Tại sao các Bad Boy cứ hay phối đồ theo công thức “áo da + quần Jeans + Boots” nhỉ? Street Vibe sẽ giúp bạn giải đáp.
Chào mừng bạn đến với năm 2022 và 2023, thời điểm mà thật dễ để tìm kiếm những video thời trang trên TikTok về “Làm Bad Boy là phải mặc áo Biker da, quần Skinny Jeans và Boots”. Dường như, mọi nội dung hướng dẫn “Phối đồ cho Bad Boy” trên mạng xã hội này đều đi theo một công thức mix & match như vậy.
Thế nhưng, bạn có tự hỏi tại sao cứ Bad Boy thì phải mặc như vậy, liệu có một quy luật ngầm nào đó tồn tại phía sau? Có lẽ như người ta vẫn thường bông đùa, sự bí ẩn tạo nên nét hấp dẫn cho một chàng trai hư. Vậy, hãy cùng Street Vibe giải mã nhé.
Bad Boy không phải là một phong cách thời trang
Badboy hiểu đơn giản là những chàng trai có tính cách khác biệt, ngông nghênh, bất cần nhưng lại có sức hút lạ thường. Khác với Good Boy (Trai ngoan), một gã trai hư như sẵn sàng làm mọi đều bản thân yêu thích mà không phải suy nghĩ quá nhiều về các định kiến xã hội. Cần phải hiểu rõ rằng Bad Boy là danh từ chỉ người, không phải phong cách thời trang. Sâu xa hơn, có thể xem Bad Boy như một phong cách sống. Dù muốn hay không, khá nhiều chàng trai luôn mong muốn trở thành hoặc cố gắng tỏ ra “hư hỏng”.
Sỡ dĩ, có thể xem như Bad Boy là một phong cách sống vì phần nhiều phụ thuộc vào tính cách, lối sống, hành vi và cách cư xử. Cách ăn mặc chỉ là một phần nhỏ trong số đó. Một chàng trai có vẻ ngoài trông thật “hư hỏng” nhưng chưa chắc tính cách cũng như vậy và ngược lại. Nếu xem cứ phải là Bad Boy thì phải mặc áo da Biker, quần Skinny Jeans và Boot thì hãy nhớ rằng, trên đời này vẫn có nhiều chàng trai lựa chọn kiểu phong cách thời trang khác trông “hiền lành” hơn nhưng tính cách thì vẫn “hư đốn”.
Sợi tơ duyên giữa Bad Boy cùng áo da, quần Jeans và Boots
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”, một kiểu phối đồ không thể đóng khung toàn bộ con người. Thế nhưng, trong lịch sử thời trang, dường như tồn tại một sợi tơ duyên vô hình giữa những gã trai hư với áo da, quần Jeans và giày Boots.
Thập niên 1950-1960: Văn hóa Greaser
Áo khoác da Biker lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới khi anh em Irving và Jack Schott thành lập nên Schott NYC vào năm 1913. Tuy nhiên, phải đến năm 1928, Schott NYC mới cho ra mắt chiếc áo khoác da mô tô đầu tiên trên thế giới mang tên “Perfecto” dành cho người lái xe máy Harley Davidson.
Bước vào thập niên 1950, áo khoác da Biker đã trở nên nổi tiếng khi được nam diễn viên điển trai của Hollywood thời đó là Marlon Brando diện một chiếc áo Perfecto trong bộ phim ăn khách The Wild One. Qua tác phẩm, Brando đã vào vai một thủ lĩnh của băng đảng đường phố – điều này góp phần gán ghép chiếc áo khoác da với hình tượng trai hư. Sau khi bộ phim này ra rạp, cộng đồng người đi xe Motor và các thanh thiếu niên ngay lập tức “bắt trend”, ăn mặc như nam tài tử.
Cũng trong giai đoạn này, ngoài Marlon Brando, giới Hollywood vẫn còn một “nam thần” nổi danh khác chính là James Dean. Nam diễn viên này thường xuyên diện một chiếc áo khoác da, quần Jeans và Combat Boots. Với lối sống tự do tự đại, hình tượng trai hư trai hư của James Dean cùng Marlon Brandon nhanh chóng trở thành nguồn cảm hứng cho giới trẻ. Từ đó, văn hóa Greaser ra đời với sự tham gia của các chàng trai ngông cuồng diện lên người chiếc khoác da, quần Jeans và Combat Boots được tận dụng sau Thế chiến thứ II.
Từ một chiếc áo khoác da thông thường, nó đã trở thành một phần không thể thiếu với văn hóa Biker và Greaser. Ở văn hóa này, không khó để ta tìm thấy những gã trai đường phố yêu thích tốc độ và không ngại chi định kiến của xã hội. Trong mắt người ngoài, họ chính là những Bad Boy đương thời. Có thể nói, văn hóa Greaser chính là khởi đầu cho sợi tơ duyên của trai hư cùng áo da, quần Skinny và Boots.
Thập niên 1970: Kỷ nguyên của Rock
Sau đó, bước sang những năm 1970, nhạc Rock đã trở thành thể loại âm nhạc của thế hệ này, với những ngôi sao nhạc rock đầu tóc bóng mượt, mặc quần áo bó sát và áo khoác Biker như đồng phục chính thức của họ. Điển hình nhất, nhóm nhạc The Ramones đã đưa chiếc áo khoác Biker cùng jeans bó trở thành xu hướng chủ đạo bằng cách quảng bá chúng qua các trang bìa album của họ như Rocket to Russia, Leave Home và Road to Ruin.
Không riêng gì The Ramones, vào kỷ nguyên của nhạc Rock, vẫn còn nhiều nhóm nhạc khác chọn cách phối tương tự và ảnh hưởng mãi đến các thế hệ sau này lẫn hiện tại. Bằng một điều thần kỳ nào đó, những con người theo đuổi dòng âm nhạc này thường có lối sống tự do, ngông cuồng và bất cần đời. Vô hình chung, họ được xã hội gán cho cái mác “Trai hư”. Và trai hư của thập niên nhạc Rock cũng chọn mặc khoác da cùng quần bó và Boots. Đôi khi, không nhất thiết là Boots hay giày da, họ có thể phối chúng với giày thể thao như Converse.
Thập niên 1980: Chào mừng đến với văn hóa Punk
Trong những năm thuộc thập niên 1980, nhạc Punk được vươn ngôi và trở một nền văn hóa tượng trưng cho sự nổi loạn. Ngay lúc này, chiếc áo khoác da cùng những chiếc quần Jeans hay đôi Boots lại được nâng tầm và biến hóa hơn bao giờ hết. Vào thời đại Punk, thật không khó để nhìn thấy gã trai hư ngổ ngáo cùng những cô nàng nổi loạn với mái tóc Liberty Spike diện áo da. Trên hết, đó không phải một chiếc áo da phổ thông thường thấy, thay vào đó, nó là một “bản nâng cấp” với đầy màu sắc, biểu ngữ, gai nhọn, đinh tán…
Thời trang Punk ngày càng trở nên nên phổ biến, các nhà thiết kế như Vivienne Westwood, cùng với các ban nhạc Punk tại Anh Quốc bắt đầu phổ biến kiểu phối trên đến đại chúng. Văn hóa Punk vốn tượng trưng cho sự nổi loạn, phá vỡ luật lệ, chống chính phủ nên cũng chẳng ngạc nhiên mấy khi một lần nữa, những món phụ kiện kể trên tiếp tục mối cơ duyên với trai hư/gái hư.
Thế kỷ 21: “Cơn địa chấn” của Hedi Slimane
Bước vào thế kỷ 21, Hedi Slimane là một trong những nhà thiết kế đủ khả năng khiến áo da, quần Skinny Jeans và Boots trở nên “hot” hơn bao giờ hết. Mọi chuyện bắt đầu kể vào năm 2012, khi gã trai Pháp này gia nhập Saint Laurent Paris và phần còn lại là lịch sử. Với tình yêu dành cho văn hóa Rock, Hedi Slimane tiếp tục mang đến những thiết kế đậm nét Rock-chic khi trị vị nhà mốt xứ Pháp. Cùng với sự “lăng xê” của những cái tên nổi tiếng như G-Dragon hay Harry Styles, ai nấy cũng đều muốn trở thành một Hedi Boy.
Năm 2015-2020, những đôi Wyatt Boots cùng vibe thời trang như Saint Laurent Paris thời Hedi Slimane du nhập vào Việt Nam. Ngay thời điểm đó, kiểu phối này ngay lập tức được lòng những chàng trai sống tự do và yêu thích tiệc tùng. Họ diện đồ Saint Laurent đến quán bar/club và khiến chúng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Khi ấy, chẳng ai diện như vậy để chứng tỏ bản thân hư hỏng, họ chỉ diện vì cảm phong cách thời trang này thật thanh lịch, sang trọng, điệu đà và không kém phần cuốn hút nữ giới khi tham gia tiệc tùng. Hình ảnh một chàng trai yêu thích tiệc tùng nơi bar/club vốn bị người ta xem như tượng trưng cho sự “hư hỏng”. Thế nên, chẳng chắc khi các chàng Hedi Boy lại được xem như các Badboy của thời đại này (dù có thể tính cách của họ ngoan hiền, nghiêm túc).
Tiếp nối các tiền bối, thế hệ đi sau cũng chọn diện theo tương tự vì sự yêu thích cho phong cách thời trang này. Đối với họ, chẳng gì có thể khiến một gã trai cao gầy trở nên bảnh bao hơn khi diện áo khoác da, quần Skinny Jeans và Boots. Quả thật, cũng như thế hệ trước, các hậu bối cũng cảm thấy diện kiểu trang phục này đi bar/club hay tiệc tùng là sự lựa chọn hàng đầu. Do đó, xã hội tiếp tục xem họ như những chàng trai hư.
Liệu các TikToker có sai?
Như đã nói ở trên, thật không khó để tìm kiếm một video trên TikTok hướng dẫn phối đồ cho Badboy và kết quả cho ra kiểu phối được đề cập nhiều nhất trong bài viết này. Trải qua nhiều thời kỳ phát triển của thời trang cùng các nhóm văn hóa, công thức “Áo da + Quần Jeans + Boots” luôn có một sự liên kết vô hình với những cá nhân bị xã hội gán cho cái mác “trai hư”. Mọi thứ đã được thiết lập từ nhiều thập kỷ trước, những con người của thời hiện tại chỉ đang kế thừa và phát huy tiếp gia trị cốt lỗi từ bao đời. Công thức phối đồ này dường như đã trở thành một quy chuẩn chung – cứ nhắc đến trai hư là nghĩ đến ngay. Kể cả trong phim ảnh, những nhân vật “không ngoan” cũng được xây dựng tạo hình theo công thức phối đồ này.
Thế nên, cũng chả chắc vì sao phần nhiều các TikToker lại luôn gợi ý kiểu phối này và cho rằng “Như vậy mới là trai hư” hay “Trai hư thì phải mặc thế”. Họ không sai khi gợi ý như vậy. Điều duy nhất mà họ sai chính là nói sai hoặc không nói rõ các khái niệm để người đọc hiểu đúng thay vì hiểu lệch hướng. Và điều quan trọng nhất, trai hư là danh từ chỉ lối sống/tính cách – không phải một phong cách thời trang cụ thể. Phong cách thời trang mà ta thường thấy trên TikTok mang tính cốt lõi từ Rock, Punk hoặc Greaser và các nhóm văn hóa/phong cách liên quan.