Để “cứu lấy” một sân chơi thời trang Việt đang “chảy máu” và “tổn thương”, sẽ cần đến sự ủng hộ của người tiêu dùng cùng sự thay đổi tích cực từ thương hiệu.
Những định kiến về Local Brand vẫn còn hiện hữu đâu đó trong tâm trí người tiêu dùng dù cho ngành công nghiệp thời trang Việt ngày một phát triển. Tình trạng ngành công nghiệp thời trang Việt đang tổn thương và chảy máu vẫn còn diễn ra. Vấn đề đến từ đâu và đâu là giải pháp? Hãy cùng Street Vibe xem qua bài viết này nhé.
Chảy máu nhân sự
Sự thật rằng, hiện nay có rất nhiều NTK gốc Việt đã và đang tỏa sáng trên bản đồ thời trang quốc tế. Những cái tên đó có thể kể đến như Peter Do, Sarah Linh Tran, Amy Trinh… Hơn cả vậy, theo chia sẻ của Mr. Huy Võ (CEO kiêm Founder của Học viện Thời trang Việt Nam) với Street Vibe: lứa NTK trẻ sau khi ra trường cũng đang được săn đón và chiêu mộ bởi những công ty thời trang từ Hàn Quốc và Trung Quốc.
Riêng tại bản đồ thời trang Việt Nam, bất kỳ ai quan tâm đến thời trang đều biết đến Nguyễn Công Trí, Đỗ Mạnh Cường, Lý Quý Khánh, Đỗ Long… là những cá nhân chọn phát triển và cống hiến ở thị trường nước nhà. Song, cũng hiếm người người chọn thị trường trong nước làm bàn đạp để xây dựng sự nghiệp. Thay vào đó, họ chọn “bơi ra” quốc tế hoặc đầu quân cho các công ty thời trang nước ngoài. Chỉ có một số ít người vẫn tiếp tục ở lại như Vickivirus với La Lune, Christian với FIGI… Hay tiêu biểu nhất chính là Thanh Huyen với T-REDX nổi tiếng trong cộng đồng thời trang đường phố; cô từng du học ở Singopore sau đó quay về Việt Nam để xây dựng thương hiệu, phát triển nền thời trang nước nhà.
Có thể nói, đây là một tín hiệu đáng buồn khi khá nhiều tài năng trẻ chọn thị trường quốc tế làm nơi phát triển sự nghiệp vì nhiều lợi ích khác nhau. Phải chăng giới nhà tuyển dụng của Việt Nam chưa biết cách nắm bắt hay giữ chân nhân tài ở lại. Hay vì thị trường Việt chưa tạo cơ hội để những con người này phát triển tài năng của họ?
Mặc khác, theo cảm nhận của Mr. Huy Võ, phần nhiều các NTK trẻ sau khi ra trường vẫn chưa tìm đúng định hướng: chỉ đang tập trung chất xám để sản xuất ra những bộ trang phục mang tính biểu diễn và khó áp dụng vào thường ngày. Trong khi đó, thị trường tiêu dùng trong nước vẫn cần những sản phẩm “dễ mặc, dễ phối”; thế nên, phần nào nguyên do giải thích vì sao các sản phẩm của những NTK vẫn thị trường biết đến.
Chảy máu chất xám
Gần đây, cộng đồng thời nước nhà nổi lên vụ việc thương hiệu Nelly từ Trung Quốc “ăn cắp trắng trợn” các hình in trên sản phẩm của BadRabbit Club. Cụ thể hơn, Nelly đã sao chép 100% graphic từ Local Brand Việt, không sửa đổi dù chỉ một tí. Không riêng gì BadRabbit Club, những thương hiệu nội địa Việt khác như Cemmery hay TSUN cũng không thoát vòi bạch tuột của kẻ cắp từ Trung Quốc này.
Để nói về độ “ma mảnh” trong việc đạo nhái, các thương hiệu nội địa Trung Quốc hay SHEIN luôn ở một tầm cấp khác. Những kẻ này không ngừng thực hiện thủ đoạn “cá lớn nuốt cá bé” – ăn cắp thiết kế của các nhà thiết kế trẻ, thương hiệu nhỏ. Nếu sự việc có bị lộ cũng không phải vấn đề to tát vì “con cá lớn” hiểu rằng “những con cá bé” không đủ kinh phí để có thể kiện cáo. Ngoài ra, yếu tố về luật bản quyền giữa quốc gia cũng là một vấn đề phức tạp và gây cản trở lớn đến việc thực hiện kiện cáo những kẻ cắp này. Dù có bị tố, những “con cá lớn” vẫn kiếm tiền mỗi ngày từ những thiết kế không chính chủ.
Mặt khác, việc những tài năng trẻ chọn thị trường quốc tế cũng dẫn đến tình trạng tổn thương và chảy máu chất xám cho ngành công nghiệp thời trang nước nhà. Các ý tưởng, thiết kế… của họ khi được sáng tạo nên, bản quyền sẽ thuộc về thương hiệu quốc tế, thay vì thương hiệu Việt (hay cả chính họ). Điều này dẫn đến hiện hiện trạng bóp nghẻn sự sáng tạo, thị trường thời trang trong nước khó được trải nghiệm những sự mới mẻ.
Do đâu mà tổn thương?
Thiếu sự quan tâm của người tiêu dùng
Còn nhớ khi Samsung mới bắt đầu giới thiệu đến công chúng những mẫu điện thoại đầu tiên. Các sản phẩm này có nhiều sự tham khảo từ iPhone, đó là điều không thể bàn cãi. Thế nhưng, Samsung vẫn luôn được lòng của người dân Hàn Quốc. Vì họ biết rằng đây là một sản phẩm thuộc thương hiệu nội địa nên hết lòng ủng hộ. Sự yêu mến và tin dùng của khách hàng trong nước đã tạo nên động lực to lớn để hãng điện tử này phát triển như hiện tại. Cứ ngỡ rằng câu chuyện “Người trong nước ưu tiên sử dụng hàng nội địa” sẽ được tái hiện ở thị trường thời trang nước nhà. Thế nhưng, điều này lại không xảy ra vì đâu đó trong tâm trí người Việt vẫn còn tâm lý sính ngoại.
Một trường hợp được ghi nhận rằng đây chính là vụ việc bị đạo nhái của BadRabbit Club. Khi những bài viết được chia sẻ khắp các trang mạng xã hội, khá nhiều cá nhân thay vì bênh vực cho thương hiệu nước nhà – họ lại chọn chê bai và dèm pha. Hơn cả thế, họ còn hỏi cách tìm mua sản phẩm từ Nelly dẫu tự bản thân biết rằng đó là một sản phẩm đạo nhái trắng trợn. Họ không quan tâm đến việc chất xám của nhà thiết kế trong nước bị đánh cắp, họ chỉ quan tâm đến việc mua được của Nelly… vì rẻ hơn. Một số người còn dành lời khen ngợi cho đồ từ Taobao và chê bai sản phẩm thời trang nước nhà.
Từ việc trên, không chỉ thể hiện nền thời trang Việt đang thiếu sự quan tâm của người tiêu dùng trong nước mà còn chảy máu kinh tế. Những người tiêu dùng này chọn lựa mua đồ từ nước khác. Vậy, chẳng phải họ đang gián tiếp làm giàu cho nước khác? Còn thương hiệu trong nước vừa thiếu sự quan tâm/công nhận, vừa thiếu chi phí để có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Người tiêu dùng lại tiếp tục chê bai thời trang nước nhà nhàm chán và rồi, vòng lặp cứ thế tái diễn không hồi kết.
Chính thương hiệu cũng có lỗi
Người tiêu dùng có lỗi nhưng chính phía các thương hiệu cũng có lỗi. Bên cạnh các thương hiệu đang làm tốt nhiệm vụ của họ, vẫn có những thương hiệu như “con sâu làm rầu nồi canh”. Ở thời điểm hiện tại, thật không khó để bắt gặp câu chuyện Local Brand đạo nhái hay sao chép thiết kế. Tần suất diễn ra việc này nhiều đến, cộng đồng mạng cũng không còn quan tâm đến “những drama” này nữa. Vì với họ, đây là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Từ đó có thể thấy, vấn đề đạo nhái của Local Brand đã xảy ra từ rất lâu về trước. Từ một chủ đề thừa sức nóng để thu hút dư luận, nó trở thành một điều không hiếm, cứ lặp đi lặp lại. Bên cạnh đó, các vấn đề về chất lượng sản phẩm kế hay thiết kế nhàm chán cũng là những yếu tố khiến nhiều khách hàng dần quay lưng với sản phẩm nội địa. Mặt khác, nhiều thương hiệu quyết định “hoàn lương” để vực lại lòng tin của khách hàng, tuy nhiên, đây vẫn sẽ là một cuộc đấu tranh dai dẳng.
Làm thế nào để kết thúc vòng lặp?
Sự giúp đỡ từ người tiêu dùng
Để nền thời trang nước nhà có thể phát triển hướng tốt hơn không phải là chuyện không thể xảy ra nhanh vội mà sẽ cần rất nhiều thời gian và các yếu tố. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự nhìn nhận và ủng hộ từ cộng đồng, tạo điều kiện cho các thương hiệu nội địa có thể phát triển mạnh và vươn xa. Người tiêu dùng cần phải có cái nhìn rộng mở hơn cho các sản phẩm nội địa. Biết rằng sản phẩm nội địa vẫn còn nhiều thiếu xót, chưa hoàn thiện nhưng chính sự góp ý, ủng hộ của người tiêu dùng sẽ tạo bàn đạp cho thương hiệu phát triển.
Đã từ rất lâu rồi, cộng đồng thời trang Việt mới cùng nhau ủng hộ sản phẩm nội địa Việt như xu hướng giày Thượng Đình/Asia Sport vừa rồi. Theo các ghi nhận, doanh thu của Thượng Đình và Asia Sport tăng vọt đáng kể so với những năm qua. Những người công nhân thuộc nhà máy của hai thương hiệu này cũng được tăng ca để đáp ứng đủ lượng cung cho thị trường. Tuy xu hướng này đã qua đi, nhưng cái nhìn của thị trường cho sản phẩm Việt đã thay đổi dần – theo hướng tích cực hơn. Họ không còn mua một sản phẩm chỉ để chạy theo xu hướng, thay vào đó, họ nhận ra những yếu tố tốt đẹp từ sản phẩm này như rẻ, dễ mua, dễ phối đồ…
Nếu xu hướng Thượng Đình/Asia Sport có thể nhen nhóm lên tinh thần người Việt dùng đồ Việt. Vậy tại sao người tiêu dùng không mở lòng cho các thương hiệu Việt khác, cùng nhau ủng hộ cho sự phát triển của thời trang nước nhà. Hạn chế sử dụng hàng Fast Fashion cũng là một cách không chỉ giúp thời trang nước nhà phát triển. Sâu xa hơn, cách này còn giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, hướng đến Thời trang bền vững.
Sự cải thiện của Local Brand
Những định kiến ngày trước của khách hàng về Local Brand một phần cũng đến những sai lầm trong quá khứ của thương hiệu Việt. Nếu muốn lấy lại lòng tin từ khách hàng, các thương hiệu cần tìm ra cách để thay đổi tư duy người tiêu dùng. Họ cũng cần phải cải thiện chính bản thân từ thiết kế, chất lượng, concept… Nếu tập trung vào nâng cao thiết kế là một điều phức tạp, vậy hãy bắt đầu từ những gì đơn giản nhất. Đó chính là chất lượng sản phẩm. Thương hiệu không cần phải giảm giá thành để thu hút người dùng, chỉ cần nâng cao chất lượng để họ cảm thấy sản phẩm xứng với số tiền bỏ ra.
Đó sẽ là một bài toán khó, tuy nhiên, bài toán này sẽ có lời giải nếu cả thương hiệu lẫn khách hàng đều thay đổi tư duy.