Suy cho cùng, chiếm dụng văn hóa là khủng hoảng văn hóa hay điều cần thiết vẫn nằm ở góc nhìn của mỗi cá nhân và sự cởi mở là điều cần thiết.
Có lẽ, chúng ta đang sống trong một thời kỳ “khủng hoảng văn hóa”. Khi thế giới đã trở nên vô biên giới, con người được tiếp cận nhiều nét văn hóa khác nhau để phục vụ cho nhu cầu sáng tạo và tìm tòi của bản thân. Chúng ta có thể ngồi một nơi phương Đông để tìm hiểu về những văn hóa phương Tây rồi ngược lại. Quá nhiều thứ văn hóa liên kết cùng nhau vô tình tạo nên một cơn khủng hoảng – “khủng hoảng văn hóa” hay “Culture Crisis”. Sự khủng hoảng văn hóa này xuất hiện cả ở… địa hạt thời trang.
Các nhà thiết kế thường chọn văn hóa đặc trưng của các quốc gia làm nguồn sáng tạo chưa chắc vì chúng khiến bộ sưu tập của họ sẽ tạo nên sự khác biệt. Cũng chưa hẳn họ đang dùng chiêu trò để tạo tiếng vang dư luận. Mà ở đây, văn hóa, bên cạnh nghệ thuật, là chiếc cầu nối gắn kết các quốc gia, sắc tộc và giới tính lại với nhau. Tuy nhiên, khi yếu tố văn hóa được đưa vào thời trang, họ luôn tranh luận rằng đó là “Chiếm dụng” hay “Tôn vinh”. Và phải chăng, chúng ta đang gán ghép việc sử dụng yếu tố từ văn hóa khác là “chiếm dụng” một cách vô tội vạ?
Mọi sự sáng tạo trong thời trang đều là lấy nguồn cảm hứng
Trước tiên, cần phải hiểu được rằng: Mọi sự sáng tạo trong thời trang đều là sự lấy nguồn cảm hứng. Một nhà thiết kế để tạo nên một sản phẩm hay cả BST, họ sẽ cần đến các nguồn cảm hứng. Những nguồn cảm hứng ấy đến từ mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống như từ văn hóa, nhân vật lịch sử, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật… Do đó, bản chất của thời trang phần nhiều được tạo ra dựa trên nền tảng những thứ đã có sẵn.
James O. Young trong công trình Sự chiếm dụng văn hóa và nghệ thuật (Cultural Appropriation and the Arts) cũng cho rằng không phải mọi sự vay mượn đều là sự chiếm dụng, hầu hết những người sáng tạo đều “chiếm dụng,” như vay mượn ý tưởng, motifs từ những người sáng tạo khác. Với thời trang, hoàn toàn có thể hiểu theo cách tương tự.
Khủng hoảng văn hóa: “Chiếm dụng” và “Tôn vinh” trong thời trang
Vì đâu mà chiếm đoạt văn hóa trở thành sự khủng hoảng văn hóa (Culture Crisis)?
Chiếm dụng văn hóa (Cultural appropriation) hiểu đơn giản là việc sử dụng hoặc vay mượn những yếu tố phong tục của một nền văn hoá khác theo cách không phù hợp. Sự không phù hợp khi sử dụng yếu tố từ nền văn hóa khác chỉ diễn ra khi nhà thiết kế hay thương hiệu sử dụng chúng như:
- Không có thẩm quyền hay nhận được sự cho phép từ người hoặc cộng đồng thuộc văn hóa đó.
- Gây phản cảm hoặc làm lệch đi ý nghĩa ban đầu của yếu tố từ nguồn văn hóa mà họ đã lấy cảm hứng.
Chỉ cần vấp phải một trong các yếu tố trên, lấy nguồn cảm hứng từ văn hóa khác sẽ trở thành chiếm dụng văn hóa. Ở một khía cạnh khác, nhiều bạn trẻ mặc những trang phục của “xu hướng A” hay “phong trào B”… vốn thuộc một nền văn hóa khác nhưng lại không tìm hiểu kỹ nó và mang đến những kiến thức sai lệch để truyền bá và chia sẻ đến cộng đồng mạng. Có thể họ không cố ý, những kiến thức nền tảng về thời trang và văn hóa của họ còn chưa vững chãi, thế thì họ là ai trong cái “văn hóa” họ đang theo đuổi và lan tỏa? Họ đang vô tình tạo nên khủng hoảng văn hóa (Culture Crisis)? Các độc giả sẽ là người kết luận.
Muốn tôn vinh văn hóa – hãy tạo nên sự tích cực
Dù không thể xác định lai lịch thật sự nhưng giới mộ điệu xem đó là tài sản chung của nền thời trang. Riêng những dấu ấn mang bản sắc đặc trưng của các dân tộc, tôn giáo và quốc gia cần phải được tôn trọng – không thể làm lệch ý nghĩa ban đầu của yếu tố ấy.
Còn nhớ khi nữ ca sĩ Kacey Musgraves mặc chiếc áo dài Việt Nam nhưng thiếu quần; cô đã tạo nên làn sóng phản đối vì sự phản cảm và chiếm đoạt văn hóa, khiến hình ảnh chiếc áo dài vốn được sinh ra để tôn vinh người phụ Việt trở thành một vật phẩm bị “tình dục hóa”. Hay với trường hợp của Biti’s khi sử dụng gấm chất lượng bình dân của Trung Quốc trên bộ sưu tập Bloomin Central vốn được thương hiệu quảng bá là “tôn vinh các dân tộc thiểu số miền Trung”. Hoặc gần đây nhất chính là vụ việc Phạm Thoại trang điểm theo kiểu blackface. Được biết, kiểu trang điểm này là một sự chiếm đoạt văn hóa mang ý nghĩa tiêu cực với người da màu. Đây đều là những trường hợp sử dụng yếu tố từ văn hóa khác nhưng gây sai lệch khỏi ý nghĩa ban đầu của chúng.
Đồng thời, chiếm đoạt văn hóa không trở thành sự “khủng hoảng văn hóa”, không còn là vấn đề khi các nhà thiết kế hay thương hiệu chia sẻ rõ ràng về nguồn cảm hứng thuộc nền văn hóa mà họ đưa vào các thiết kế hoặc có sự cho phép từ cộng đồng văn hóa. Vì như vậy, đất nước hay cộng đồng sở hữu nền văn hóa mới có thể cảm nhận được sự trân trọng và tôn vinh từ người làm thời trang dành cho họ.
Khi Martin Margiela tạo nên những đôi Tabi Boots được xem như sản phẩm “iconic” của nhà mốt Martin Maison Margiela; ông không ngần ngại chia sẻ ông lấy nguồn cảm hứng từ những đôi giày Jika-Tabi của văn hóa Nhật Bản. Hay khi Dior trình làng bộ sưu tập Cruise đầu tiên tại Morocco, BST thể hiện sự tôn trọng và tôn vinh văn hóa bản địa khi tái hiện không gian sân khấu phù hợp, đưa những người mẫu bản địa lên sàn diễn.
Founder của BARO, La Quốc Bảo khi tạo nên đôi Converse x BARO lấy cảm hứng di sản thổ cẩm Ê-đê. Anh chàng đã tìm đến sự trợ giúp từ cô H’Ler Eban (chủ xưởng may trang phục truyền thống Ami Sia) và Tiến sĩ Lương Thanh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk) tại Buôn Mê Thuột. Điều đó không chỉ sự thể hiện sự tôn vinh của anh dành cho văn hóa Ê-đê; hơn cả thế, nó còn được sự cho phép từ người thuộc cộng đồng văn hóa này.
Giao thoa văn hóa: Cởi mở để sáng tạo theo cách thật tinh tế
Bước vào thời đại 4.0, việc các nền văn hóa giao thoa nhau là điều tất yếu và cần phải có phát triển; có thể nói, đây là xu hướng tất yếu để toàn cầu hóa. Khi các nền văn hóa sát gần nhau hơn, sự giao thoa sẽ diễn ra, tạo tiền đề cho những cái mới hình thành. Thời trang cũng vậy, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thật không khó để tìm hiểu về văn hóa khác qua Internet hay các chuyến đi xa. Mỗi nền văn hóa sẽ có mỗi nét đặc trưng cùng nét đẹp riêng; con người được quyền thừa hưởng, sử dụng và phổ biến những điều tốt đẹp ấy.
Nếu bị ám ảnh về nỗi sợ chiếm dụng văn hóa, những nhà mốt sẽ ngần ngại không dám tiếp xúc và sử dụng văn hóa của cộng đồng khác. Họ sẽ tự “giam mình” trong cộng đồng của bản thân mà không thể tìm chất liệu sáng tác mới, dấn thân hay mạnh dạn khai thác từ cộng đồng văn hóa khác. Vì nếu như vậy, sự sáng tạo sẽ bị kiềm hãm, làm giảm đi tiềm năng về sự đa dạng văn hóa và sáng tạo nghệ thuật/thời trang.
Sẽ thật kỳ lạ nếu chúng ta luôn khuyến khích việc sáng tạo ra mới nhưng lại “vô cớ” cho rằng một thiết kế bất kỳ là chiếm dụng văn hóa khi nó chẳng mang cho mình yếu tố phản cảm nào. Điển hình chính là vụ việc cộng đồng mạng Trung Quốc “vô cớ” cho rằng Dior đã chiếm đoạt váy Mã Diện thuộc truyền thống của họ. Sự khắc khe một cách thái quá ấy cũng diễn ra ở vụ việc nhiều người cho rằng Jennie BLACKPINK đã “chiếm đoạt văn hóa” kiểu tóc Dreadlock của da màu trong tựa phim The Idol. Trong khi đó, Jennie để kiểu tóc ấy vì cô ấy thấy thích – không hề có ý định xấu xa nào.
Đồng thời, cần tách bạch giữa sự vụ lợi, sự khai thác quá mức và thiếu trách nhiệm với những sự cố gắng, nỗ lực thúc đẩy đa dạng văn hóa trong cộng đồng. Riêng đối với những chủ thể liên quan đến tôn giáo hay tín ngưỡng, tâm linh – vốn dĩ hết sức nhạy cảm, cần thực sự thận trọng khi tham khảo, tránh đặt chúng vào những bối cảnh kém phù hợp. Suy cho cùng, văn hóa là để tôn vinh, không phải để xâm phạm. Và chiếm đoạt văn hóa là điều tích cực hay tiêu phần nhiều vẫn nằm ở góc nhìn của mỗi cá nhân – sự cởi mở là điều cần thiết nếu việc vay mượn văn hóa không mang đến sự phản cảm.