Hơn cả một bộ môn nghệ thuật, Drag và Drag Queen là một nét văn hoá đặc sắc với phong cách thời trang “ngông cuồng” và “phóng khoáng”.
Nếu Drag được biết đến là một loại hình nghệ thuật, thì chắc hẳn, Drag Queen/Drag King là những người nghệ sĩ thực thụ. Những năm trở lại đây, nghệ thuật cải trang cùng trình diễn ngày càng trở nên phổ biến với công chúng và được đón nhận rộng khắp toàn thế giới.
Du nhập Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ 20 với nhiều sự gièm pha và dè bỉu. Lý do nào khiến Drag vẫn tồn tại, hòa nhập và len lỏi trong dòng chảy của văn hóa nghệ thuật Việt? Ngược dòng quá khứ để đi tìm câu trả lời về nguồn gốc bộ môn hóa trang của những Drag Queen.
Nguồn gốc của thuật ngữ Drag
Cuối thế kỷ 19, sự thiếu hụt diễn viên nữ khiến nhiều diễn viên nam buộc phải đóng giả nữ để đáp ứng nhu cầu xuất hiện trên sân khấu. Từ đó, thuật ngữ Drag hay viết tắt của “Dress resembling a girl” ra đời, để chỉ những người nam ăn diện như con gái.
Tuy nhiên, đó không phải là nguồn gốc của Drag. Vốn dĩ, việc nam giới cải trang thành nữ có khởi nguồn từ sân khấu, bởi trước khi phụ nữ được xuất hiện trên sân khấu đàn ông buộc phải mặc quần áo của nữ để đóng những vai diễn là nữ. Onnagata là thuật ngữ được dùng để gọi một nam diễn viên trẻ cải trang thành nữ để trình diễn loại hình kịch Kabuta của Nhật Bản vào thế kỷ thứ 16.
Sở dĩ, Onnagata xuất hiện là bởi vào thời kỳ này, kịch Kabuki do phụ nữ trình diễn được gọi là Onna – Kabuki. Đây là thể loại kịch với những điệu múa quyến rũ, tạo được sự thu hút mạnh mẽ khán giá mọi tầng lớp. Tuy nhiên, do có những điệu múa gợi dục nên phụ nữ bị cấm tham gia diễn kịch này dưới thời chính quyền tướng quân Tokugawa, đó là lý do những diễn viên Onnagata ra đời và thay thế họ.
Vào cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17, khi sân khấu không chỉ là một nơi giải trí mà còn có mối liên hệ chặt chẽ với nhà thờ và kèm theo những quy tắc ràng buộc như việc chỉ đàn ông mới có thể tham gia diễn trên sân khấu, nhà hát Shakespearean được đi vào hoạt động. Cũng trong thời gian này, những nhân vật nữ xuất hiện trong tác phẩm của Shakespeare đều là hiện thân của tập tục Onnagata.
Tại Shakespeareans, nếu vở kịch đó có một vài vai diễn là nữ giới, thì việc một vài người đàn ông trong dàn diễn viên phải ăn mặc như nữ giới là một giải pháp thay thế bắt buộc. Từ “drag” cũng được cho là có nguồn gốc từ sân khấu, khi mà những chiếc váy do người nam mặc để đóng các nhân vật nữ sẽ có chiều dài kéo dọc theo sàn nhà.
Sự xuất hiện của những Drag queen
Song, việc đàn ông ăn mặc như một người phụ nữ không đồng nghĩa họ là một nghệ sĩ cải trang. Các nghệ sĩ trình diễn mà ngày nay chúng ta gọi là Drag Queen, được định nghĩa cụ thể, chuyên nghiệp vào thế kỷ 18 và 19 – khi vai trò về tính giới ngày càng trở nên rập khuôn, cứng nhắc. Lúc này, việc mặc quần áo cải trang bắt đầu trở thành một cách tuyên truyền, chống nghịch, khiêu khích với định chuẩn của xã hội. Drag Queen, với các kỹ năng được rèn giũa, có được một bản sắc rõ ràng. Loại hình nghệ thuật này chuyển dịch từ một thú vui hóa trang thông thường, trở thành một tuyên ngôn sáng tạo, phá bỏ khuôn mẫu về cấu trúc giới tính lẫn tính dục.
Vào thế kỷ Khai Minh (The Age of Enlightenment – 1715) tại Anh Quốc, Drag Queen đầu tiên ở quốc gia này là “Công chúa” Seraphina – Drag Queen người Anh đầu tiên trong lịch sử và đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người đồng tính trong bối cảnh xã hội bấy giờ. Bởi ở thời kỳ này, những người đồng tính nam vẫn chưa được gọi là “queen” theo các mà văn hóa hiện đại vẫn thường dùng để ám chỉ đối tượng này. Họ – những người đồng tính lúc này chỉ đơn thuần là “princess”. Dù xuất hiện ở hình dáng nào, đàn ông hay phụ nữ, cô vẫn được mọi người biết đến và gọi với danh xưng Seraphina.
Drag và những cột mốc nghệ thuật đáng nhớ
Anh Quốc
Một cột mốc lịch sử khác của nghệ thuật Drag là khi Stella Clinton và Fanny Park – nghệ danh của Ernest Boulton và Frederick Park, hai thanh niên có ngoại hình lưỡng tính, thích mặc các thiết kế váy lụa, sa tanh của phụ nữ. Vào thời điểm đó, việc hai thanh niên ăn mặc như phụ nữ thường xuyên xuất hiện tại các nhà hát hay con đường Strand đông người, tại các bữa tiệc hoặc trên đường phố gây chấn động nước Anh thời Victoria. Điều đó đã dẫn đến một phiên tòa công khai vào năm 1871, với hàng loạt định tội, cáo buộc chống lại họ. Mặc dù các cáo buộc đã bị tòa án bãi bỏ, nhưng sự kỳ thị của công chúng về loại hình nghệ thuật này là không thể chối bỏ.
Thời gian cứ trôi, Drag dần mang tính chất cá nhân và các “queen” đã thành công trong việc thu hút được một lượng người hâm mộ của riêng mình. Trong khi những ngôi sao Drag Queen lớn nhất đầu thế kỷ 20 chỉ trình diễn trong trang phục phụ nữ, thì Julian Eltinge – đã khiến nhiều người hâm mộ tin rằng cô không giống như những Drag Queen thông thường, mà là một diễn viên chính hiệu.
Nổi lên từ các nhà hát tạp kỹ ở Anh, nơi mà việc cải trang thành nữ rất phổ biến, Eltinge luôn biết cách gây ấn tượng và làm nổi bật bản thân bằng việc tháo tóc giả và tiết lộ giới tính của mình với đám đông vào cuối mỗi buổi diễn. Cứ thế, Eltinge vươn lên trở thành ngôi sao Drag Queen nổi tiếng số một trong thời điểm đó. Mãi cho đến khi các chương trình tạp kỹ không còn được ưa chuộng và thoái trào vào những năm 1930, ánh hào quang của cô cũng dần vụt tắt.
Sau Chiến tranh Thế giới II, mặc dù đồng tính vẫn bị xã hội phản đối, thậm chí trong một số trường hợp, đồng tính nói chung và nghệ thuật Drag nói riêng còn bị coi là bất hợp pháp. Song vẫn có những Drag Queen vượt qua rào cản định kiến để sống đúng với bản thân và tỏa sáng với sự nghiệp thành công. Danny La Rue (1950) và Dame Edna Everage (1960) là hai trong số những ngôi sao sáng giá trong giai đoạn đó ở nước Anh.
Hoa Kỳ: Cơn sốt Pansy
Vào cuối những năm 1920 – đầu những năm 1930, có một thời kỳ mà người Mỹ gọi đó là “Pansy Craze” hay còn được biết đến là “Cơn sốt Pansy”. Sở dĩ xuất hiện cái tên này là bởi vào giai đoạn đó, khi những câu lạc bộ đồng tính, các chương trình biểu diễn nghệ thuật về Drag phát triển mạnh mẽ. Nhiều người cho rằng cái tên “Pansy Craze” bắt nguồn từ tiếng lóng “Pansy boy” ám chỉ một người đàn ông ẻo lả.
Cũng như Anh Quốc, hành trình đưa Drag trở thành loại hình nghệ thuật được công chúng đón nhận cũng nhiều gian lao và trắc trở. Vào năm 1935, lệnh cấm đàn ông giả trang thành nữ và xuất hiện ở những nơi công cộng được Chính phủ Mỹ ban hành. Điều này khiến Drag nói chung và những Drag Queen nói riêng phải lui về hoạt động trong im lặng. Trái với New York bị “giam lỏng” bởi lệnh cấm, San Francisco và California thời kỳ đó lại trở thành khu vực hoạt động náo nhiệt của Drag Queen tại Mỹ. Vào cuối những năm 1930 và 1940, loại hình nghệ thuật này được ủng hộ và hậu thuẫn rất lớn các ngôi sao lớn như Frank Sinatra, Bette Davis, và Tallulah Bankhead.
Song, niềm vui chẳng được tày gang khi vào thời kỳ hậu chiến, Chính phủ Mỹ cổ động người dân lấy gia đình làm trung tâm, tỏ rõ sự kỳ thị mạnh mẽ tới những người đồng tính. Để đáp lại, cộng đồng người đồng tính nam đã tập hợp để chống lại phong trào kỳ thị người đồng tính luyến ái vào cuối những năm 1950. Chiến lược chính của nó là tác động đến chính trị và đòi hỏi sự tôn trọng.
Lúc bấy giờ, dưới áp lực từ xã hội và chính quyền, nhiều người đồng tính tin rằng nếu họ sinh hoạt, cư xử giống những người dị tính khác, từ bỏ những hành vi thái quá, nổi loạn và bày tỏ tính dục công khai thì xã hội không bắt bớ và miệt thị những người đồng tính vô cớ nữa. Tuy nhiên, chẳng có gì thay đổi, bởi những người đồng tính thuộc tầng lớp lao động, cộng đồng người chuyển giới và các Drag Queen vẫn trở thành mục tiêu của sự kỳ thị và bài trừ.
Cứ như thế, dưới áp lực của xã hội, cộng đồng người đồng tính đành che giấu đi con người thật của mình để đánh đổi sự công bằng trong đời sống mà họ đáng ra thuộc về họ. Vào đầu năm 1960, một nhóm người đồng tính luyến ái muốn làm nên cuộc cách mạng để dành lấy quyền bình đẳng và công bằng cho cộng đồng của mình. Họ muốn xã hội nước Mỹ phải hiểu rằng người đồng tính không phải là những kẻ ẻo lả, họ là những người mạnh mẽ, họ có thể lật đổ được những thiết chế, những trật tự vô lý được thiết lập trong xã hội này. Ở bối cảnh đó, các nhóm đồng tính nam này đã buộc phải đẩy cộng đồng Drag Queen ra rìa của cuộc đấu tranh đồng tính, và làm ngơ với vai trò của họ là các nhà hoạt động. Song, dù có bị “ghẻ lạnh”, giai đoạn những năm 60 vẫn được biết đến là thời điểm ra đời của những cuộc thi nhan sắc dành riêng cho đối tượng Drag Queen.
Văn hóa Drag tại Mỹ chỉ thực sự khởi sắc vào những năm 1960. Cuộc bạo loạn vào năm 1969 là một cột mốc quan trọng trong phong trào đấu tranh cho quyền của người đồng tính tại Mỹ. Hai thành phố lớn là New York và San Francisco là nơi tập trung đông đảo của những Drag Queen vào cuối thế kỷ 19. Tại New York, những khu vực thịnh hành của Drag Queen tụ tập về đêm là Quảng trường Madison Square Garden, Harlem, Greenwich và Hamilton Lodge Ball.
Vào những năm 70, tuy xã hội vẫn còn tồn tại những cái nhìn không mấy tích cực dành cho cộng đồng người đồng tính, thì nghệ thuật Drag lại vươn mình lên một tầm cao mới với sự xuất hiện của những vũ hội Drag hay còn được biết đến với tên gọi Drag Balls. Nếu đã từng có cơ hội xem qua series Pose đình đám của Mỹ, bạn sẽ biết đến những vũ hội Drag có nguồn gốc từ các vùng của New York vào những năm 1970. Drag Balls là một sự kiện giao hữu hào nhoáng, gồm một đường băng dài, nơi mà các thí sinh tham gia sẽ trình diễn các bộ trang phục thời trang theo chủ đề độc đáo, sáng tạo, thẩm mỹ nhất, kết hợp với các vũ đạo trình diễn theo nhịp điệp, tiết tấu của những ca khúc, âm nhạc thịnh hành, sôi động nhất lúc bấy giờ. Ở cuối đường băng, một hội đồng các giám khảo sẽ chấm điểm cho các thi sinh, để cuối cùng là trao giải thưởng và các danh hiệu cao quý cho những người thắng cuộc.
Các “House” của Drag Mother sẽ thi đấu trong các vũ hội Drag Balls. Đây được xem một loại hình nghệ thuật chủ yếu được tạo ra bởi và dành cho những người Mỹ gốc Latin và da đen. Drag Balls như một loại hình nghệ thuật theo chủ nghĩa thoát ly: chúng là một cách sáng tạo mạnh mẽ để sử dụng trí tưởng tượng và khả năng trình diễn để tăng cường sự tự tin và niềm hy vọng về vị trí, địa vị trong xã hội của họ.
Đây là nơi mà khái niệm Drag Mother đã được hình thành. Những Drag Mother chính là những Drag Queen sở hữu kinh nghiệm dày dặn trong nghề, họ sẽ chỉ dạy và hướng dẫn cho những nghệ sĩ Drag đang phát triển hay đang muốn trở thành một Drag Queen. Không những vậy, Drag Mother còn chỉ cho họ cách trình diễn trên sân khấu cũng như hướng dẫn cách trang điểm và hình thành nên diện mạo riêng, phù hợp với từng người. Trong bối cảnh xã hội vẫn chưa cởi mở và chấp thuận người đồng tính, Drag Mother sẽ chu cấp chỗ ở cho những Drag Queen đam mê nghệ thuật này nhưng phải đánh đổi bằng cái giá là bị người thân, xã hội ruồng rẫy, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Drag Mother phải chịu trách nhiệm cho danh tiếng của cả một gia đình Drag Queen của mình. Dù họ của Drag Mother là gì, những Drag Queen là “con gái” của Drag Mother đều được phép nhận họ của mẹ như một phần trong nghệ danh của mình, hoặc thậm chí được Drag Mother chọn cho nghệ danh cho. Các gia đình Drag Queen được giới thiệu nhiều trong bộ phim tài liệu “Paris is Burning” về Drag vào năm 1990. Đây cũng là bộ phim này đã truyền cảm hứng cho ca khúc và MV ca nhạc Vogue của Madonna.
Drag Balls và House of Drag đặc biệt quan trọng đối với cuộc đấu tranh của người đồng tính trong thời cuộc khủng hoảng AIDS. Vào những năm 1980, những người Mỹ đồng tính bắt đầu bị nhiễm bệnh và tử vong rộng khắp. Trong nhiều trường hợp lây lan qua quan hệ tình dục không an toàn, AIDS đã tàn phá cộng đồng đồng tính nam. Phản ứng của các cơ quan y tế công cộng đối với Aids chứa đầy những giả định kỳ thị đồng tính và phân biệt chủng tộc về hành vi tính dục của người đồng tính. Thay vì tìm cách để xoa dịu nỗi đau mà AIDS để lại, xã hội lại xem đó là lý do chính đáng để càng kỳ thị người đồng tính mạnh mẽ hơn.
Chính bởi thế, nhiều House of Drag được tổ chức như một ngôi nhà bảo vệ, nơi mà ở đó, những Drag Mother có trách nhiệm giáo dục con cái của họ về tình dục an toàn và chữa lành những tổn thương tinh thần sâu sắc của những người đang nhiễm AIDS. Một số đơn vị còn tổ chức các buổi lễ hội Drag Balls là dịp để tuyên truyền phòng ngừa, chẳng hạn như House of Latex Ball ở Thành phố New York đã giáo dục khán giả về các nguy cơ và cách phòng ngừa HIV. Drag Queen và tổ chức của người đồng tính đã cung cấp những gì mà xã hội lúc bấy giờ đã từ chối để trao cho họ: sự bảo vệ, yêu thương và chăm sóc.
Cuộc đấu tranh cho sự chấp nhận và bình đẳng đối với người đồng tính đã phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm 1970 và 1980, với Harvey Milk trở thành người đồng tính nam công khai đầu tiên được bầu vào văn phòng công ở San Francisco vào năm 1977.
Sự đại diện tích cực đó dần dần trở thành xu hướng chính. Drag Queen nổi tiếng Divine, qua đời năm 1988, đã xuất hiện trong nhiều bộ phim của đạo diễn John Waters, bộ phim đã thành công vang dội (Divine còn đóng vai Edna Turnblad trong phiên bản gốc của bộ phim nổi tiếng Hairspray). Và đến đầu những năm 1990, “Drag Queen” RuPaul chạm đến đỉnh cao của sự nổi tiếng toàn cầu, khi ra mắt các sản phẩm âm nhạc chất lượng, thịnh hành thời bấy giờ, trong đó bao gồm một bản song ca với Elton John.
Năm 2009, series vô cùng ăn khách hiện nay là Rupaul’s Drag Race, đầu tiên được phát sóng. Sự dung hòa giữa các thử thách bao gồm: sáng tạo trang phục, đóng tiểu phẩm, vũ đạo, trình diễn stand-up comedy, biểu diễn ca hát và cải trang thành người nổi tiếng…, đã khiến chương trình này trở thành món ăn tinh thần giàu gia vị trên sóng truyền hình – mà chính nó cũng thu hút được sự mến mộ, quan tâm của đông đảo những người làm trong ngành nghệ thuật, thời trang, và các ngôi sao nổi tiếng.
Nhờ vào thành công của Drag Race trên phương diện toàn cầu, sự thú vị của nghệ thuật cải trang – Drag Queen đã được giới thiệu một cách sáng tạo, nhiều màu sắc, vui nhộn, phổ cập kiến thức cũng như chia sẻ những thông điệp, cảm nghĩ của chính những Drag Queen tham gia về tình hình chính trị, góc nhìn cuộc sống và sức khỏe giới tính. Sự tổng hòa giữa giải trí và giáo dục, thiên nhiều về truyền cảm hứng đã khiến cho Rupaul’s Drag Race nhiều năm liên tiếp đoạt giải thưởng chương trình truyền hình thực tế hay nhất tại Lễ trao giải Emmy.
Nhiều thí sinh trong chương trình bước ra khỏi cuộc thi và trở thành một ngôi sao đúng nghĩa, khi họ xuất hiện trên sóng truyền hình, biểu diễn trước công chúng, ra mắt sản phẩm âm nhạc, tham gia diễn xuất, trở thành Influencer của ngành thời trang, làm đẹp, hay xuất hiện trên những ấn phẩm thời trang cao cấp như Vogue. Nhiều Drag Queen có lượng người theo dõi đông đảo trên Instagram lẫn Twitter, Tiktok (đã có 34 drag queen xuất thân từ Drag Race có hơn 1 triệu lượt người theo dõi, 4 trong số đó có hơn 2 triệu người theo dõi) và tận dụng nền tảng, bệ phóng sẵn có đó để phát triển thêm hơn trong sự nghiệp giải trí của mình.
Drag Queen – Influencer mới của làng thời trang
Sau một thời gian đấu tranh với biên niên sử dài đằng đẵng, ngày nay, nghệ thuật Drag nói chung và những Drag Queen đang dần được xã hội cởi mở đón nhận. Sự ra đời của Rupaul’s Drag Race không chỉ đơn thuần là một show truyền hình mang thiên hướng giải trí, nó còn được xem là đang cống hiến không khoan nhượng cho cuộc đấu tranh đồng tính, và bày tỏ quan điểm mạnh mẽ tới các mâu thuẫn đan xen về vấn đề phân biệt chủng tộc, giới tính và giai cấp. Đây cũng là chương trình mở đường cho Drag tiến thân vào con đường thời trang, nơi con người được là chính mình qua những trang phục rực rỡ đầy màu sắc.
Các thí sinh bước ra từ RPDR, dù có đạt được ngôi vị cao nhất hay không, cũng đều truyền cảm hứng với câu chuyện và kỹ năng cá nhân. Điều đó giúp thu hút được một lượng người hâm mộ và khiến họ trở thành một Influencer đúng nghĩa. Trong số danh sách 21 cựu thí sinh của RPDR, có nhiều thí sinh là khách mời quen thuộc đến các sự kiện thời trang của các thương hiệu cao cấp như show diễn thời trang hay sự kiện ra mắt bộ sưu tập mới.
Nổi bật trong danh sách đó là Violet Chachki, Pearl Liason, Miss Fame, Aquaria, Plastique Tiara, Valentina và Naomi Smalls. Họ là những Drag Queen có thế mạnh lớn về phong cách cá nhân và kết nối tới hơn 1 triệu khán giả đang theo dõi của mình qua ngôn ngữ thời trang. Cụ thể hơn, Miss Fame (top 7 mùa giải thứ 7) trở thành một người mẫu chuyên nghiệp và ký hợp đồng với một công ty quản lý người mẫu hàng đầu tại New York. Không lâu sau, Miss Fame xuất hiện trong chiến dịch quảng bá mới của thương hiệu L’Oreal và tham gia trình diễn trong tuần lễ thời trang NYFW. Cô còn được xuất hiện trên rất nhiều trang bìa và ấn phẩm thời trang khác nhau như Vogue, Paper Magazine, V Magazine, Numero…
Đặc biệt nhất phải kể đến Violet Chachki – quán quân của mùa giải thứ 7 của RPDR với những bước tiến dài vượt trội so với những Drag Queen cùng thời. Trong những năm trở lại đây, việc những Drag Queen, người mẫu chuyển giới hay lưỡng tình tham gia trình diễn cũng trở nên quen thuộc với nền công nghiệp thời trang hiện nay. Song, việc một Drag Queen trở thành người mẫu quảng cáo trong một chiến dịch lớn của một thương hiệu đồ lót là chưa có tiền lệ. Và Violet Chachki – ngôi sao của cộng đồng Drag Queen đã làm được điều đó, khi trở thành người mẫu Drag Queen đầu tiên trong lịch sử được trở thành người mẫu đại diện trong một chiến dịch quảng cáo lớn của thương hiệu nội y nổi tiếng tại London.
Tài năng trẻ Aquaria (quán quân của mùa giải thứ 10) cũng là một Drag Queen có bề dày chiến tích trong ngành công nghiệp thời trang khi vừa là người mẫu, vừa là Influencer đình đám. Aquaria có Marc Jacob là người đỡ đầu trong ngành và vô cùng thân thiết với Nicola Formetti (cựu giám đốc sáng tạo của Diesels và giám đốc sáng tạo đương nhiệm của Vogue Japan). Aquaria cũng ký hợp đồng cùng công ty quản lý người mẫu hàng đầu IMG, cùng nhà với chị em Gigi, Bella Hadid, Kendall Jenner. Aquaria cùng Violet Chachki và Rupaul là 3 Drag Queen được mời tham dự sự kiện Met Gala 2019 với chủ đề “Notes On Camp”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Drag Queen được vinh dự xuất hiện trên tại sự kiện đắt giá bậc nhất của ngành thời trang.
Drag Queen Việt Nam từng bước xóa bỏ rào cản
Trong những năm trở lại đây, không chỉ thế giới mà phần đông người Việt nói riêng đã có những cái nhìn tích cực hơn về cộng đồng LGBT, về cách mà họ tự tin sống thật là chính mình, và với Drag Queen cũng không ngoại lệ. Ca sĩ Thanh Duy dưới hình hài Drag Queen Delilah là một ví dụ. Chia sẻ về việc giả gái, Thanh Duy cho biết đây là chuyện vốn đã quá quen trong showbiz, tuy nhiên, việc anh mang hình ảnh người phụ nữ bên trong vào nghệ thuật là trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Và sau 15 năm hoạt động, anh đánh dấu cột mốc hoạt động của mình bằng cách đưa “nhân cách thứ 2” của bản thân ra ánh sáng thông qua show diễn Drag Queen – Delilah Land.
Hay Plastique Tiara, “búp bê” gốc Việt tự tin tỏa sáng trên truyền hình Mỹ khi là người Việt đầu tiên tham gia cuộc thi RuPaul’s Drag Race , chương trình truyền hình thực tế về Drag Queen. Sau cuộc thi, Plastique Tiara trở nên nổi tiếng và được cộng đồng fan Việt yêu mến hơn khi anh tham gia vào cộng đồngTik Tok. Những clip biến hóa có “1 không 2” của anh thu hút lượt view khủng lên đến hàng triệu. Khó có ai có thể bắt kịp trend này khi từ một chàng trai bảnh bao hoá thân thành một cô nàng có nhan sắc xinh đẹp sexy quyến rũ. Khiến nhiều chị em phải ghen tị với nữ hoàng Plastique Tiara.
Ngoài những cá nhân có thành tích nổi bật trong cộng đồng Drag Queen, “nghệ thuật hóa thân” tại Việt Nam cũng dần có từng bước tiến nổi bật khi Vấp Cục Đá lần đầu tiên tổ chức sự kiện dành cho cộng đồng LGBTQ+: một vũ hội Drag đầy tham vọng để hưởng ứng Tháng Tự hào vào năm 2022.
Với sự cởi mở của xã hội ngày nay, các Drag Queen của những năm gần đây có mức thu nhập dồi dào nhờ vào những hoạt động mà họ có thể tham gia như đi tour, trình diễn tại các câu lạc bộ, phát hành album nhạc, kinh doanh cá nhân hay thậm chí là truyền dạy kỹ nghệ trở thành drag queen…
Bên cạnh đó, các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, phụ kiện thời trang và cả các NTK thời trang đang muốn gây được sự chú ý cho thương hiệu cá nhân, cũng đều rất sẵn lòng tài trợ trang phục cho các Drag Queen có tên tuổi với niềm tin rằng đây là một khoản đầu tư hiệu quả. Vậy thế diện mạo của các Drag Queen ngày càng được khen ngợi khi xuất hiện trong các bộ cánh lộng lẫy, thậm chí là thiết kế Couture hoặc trang phục được may đo vừa vặn với cơ thể.
Văn hóa vốn là một chủ đề phức tạp, và nghệ thuật drag lại càng mang nhiều tầng ý nghĩa với cộng đồng LGBTQ+ như một hình thức thể hiện bản thân cũng như bày tỏ niềm tự hào. Du nhập vào Việt Nam với nhiều gièm pha và dè bỉu, song, những Drag queen vẫn bền bỉ thổi những làn gió mới vào văn hóa nghệ thuật Việt Nam, gợi mở một thế giới hân hoan, giàu màu sắc, sáng tạo và chủ nghĩa cá nhân độc đáo. Đó chính là Drag – một loại hình nghệ thuật được sinh ra từ chính sự bất bình đẳng, bất công, bóc lột và dồn nén thân phận của những con người tự do, yêu sáng tạo và quyết liệt với tính giới của mình.