Lộng lẫy, yêu kiều, hào nhoáng là thế, nhưng ít ai biết được đằng sau những bộ cánh xa xỉ nhất của những thương hiệu xa xỉ chính là mồ hôi và nước mắt của những nhà thiết kế tài hoa.
Trước thềm Tuần lễ Thời trang Haute Couture 2022 sẽ diễn ra vào tháng 7, thuật ngữ này được giới mộ điệu nhắc lại như một chủ đề bàn tán về những quy chuẩn và sự nghiêm khắc của các bộ Haute Couture được ăn vận.
Cắt nghĩa: “Haute Couture” là gì?
Tạp chí nổi tiếng Vogue từng mô tả Haute Couture là “những tác phẩm nghệ thuật”. Sở dĩ thuật ngữ này được ví von như thế vì mỗi thiết kế Haute Couture là độc nhất vô nhị. Nó sẽ được làm riêng theo số đo của từng khách hàng và hoàn toàn được dựa theo phong cách, trường phái và kích thước mà khách hàng yêu cầu. Sau khi nhà mốt nhận đơn đặt hàng, họ sẽ có bước kiểm tra và cân nhắc có nên chấp thuận nhận đặt hàng hay không dựa trên địa vị và quan hệ với khách hàng. Nếu được chấp nhận, khách hàng là sẽ là người đến trực tiếp các nhà mốt tại Paris để được thử đồ và may đo.
Mặc dù Haute Couture được biết đến là những thiết kế thời trang có chất lượng và giá cả cao nhất. Tuy nhiên, để một tác phẩm thực sự được coi là “Couture” thì nó cần đạt được những tiêu chuẩn nhất định. Những thiết kế Haute Couture được thiết kế độc quyền cho vài hoặc chỉ cho một khách hàng duy nhất. Bất kể một sản phẩm độc quyền đến mức nào, nó không phải là Haute Couture nếu không được chấp thuận bởi Chambre Syndicale (Nghiệp đoàn may đo).
Một thương hiệu thời trang cần phải đạt được một số điều kiện nhất định để được công nhận là Haute Couture: họ phải có xưởng may đo riêng (atelier) ở Paris với ít nhất 15 nhân viên làm việc toàn thời gian và thương hiệu phải thiết kế theo đơn đặt hàng riêng của khách hàng với ít nhất một mẫu thử. Những điều kiện này nhằm để đảm bảo các thiết kế Haute Couture sẽ được đến tay khách hàng là các sản phẩm hoàn toàn hoàn hảo. Với những điều kiện khó khăn như thế, không khó để hiểu rằng hiện nay chỉ có trên dưới 20 thương hiệu thời trang nổi tiếng được chọn là Haute Couture ở Pháp, trong đó có Chanel và Dior.
Phức tạp, tỉ mỉ hoá … rườm rà
Để hoàn thành một bộ trang phục Haute Couture, người thiết kế cũng như thợ may phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Bởi vì, các công đoạn để làm nên thành phẩm đều bắt buộc phải hoàn toàn thủ công. Thiết kế Haute Couture được làm nên bởi những chất liệu cao cấp từ những chi tiết nhỏ nhất như vải lụa cao cấp, vải cashmere hiếm, chất liệu da thì cũng phải tốt nhất, lông thú, hạt đính kèm cũng phải từ nhà cung cấp nổi tiếng Swarovski. Chất liệu xịn xò là thế, công làm nên những bộ trang phục càng nhọc nhằn hơn khi yêu cầu gần chục nghệ nhân, nhà thiết kế, thợ may để gia công xuyên suốt vài trăm giờ đồng hồ. Vì vậy, hầu hết các nhà mốt đều chọn lựa những người mẫu trình diễn thiết kế đó trước khi bắt tay làm nên sản phẩm thật.
Khi thời đại phát triển và người ta đang hướng đến những mặt hàng thời trang “mì ăn liền”, thì Haute Couture như một sự phung phí và phô trương không đáng có khi đòi hỏi quá nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để làm nên một sản phẩm độc nhất. Và đôi khi, với sự phức tạp trong những chi tiết của sản phẩm may đo cao cấp mà làm nó mất đi tính ứng dụng của thời trang, mất đi sự cách tân hiện đại mà bám víu quá khứ hoàn kim của ngành công nghiệp thời trang.
Có những nhà thiết kế xắn tay làm ra bộ trang phục Haute Couture chỉ để trình diễn trên sàn diễn thời trang, là sự thể hiện tài năng và khẳng định sức sáng tạo không giới hạn của nhà thiết kế đó. Nó được tạo nên với mục đích phi thương mại và là dấu ấn cá nhân của nhà thiết kế nói riêng và danh tiếng của nhà mốt nói chung. Vì vậy, không hề khó hiểu khi thuật ngữ này vẫn là một cột mốc mà bất kỳ những nhà thiết kế thời trang nào cũng muốn chinh phục, là một sân chơi để giới mộ điệu tán dương về sức sáng tạo và tài năng của những ai làm ra nó.