Hình ảnh Bác Hồ đối với chúng ta luôn xuất hiện với bộ khaki trắng, đôi dép cao su… Hồ Chủ Tịch là người lĩnh hội tinh hoa văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, gu ăn mặc của Bác có phần giản dị, nhưng lại rất tinh tế.
Bộ Kaki trắng, bộ quần áo nâu, đôi dép cao su là những tư trang gắn liền với Bác. Người có lối sống mộc mạc thể hiện qua thói quen sinh hoạt lẫn phong cách ăn mặc. Trong các dịp lễ trang trọng, Bác vẫn chọn trang phục đơn giản, nhưng vẫn toát lên vẻ nghiêm trang của một vị chính khách đáng kính trên chính trường quốc tế.
Trang phục Bác thường chọn trong các dịp lễ quan trọng
Bác Hồ thường xuất hiện với bộ Kaki trắng khi tham gia vào các sự kiện trang trọng như đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, hội họp, gặp gỡ chính khách quốc tế… Bộ đồ Bác sử dụng khác biệt hoàn toàn với trang phục thường thấy của các vị lãnh tụ quốc tế.
Theo báo Lao Động Thủ Đô, quần áo của Người do ông Phú Thịnh, chủ hiệu may nổi tiếng ở phố Hàng Quạt thực hiện. Loại vải được bà Hoàng Thị Minh Hồ – vợ của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, lựa chọn loại vải có nguồn gốc từ Anh Quốc. Nhiều nguồn tin cho rằng, đây là vải Dormeuil, loại vải sang và tốt nhất dành cho những người đứng đầu chính phủ lâm thời, du nhập vào Việt Nam với tên gọi “vải đoọc – mơi”. Điều này giải thích vì sao bộ quần áo Kaki trắng của Bác lại có độ bền cao như vậy.
Về thiết kế áo, chiếc áo Kaki của Bác là loại bốn túi, mặc kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo thoải mái, đi giày đi dép đều hợp. Ý tưởng do ông Vũ Đình Huỳnh – nguyên thư ký lễ tân – đưa ra, dựa trên yêu cầu cổ áo tươm tất giản dị, không phải cà vạt cổ cồn của Bác. Ban đầu, ông Huỳnh đề xuất mẫu áo giống như các lãnh tụ Liên Xô (có thể là I.V Stalin), Bác phản hồi: “Nhưng mình có phải người Nga đâu”. Cuối cùng, ông Vũ Đình Huỳnh cùng ông Phú Thịnh đã bàn bạc với nhau để may cho Bác bộ đồ kaki huyền thoại.
Tuy nhiên, quần áo của Bác không phải tất cả đều sử dụng vải có nguồn gốc từ các nước tư bản. Giai đoạn về sau, nhiều bộ đồ của Người do Xí Nghiệp May 10 dùng từ vải Trung Quốc. Trong đó có bộ đồ Bác Hồ mặc khi yên nghỉ.
Những đôi giày của Người
Tại hội nghị Fontainebleau (1946), Bác mang đôi giày lễ màu đen. Được biết, giới chính khách, các nhà tư sản Việt Nam vào những năm đầu thế kỉ 20 rất chuộng 2 mẫu giày de canard (thường gọi là giày mỏ vịt) và deux couleurs (giày Đơ Cu-lơ). Tuyệt nhiên, Người không chọn những mẫu giày kiểu cách như thế.
Đôi dép cao su làm từ lốp máy bay cũng là một trong những vật tư trang gắn liền với hình ảnh của Bác. Độ bền cao, dễ sử dụng, dễ sửa chữa, dễ chế tạo và không bị hăm chân, là những đặc điểm của đôi dép Người hay mang. Ngoài ra, Người còn có gout ăn mặc ảnh hưởng xuyên thời gian, cụ thể là “công thức” quần ngắn phối cùng blazer, đi cùng dép dây chéo sáng màu. Phong cách này đã ảnh hưởng ít nhiều đến các bạn trẻ theo đuổi thời trang vintage, thanh lịch.
Mắt kính và đồng hồ của Bác
Hiện nay, vẫn chưa có thông tin cụ thể về nguồn gốc của chiếc kính Người thường đeo. Xuyên suốt lịch sử, chưa có tài liệu nào ghi nhận về mẫu mã tương tự ở thời bấy giờ tại các nước Xã Hội Chủ Nghĩa. Vậy, chiếc kính có xuất xứ từ các nước tư bản? Tuy nhiên, đây vẫn là câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Đồng hồ của Bác thường dùng là do tổ chức Cứu Tế Đỏ trao tặng. Đồng hồ thuộc loại quả quýt, bỏ túi,… Thuộc thương hiệu Longiness, một thương hiệu lâu đời của Thụy Sĩ. Tuy nhiên, một số nguồn tin khác cho rằng, Bác Hồ còn sử dụng một chiếc đồng hồ khác, do một người bạn người Indonesia tặng khi Bác ở Paris.
Mỗi món tư trang của Bác đều gắn liền với nhiều mẩu chuyện khác nhau, nhưng đều xoay quanh về lối sống tiết kiệm, giản dị hay tinh thần đoàn kết tập thể. Ngoài ra, tấm lòng bao la, bác ái của Bác Hồ thường gắn với hình ảnh mộc mạc, bình dị, gần gũi với nhân dân. Mặt khác, những món đồ “đắt tiền” của Người đa phần là được tặng từ các tổ chức quốc tế, quốc gia láng giềng,… Bác chỉ sử dụng chúng như thể hiện sự khéo léo trong ngoại giao, tinh thần quốc tế trong sáng. Phong cách sống tiết kiệm, giản dị của Bác luôn là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ đời sau noi theo.