Hãy hiểu rằng thương hiệu Dolce&Gabbana không liên quan quá nhiều đến “Phong cách Đôn-chề” và càng không thể gọi kiểu phối outfit theo hướng Streetstyle bằng cái tên “Phong cách Dolce”.
Dạo gần đây, cụm từ khoá Phong cách Dolce nổi lên trên TikTok, khiến người xem phải cảm thấy bâng khuâng và hoang mang với vô số câu hỏi. Ơ kìa, các dân chơi “Đôn-chề” ngày nào còn mang giày sục, áo thun ôm, quần ống rộng với đầu moi mà giờ đây đã “update” phong cách rồi à? Hay, tại sao người ta lại gọi các bộ outfit theo hướng Streetstyle với cái tên Phong cách Dolce? Và thương hiệu Dolce&Gabbana của xứ Ý có liên quan gì đến Phong cách Dolce không?
Bạn cũng đang thấy hoang mang à? Vậy hãy tìm lời giải qua bài viết này của Street Vibe nhé!
Dolce&Gabbana thật sự là gì?
Cho những ai chưa biết, Dolce&Gabbana là một thương hiệu xa xỉ đến từ nước Ý được thành lập bởi bộ đôi NTK Domenico Dolce và Stefano Gabbana. Bỏ qua các giai đoạn phát triển và lịch, bài viết nói ngắn gọn về vibe của thương hiệu này.
Khác với lầm tưởng về những bộ outfit gồm “áo thun ôm + quần rộng + giày” của các Dân chơi Đôn-chề, thương hiệu D&G rất hiếm khi trình làng các looks theo công thức như vậy. Kể từ khi thành lập vào năm 1985, bộ đôi Domenico và Stefano luôn không ngừng thay đổi phong cách thiết kế qua các BST.
Có lúc, D&G mang cảm hứng từ quân đội vào BST SS03, đôi khi lại nét tinh tế từ các hoạ tiết Baroque của Fall 2012; cho đến sự nổi loạn tuổi thiếu niên của BST AW22. Luôn luôn thay đổi như thế nhưng điểm chung hay vibe chính ở tất cả BST của thương hiệu xứ Ý là gì? Đó chính là sự sang trọng và lịch lãm, mang đến cho người mặc một cảm giác vương giả và giàu sang. Bởi vì phân khúc khách hàng chính của D&G là giới thượng lưu và nhà giàu.
“Dolce” kiểu dân chơi
Như đã nói ở trên, thương hiệu Dolce&Gabbana không liên quan quá nhiều các Dân chơi Đôn chề. Trong khi thương hiệu D&G hướng đến hình ảnh thanh lịch và sang trọng thì với Dân chơi Đôn-chề, càng trông “chơi bời” và “hầm hố” càng tốt.
Quay về thời 9x đến sau 2000, việc sở hữu một chiếc quần ống xuông cộp mác D&G đã là một tự hào của các dân chơi xứ Hà Thành. Chẳng biết vì sao, những chiếc quần ống xuông ấy rất được lòng và hợp mắt những dân tổ, dân bay hay “dân anh chị” nơi đây. Họ phối quần chung với những áo small size ôm sát cơ thể in hình logo các thương hiệu như Gucci, LV, D&G… Tại sao lại là áo small size? Bởi vì chỉ những chiếc áo cỡ nhỏ mới có thể ôm sát để khoe cơ bắp cùng các hình xăm rồng phụng; chứng tỏ thêm “độ ngầu” của người mặc.
Cũng từ đó, cái tên “Dân chơi Đôn-chề” hay “Phong cách Đôn-chề” ra đời và truyền từ thế hệ đi trước đến thế hệ trẻ hơn. Những lứa sau cảm thấy cảm thấy các “dân anh chị” đời trước cũng ngầu và ngạo nghễ quá nên đua nhau học theo. Không chỉ vậy, các dân chơi Đôn-chề thế hệ mới còn “update” vào tủ đồ thêm các item từ Marcelo Burlon, DS2, Phillipp Plein, Neil Barret…
Đừng gọi Streetstyle là Phong cách Dolce!
Trong thời gian gần đây, chỉ với cụm từ khoá “Phong cách Dolce” trên TikTok, ta có thể bắt gặp vô số video theo trào lưu này nhưng lạ thay… Thứ phong cách mà các bạn trẻ gọi là “Phong cách Dolce” này, chẳng có gì liên quan đến D&G thật sự hay “Đôn-chề kiểu dân tổ”.
Họ phối một chiếc áo thun từ Local Brand với quần đùi đùi kèm giày sneaker nhưng lại gọi đó là Phong cách Dolce. Họ mặc quần skinny jean, giày boots và một chiếc áo khoác Teddy hàng fake; họ vẫn gọi đó là Phong cách Dolce. Có thể nói, họ quy chụp tất cả mọi phong cách thuộc Streetstyle đều là Phong cách Dolce.
Nguyên nhân khiến người ta quy chụp như vậy phần nào đến từ việc họ chưa tích luỹ đủ nhiều kiến thức để gọi đúng tên style mà họ mặc. Từ đó, họ cứ gọi nghiễm nhiên gọi phong cách họ đang theo đuổi là Phong cách Dolce. Hoặc lý do đến từ việc cố tình làm sai để video được lên viral. Những video truyền đạt sai như thế có thể gây ảnh hưởng đến những người vừa tìm về thời trang. Sau khi xem xong những video ấy, họ có thể vô tình hiểu sai về các phong cách và dẫn đến những hệ luỵ trầm trọng.