân thuộc tiểu văn hóa “Boy Phố” tại Việt Nam. Với vẻ ngoài đầy lịch lãm, sang trọng, gợi cảm giác liên tưởng đến các bộ cánh của hoàng gia – những chiếc áo khoác này nhanh chóng trở thành “cơn sốt” thu hút nhiều sự quan tâm từ giới trẻ. Trên thực tế, chiếc “áo khoác hoàng gia” này còn được gọi với các cái tên khác như Napoleon Jacket, Military Jacket, Hussar Jacket… Nhưng mang cái tên nào, chiếc áo khoác này vẫn mang trong mình đặc trưng vốn có, câu chuyện lịch sử phía sau và là nguồn cảm hứng lớn cho địa hạt thời trang.
Napoleon Jacket: “Bộ giáp” quyền lực của Hoàng đế Pháp
Theo nhiều tài liệu, nguồn gốc của “áo khoác hoàng gia” xuất hiện vào thế kỷ 18 và được mặc bởi đội kỵ binh Hungary (hay Hungarian Hussars). Những người kỵ binh được trang bị một chiếc áo khoác đệm vai có phần cổ cao, ống tay cùng vạt áo lót lông xù bên trong. Phần thân và dọc tay được thêu các đường chỉ vàng cùng hàng cúc gài đậm chất hoàng gia. Vì mang tính phô trương cao nên chiếc áo này được sử dụng cho mục đích biểu diễn, diễu hành hoặc chỉ các vị tướng bậc cao mới được sử dụng nó. Kể từ đó, nó trở thành đồng phục quen thuộc dành cho các vị tướng lĩnh hoặc đội quân đặc biệt tại các nước thuộc châu Âu.
Đến thế kỷ 19, Napoleon Bonaparte lên ngôi hoàng đế nước Pháp vào năm 1804. Không chỉ là một vị hoàng đế tài ba chinh chiến khắp châu Âu, Napoleon cũng đặc biệt quan tâm đến chuyện ăn mặc. Hoàng đế nước Pháp yêu thích những bộ cánh lộng lẫy, ông thường diện những chiếc áo khoác kỵ binh được trang trí rực rỡ. Đối với Napoleon, trang phục chính là món vũ khí bí mật khi nó giúp ông thể hiện sự mạnh mẽ và quyền lực của bản thân. Cũng bởi vì sự “sủng ái” nồng nhiệt của Hoàng đế Pháp, chiếc áo khoác kỵ binh sau này còn được gọi dựa theo chính tên ông – Napoleon Jacket.
Nguồn cảm hứng lớn của nghệ sĩ âm nhạc & giới thời trang
Lan tỏa đến giới âm nhạc
Thế kỷ 20, Napoleon Jacket dần thoát ly khỏi quân đội để trở thành chiếc áo khoác ưu thích của giới nghệ sĩ âm nhạc. Công chúng được thấy bốn chàng trai nhóm The Beatles diện bốn chiếc áo khoác hoàng gia đầy màu sắc trên bìa ca khúc A Hard Day’s Night. Các “cây đa” của làng âm nhạc như Mick Jagger hay Jimi Hendrix cũng diện chúng mỗi khi biểu diễn trên sân khấu. Mãi sau này, Michael Jackson tiếp tục phổ biến Napoleon Jacket đến toàn cầu khi bộ sưu tập áo khoác của “Ông hoàng nhạc Pop” có vô số mẫu áo này. Riêng với nhóm nhạc My Chemical Romance, chiếc áo khoác hoàng gia đã trở thành đồng phục của nhóm trong thời kỳ quảng bá album The Black Parade.
Bước chân sang địa hạt thời trang
Riêng ở địa hạt thời trang, Napoleon Jacket trở thành nguồn cảm hứng lớn cho các nhà mốt cùng nhà thiết kế mà tiêu biểu trong số đó chính là NTK Hedi Slimane. Khi còn làm việc tại Dior Homme, Hedi Slimane đã tạo nên các dấu ấn kinh điển dựa trên cảm hứng từ Napoleon Jacket qua BST AW/03 và SS/06. Ở mùa AW/03, nhà thiết kế người Pháp mang tên một chiếc áo khoác hoàng gia cách tân màu đen tuyền với phần cầu vai áo được kéo dài đến trước ngực, ống tay gắn quai, nhiều túi hộp trên thân và dây dài ở phần vạt.
Riêng ở SS/06, Napoleon Jacket được cách tân theo phom dáng Bomber với phối màu đỏ rực có chi tiết thêu chỉ vàng. Cả hai mẫu áo này cùng nhiều thiết kế Hussar Jackets khác từ Dior Homme đã trở thành những “chén thánh” của nhiều tín đồ thời trang hiện tại bởi giá trị lịch sử cũng như tính hiếm có khó tìm.
Nguồn cảm hứng từ “áo khoác hoàng gia” tiếp tục tồn tại trong tâm trí Hedi Slimane khi ông đã bước chân sang nhà mốt Saint Laurent Paris. Ở mùa SS/15, đây là một BST lấy phần nhiều cảm hứng từ miền viễn tây nước Mỹ cùng Psychedelic Rock, Hedi Slimane vẫn có thể đưa cảm hứng từ mẫu áo của kỵ binh vào thiết kế. Có thể nói, đây chính là một sự gợi nhắc nhẹ nhàng và tri ân đến huyền thoại âm nhạc Jimi Hendrix – một người nghệ sĩ rock vốn yêu thích kiểu áo khoác này. Kể cả khi sang Celine, nhà thiết kế cao kều này vẫn tiếp tục sử dụng lại nguồn cảm hứng từ thiết kế của mẫu áo khoác trên.
Không riêng gì Hedi Slimane nói riêng hay Saint Laurent Paris nói chung, nhiều nhà mốt khác cũng lần lượt đưa Napoleon Jacket vào BST của họ xuyên suốt lịch sử thời trang.