Làn sóng Covid-19 thứ tư từ cuối tháng 4 cho đến nay đã gây rất nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, trong đó có gã khổng lồ thể thao Nike.
Theo manufacturingmap.nikeinc.com, trang bản đồ sản xuất của Nike trên toàn thế giới, nước ta đang có 101 nhà máy hoàn thiện sản phẩm (finished goods production), 37 nhà máy cung cấp nguyên liệu (materials production) chiếm tổng cộng 22% trong số 458 nhà máy đang hoạt động, gồm 483.964 nhân công, chiếm 41% tổng nhân công toàn thế giới.
Lực lượng lao động dồi dào này hiện nay liên tục cung cấp cho họ 74 dòng sản phẩm may mặc (apparels), 10 dòng trang thiết bị thể thao (equipment) và 54 dòng giày khác nhau (footwear), đặc biệt giày có thể kể đến những thiết kế iconic như Air Force 1, Jordan 1, Air Max 90, SB Dunk và Converse, đều được làm chủ yếu tại Việt Nam.
Nhiều nhà máy lớn tại phía Nam đều đã ngưng toàn hộ hoạt động sản xuất từ tháng 6 năm nay, có thể kể đến như Changshin Việt Nam, một nhà sản xuất giày của Hàn Quốc, đã phải đóng cửa ba nhà máy gần Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Pou Chen Corp của Đài Loan cũng phải đóng cửa khiến ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất.
Chúng ta đều biết hầu hết các sản phẩm của Nike sản xuất bên ngoài Hoa Kỳ. Theo báo cáo tài chính năm 2020, 50% tổng sản lượng giày của Nike được sản xuất tại Việt Nam, nhưng không nêu rõ sản lượng đến từ Changshin hay Pou Chen. Và dù là từ nhà máy sản xuất nào đi nữa thì cả hai đều nằm ở khu vực phía Nam, nơi đang bị ảnh hưởng tài chính nặng nề và kéo dài của việc ngừng sản xuất.
Nhà phân tích Shaun Rein của Nhóm Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc cho biết: “Việc đóng cửa các nhà máy trong một hoặc hai tuần đối với Nike sẽ gây ra một vấn đề lớn cho chuỗi cung ứng của hãng”. Trong khi đây đã là tháng thứ tư liên tiếp họ phải dừng hoạt động và đợt ảnh hưởng gần nhất trước đó chỉ cách có vài tháng.
Tình hình tồi tệ đến mức, đã có hơn 90 CEOs của các thương hiệu Hoa Kỳ như Adidas, Coach, Gap, Hanebrands, Nike, VF và Under Amour đã đề xuất Tổng thống Hoa Kỳ tặng thêm vắc xin Covid-19 cho Việt Nam nhằm giúp các đối tác Việt Nam duy trì chuỗi cung ứng.
Nhìn rộng ra hơn, Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc và giày dép lớn thứ hai của Hoa Kỳ, đó là lý do tại sao các thương hiệu khác cũng phải đồng loạt lên tiếng để bảo vệ hoạt động kinh doanh. Người ta ước tính rằng khoảng ba triệu lao động Hoa Kỳ có liên quan đến hoạt động của các ngành nói trên. Vì vậy có thể nói Covid-19 tại Việt Nam cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người dân Hoa Kỳ.
Theo một phân tích mới từ Panjiva, đơn vị nghiên cứu chuỗi cung ứng của S&P Global Market Intelligence, Nike có thể sẽ đứt gãy nguồn cung cấp giày thể thao bởi Việt Nam phụ trách sản xuất , bởi vì sự ngưng hoạt động của ba nhà máy lớn tại Việt Nam.
Một lần nữa phải khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Nike. Dữ liệu của Panjiva cho thấy các sản phẩm sản xuất trong nước ta chiếm 49,0% lượng hàng hóa nhập khẩu bằng đường biển Hoa Kỳ của Nike trong quý 2 năm 2021. Đặc biệt nhập khẩu giày dép Nike từ Việt Nam chiếm 82,0% lô hàng trong 12 tháng tính đến ngày 30 tháng 6, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bởi việc giãn cách xã hội quá lâu, nhiều nhà bán lẻ đã xem xét lại việc tiếp tục đầu tư và sản xuất tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ mất cơ hội trở thành nhà sản xuất lớn nhất trên thế giới.
Mùa lễ cuối năm đã đến gần và Nike chắc chắn sẽ không đạt đủ sản lượng cung ứng mà họ cần. Vấn đề lớn này đặt ra cách giải quyết rằng Nike nói riêng và các công ty khác nói chung sẽ phải rời chuỗi nhà máy sản xuất khỏi thị trường Việt Nam.
Nhiều bất cập trong sản xuất xảy đến đã làm hạ thấp chỉ số cổ phiếu của Nike tại sàn chứng khoán Mỹ. Nhiều chuyên gia cũng dự đoán những vấn đề nan giải trong chuỗi cung ứng hiệ nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp mạnh mẽ báo cáo tài chính quý tài chính tiếp theo của Nike, chắc chắn sẽ tiếp tục giảm xuống sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa vào thứ Năm tới.
Một số công ty đã chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc về Việt Nam trong vài năm qua – nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ và tránh thuế từ Trung Quốc sang Mỹ – đã chấp nhận đánh đổi khi nói rằng họ đang đưa sản xuất trở lại Trung Quốc, không loại trừ một số đơn hàng của Nike trong đó có mảng giày dép, cũng là lí do vì sao lượng giày dép xuất khẩu của Nike tại Việt Nam trong năm 2021 tăng 28,8%.
Trong buổi thuyết trình với các nhà đầu tư vào tuần trước, Giám đốc điều hành của Designer Brands, ông Roger Rawlins, cho biết ông đã nói chuyện với một Giám đốc điều hành khác trong ngành, họ chia sẻ ông rằng do sự chậm lại ở Việt Nam, sáu năm gầy dựng chuỗi cung ứng đã bị phá sản chỉ trong sáu ngày. Rawlins nói: “Thật hổ thẹn khi bạn nghĩ về nỗ lực mà mọi người đã bỏ ra để thoát khỏi sự kiểm soát và thống trị của Trung Quốc, và bây giờ một trong những nơi duy nhất bạn có thể nhận được hàng lại là Trung Quốc. “
Theo phân tích của BTIG, các công ty bán lẻ có sự tiếp xúc nhiều nhất với Việt Nam bao gồm Ugg và Hoka, Michael Kors, Nike, Coach, Under Armour và Lululemon.
Các nhà máy ở Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc đưa công nhân trở lại sau khi chính quyền dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid. Các thương hiệu sản xuất đang phải mất ít nhất 12 tuần tồn đọng hàng tại nước ta. Nhiều chuyên gia dự đoán có thể mất 5 đến 6 tháng để các nhà máy hoạt động trở lại bình thường sau nhiều tháng ngừng hoạt động. Điều này bao gồm sự chậm trễ trong việc nhận nguyên liệu từ 4 đến 5 tuần và thêm 8 tuần nữa để một nhà máy xử lý việc sản xuất tồn đọng hàng trước đó.
Theo ước tính của BTIG, Nike đã sản xuất khoảng 350 triệu đôi giày thể thao tại Việt Nam vào năm ngoái. Công ty nghiên cứu dự đoán có khoảng 160 triệu đôi có thể không được sản xuất trong năm nay vì ngừng hoạt động. Hệ quả trước mắt mà chúng ta dễ dàng thấy là mẫu Air Force 1 tại trang chủ của Nike đã gần hết, điều chưa từng xảy ra trong tiền lệ.