Vampire (Ma cà rồng) đối với giới mộ điệu phương Tây không chỉ là một sinh vật huyền bí mà còn là nguồn cảm hứng. Riêng “ma cà rồng” ở Việt Nam thì… lạ lắm.
Ở phía bên kia địa hạt thời trang, các nhà mốt cùng giới nhà thiết kế phương Tây đang đắm say trong nét huyền bí, ma mị và mê hoặc của tinh thần The New Romatic. Họ thả mình vào nét lãng mạn của sự cổ điển nhưng không kém phần u ám của Gothic hay các cảm hứng từ ma cà rồng.
Quay về Việt Nam, giới trẻ lại đang xôn xao, bàn tán về thuật ngữ “King Vamp” (hiểu theo cách đơn giản là “Vua Ma cà rồng”) hay “Vamp Outfit” rồi “Vampire”. Phải chăng, có một sự trùng hợp và tương đồng đến kỳ lạ giữa giới mộ điệu quốc tế và Việt Nam? Điều gì ở một sinh vật huyền bí như ma cà rồng bỗng thu hút giới thời trang đến vậy? Hãy cùng Street Vibe đi tìm lời giải.
Ma cà rồng và Thời kỳ Victoria
Ma cà rồng là tên gọi của một sinh vật huyền bí được truyền tụng từ lâu trong dân gian. Mỗi thời kỳ và mỗi nền văn hóa, họ sẽ có một truyền thuyết riêng về loài sinh viên này. Tuy nhiên, đặc điểm chung thường thấy ở ma cà rồng chính là dân gian quan niệm rằng loài này tồn tại bằng các hút máu từ những sinh vật sống.
Dựa trên các truyền thuyết và đồn thổi từ dân gian về sinh vật này cùng nhân vật lịch sử có thật là Vlad Tepes, nhà văn người Anh Bram Stoker đã tạo nên nhân vật Bá tước Dracula trong các bộ tiểu thuyết cùng tên. Cuốn tiểu thuyết kinh dị Dracula ra đời vào năm 1897, tức thời kỳ Victoria tại Anh Quốc nên phần nhiều trang phục của vị bá tước sẽ chịu ảnh hưởng bởi thời trang của giai đoạn này.
Thời kỳ Victoria thuộc thế kỷ XIX, bắt đầu từ ngày 24 tháng 5 năm 1819 đến ngày 22 tháng 1 năm 1901. Vào thời kỳ này, nam giới sẽ áo ghi lê trắng, áo khoác đuôi tôm màu đen cùng quần dài vào buổi tối. Đối với trang phục ban ngày, họ mặc áo khoác dạ với quần ống đứng, áo ghi lê ngắn và áo sơ mi có cổ cao cứng. Chiếc áo khoác dạ với một hoặc hai hàng khuy vừa khít với thân và có đường may ở eo. Mặt trước của áo được cắt vuông vắn. Tóc vẫn được tạo kiểu nhưng đến cuối thế kỷ 19 thì cắt ngắn và sát đầu.
Dấu ấn thời trang của kỳ Victorian được tái hiện rõ nét qua nhân vật Dracula trong bộ phim Dracula ra mắt vào năm 1931. Hình tượng Bá tước Dracula với chiếc áo choàng phủ kín, bộ âu phục đen-trắng cùng mái tóc chải ngược lịch thiệp qua thời gian đã trở nên quen thuộc với đại chúng. Chỉ cần nhắc cụm từ “Ma ca rồng”, họ sẽ ngay lập tức nghĩ ngay đến nhân vật này. Ngoài ra, sự phát triển của các loài hình nghệ thuật hiện tại cũng góp phần đưa hình ảnh ma cà rồng đến với đại chúng theo muôn hình vạn trạng.
Sự ảnh hưởng đến thời trang Gothic
Chính sự huyền bí mà nhi nhã của ma cà rồng, Dracula và thời trang kỳ Victoria đã phần nào trở thành nguồn cảm hứng, chất xúc tác tuyệt diệu để khiến Gothic Fashion trở nên phong phú.
Thời trang Gothic dần hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 18 dù Trường phái Gothic đã hiện hữu ở lĩnh vực kiến trúc vào nhiều thế kỷ trước đó. Sở dĩ, thời trang Gothic có cơ hội xuất hiện bởi đây là thời kỳ bùng nổ các truyền thuyết về ma cà rồng. Cùng với cách xây dựng hình tượng Bá tước Dracula của Bram Stoker vào thế kỷ 19, thời trang Gothic vào thời kỳ này hướng đến hình ảnh con người có làn da trắng bạch, môi đỏ thẫm như máu, trang phục đen tối màu và ánh mắt đầy ma mị. Đồng thời, thế kỷ 19 cũng là giai đoạn mà Nữ hoàng Victorian đang trị vì nước Anh nên thời trang Gothic cũng sẽ mang những nét tương đồng phần nào cách con người ăn mặc vào thời bấy giờ. Có thể nói, chúng mang đậm chất cổ điển, quí tộc nhưng ẩn hiện đâu đó nét u buồn, ma mị và huyền bí đến mê hoặc. Sự đen tối không mang ý nghĩa tiêu cực, mà hướng đến cái duy mỹ và sự đẹp đẽ.
Thời trang Gothic hiện nay phân ra vô số nhánh khác nhau nhưng Victorian Goth vẫn luôn là một phần trong số đó. Ngoài ra, thời trang và mạng xã hội phát triển cũng hình thành nên một aesthetic khác mang tên Vampire Aesthetic với các đặc điểm có phần nào đó hướng đến hình tượng ma cà rồng thời Victoria.
Đối với giới thời trang, ma cà rồng và Victorian Goth cũng trở thành nguồn cảm hứng cho một số bộ sưu tập của các nhà mốt như Vicktor & Rolf, Rodarte, Tom Ford, Jean Paul Gaultier… Năm 2023 cũng là năm đánh đấu sự trở lại của thời trang Gothic/Goth trên các sàn diễn. Cùng với đó, có lẽ cảm hứng từ ma cà rồng sẽ tiếp tục được các nhà mốt sử dụng.
Từ Vampire cho đến “Vamp Boy” rồi “King Vamp”
Quay trở về địa hạt thời trang Việt Nam, trong thời gian gần đây, các thuật ngữ như “Vamp Boy“, “Vamp Outfit” hay “King Vamp” bỗng xuất hiện và được nhắc đến khá nhiều. Trên thực tế, thuật ngữ “King Vamp” vốn là tên một bài hát, đồng thời là biệt danh của Playboi Carti. Sở dĩ, nam rapper được gọi như vậy bởi tình yêu của anh dành cho sinh vật ma cà rồng. Hơn cả thế, chủ nhân Whole Lotta Red cũng ngần ngại tự xem bản thân như sinh vật huyền bí này.
Thuật ngữ “Vamp Boy” phần nào đó ra đời để ám chỉ đến những người hâm mộ âm nhạc và mặc theo phong cách thời trang của nam rapper. Chỉ là sau một thời gian, những thuật ngữ này dần “biến tướng” trên TikTok đến mức không thể định nghĩa sao cho chính xác được nữa. Nhắc đến “King Vamp”, người ta nghĩ ngay đến một cá nhân nào đó thay vì Playboi Carti. Rồi mọi chuyện đi xa hơn, lệch khỏi quỹ đạo ban đầu, “Vamp” trong “King Vamp” hay “Vamp Boy”… không còn liên quan đến Playboi Carti hay ma cà rồng quá nhiều.
Sự lệch hướng này là điều tích cực hay tiêu cực, Street Vibe xin phép miễn bàn luận. Thay vào đó, các bạn hãy là người nêu lên ý kiến.