Thời trang & âm nhạc: Mối “giao duyên” lãng mạn trong nghệ thuật nghe nhìn!

0

Mối liên kết giữa thời trang và âm nhạc đã được minh chứng qua những “trang sử” hơn một thế kỷ qua. Cả hai hòa quyện vào nhau tạo nên quan hệ cộng sinh để trở thành những giá trị vượt thời gian.

Âm nhạc – đã và đang trở thành một phần quan trọng của thời trang khi tạo nền cho tất cả các buổi trình diễn và đóng vai trò “cầu nối” trong việc giới thiệu các xu hướng thời trang tới công chúng. Mặt khác, thời trang mang tới hình ảnh đẹp cho nghệ sĩ, góp phần vào thành công của các buổi diễn âm nhạc. Có lẽ không ai có thể hình dung được một thế giới thiếu vắng những thanh âm “detox” cho tâm hồn, hay vẻ đẹp hào nhoáng của những tuần lễ thời trang náo nhiệt sẽ khiến cuộc sống chúng ta buồn tẻ như thế nào.

Sự giao thoa giữa âm nhạc và thời trang

Thập niên 1920: những nàng Flapper điệu đà

So với giai điệu vui tươi và hồn nhiên của ngày nay, nhạc jazz trong những năm đầu vô cùng tai tiếng, bởi đây là thể loại nhạc chỉ được chơi ở các hộp đêm hoặc các quán bar hoạt động bí mật (speakeasy bar). Nhạc jazz mang âm hưởng đậm tính nữ quyền mạnh mẽ, kéo theo sự thay đổi trong phong cách ăn mặc cũng như phong thái đậm chất “chơi” của phụ nữ thập niên 20.

Họ thoát ly hẳn khỏi những chuẩn mực truyền thống mà xã hội áp đặt lên cho người phụ nữ để tự tin diện những bộ trang phục cắt xẻ táo bạo, ngắn, không nội y để lắc lư theo điệu nhạc.

Ban nhạc của Benny Krueger ở bãi biển Brighton, Brooklyn với một vũ công flapper nhảy múa trên đàn piano
Một người mẫu flapper ở London năm 1922

Thập niên 1950: Teen Pop bùng nổ

Mặc dù thời đại nhạc Jazz có tác động lớn đến thời trang, nhưng đa phần các nhà mốt đều bỏ qua giới trẻ mà chỉ tập trung vào chinh phục gu thẩm mỹ của những người trưởng thành với điều kiện kinh tế cao và ổn định hơn. Mãi cho đến những năm 1950, mọi thứ đã thay đổi khi truyền hình và điện ảnh được ra đời, và tất nhiên âm nhạc cũng trở thành một trong những “món ăn tinh thần” không thể thiếu của công chúng.

Cùng với sự trỗi dậy của các minh tinh màn bạc và các nghệ sĩ Rock’n Roll, chẳng hạn như Elvis Presley, một nhu cầu mới bắt đầu xuất hiện. Giới trẻ khao khát mặc những bộ trang phục giống với thần tượng của họ. Thị trường dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên sôi động đến mức các nhà thiết kế không thể ngoảnh mặc làm ngơ được nữa. Và thế là thời trang dành cho giới trẻ bắt đầu nở rộ.

Huyền thoại âm nhạc Elvis Presley
Cách ăn mặc của nữ giới vào thập niên 1950

Thập niên 1960: tiểu văn hóa Mod ra đời

Thập niên 60 là cột mốc đánh dấu một phiên bản hiện đại hơn của nhạc jazz ra đời ở London (Anh quốc) cũng như phong trào “chủ nghĩa hiện đại” được lan rộng. Tiểu văn hóa thời kỳ này cũng vì thế mà theo phong cách âm nhạc hiện đại hơn như ska, R&B và soul. Tiểu văn hóa Mod – pha trộn giữa tinh thần hoài cổ Beatnik và hiện đại – trở thành một trong những xu hướng có sức ảnh hưởng nhất lịch sử thời trang cao cấp. Cho đến tận ngày nay, cả âm nhạc và thẩm mỹ Mod vẫn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà thiết kế hàng đầu.

Thẩm mỹ Mod vẫn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà thiết kế hàng đầu (Người mẫu theo phong cách Mods trong BST giày của Mary Quant năm 1967)
The Beatles cổ súy cho trào lưu “Mob”.

Thập niên 1960: xu hướng Hippie nổi loạn

Trong khi các thanh thiếu niên London mải mê chạy theo phong trào Mod, giới trẻ Mỹ lại theo đuổi cuộc cách mạng thời trang khác biệt hơn. Trong những năm 60, các thanh niên Hoa Kỳ buộc phải tham gia nhập ngũ để phục vụ cho chiến tranh. Cũng chính vì lẽ đó, các nhạc sĩ bắt đầu sáng tác những ca khúc phản ánh quan điểm chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị và kinh tế truyền thống ở thời kỳ này.

Quần ống leo và áo tua rua là những xu hướng hippies phổ biến

Các “mô tuýp” đặc trưng trong phong cách ăn mặc xoay quanh họa tiết tie-dye (nhuộm màu loang), họa tiết in hoa lá nổi bật, phụ kiện thủ công, đồ đan móc, tua rua và quần jeans ống loe. Tất cả đều là các xu hướng nổi bật nhất thập niên 60 và tiếp tục được “triệu hồi” trong các mùa mốt thời gian gần đây.

Một cộng đồng những người theo phong cách Hippie

Thập niên 1970: thời trang Punk

Cũng tương tự như các tín đồ của Mod, các bạn trẻ đam mê phong cách Punk vô cùng ưa chuộng các thể loại âm nhạc bắt tai, đậm dấu ấn tự do như ska, reggae và soul. Punk nhanh chóng trở thành một phong trào xã hội được lan tỏa rộng khắp giới trẻ những năm 70. Cũng chính bản chất tự do và đề cao cái tôi cá nhân của Punk, giới trẻ bắt đầu diện những bộ trang phục cá tính như áo khoác da, nhuộm tóc màu sáng, đeo khuyên và nhiều phong cách ăn mặc hoặc trang điểm đi ngược lại với quy chuẩn thông thường.

Thập niên 1980: nhạc Goth hình thành

Một trong những điểm nổi bật nhất của Glam Rock là nhạc Goth. Ban đầu, nhạc Goth khởi đầu là Deathrock, tối tăm và u ám như người ta mong đợi. Death rock phát triển thành Synthpop, làn sóng mới và một số thể loại tương tự khác.

Hầu hết những thể loại âm nhạc buồn bã này đều bị ràng buộc với một số thói quen khác, chẳng hạn như mặc đồ đen, mê phim kinh dị, trang điểm xanh xao, son môi đỏ tía đậm và chỉ tận hưởng những mặt tối của cuộc sống. Khởi đầu của thời trang Gothic thường bắt chước các yếu tố ma quái hơn với thời trang “giống như phù thủy”, giống như nhiều nhân vật của Tim Burton.

Thập niên 1990: thiếu niên nổi loạn cùng Grunge

Vào thập niên 90, một âm thanh mới đã được sinh ra từ sự u uất của tuổi thiếu niên, được gọi là nhạc Grunge. Những nhạc sĩ trẻ, ban nhạc tự lập theo dòng nhạc này như Kurt Cobain đã nổi loạn chống lại cách sống rất thương mại hóa của họ, và thể hiện sự tức giận của họ đối với thế giới. Họ trút tất cả cảm xúc đó qua âm nhạc… và đã tạo được tiếng vang cho cả một thế hệ thanh thiếu niên.

Thủ lĩnh Nirvana và cũng là vị vua của Grunge, không ai khác chính là Kurt Cobain

Vẻ ngoài thô kệch, không cầu kỳ của những bộ quần áo kiểu cách đó nhanh chóng thu hút những người thích sự hấp dẫn đầy gai góc của dòng nhạc này. Marc Jacobs là người tiên phong áp dụng kiểu dáng này. Ngày nay, phong trào grunge những năm 90 vẫn là một xu hướng thời trang có thể nhận diện được.

Thập niên 1990: văn hóa Hip-Hop khai sinh

Vào cuối năm 80s đến đầu năm 90, Hip-hop bùng nổ và trở thành thể loại nhạc phổ biến nhất. Văn hóa Hip-hop cũng từ đó mà được hình thành ở các con phố tại các đô thị sầm uất như New York, Los Angeles và Detroit – nơi những màn thi thố tài năng rap, breakdance hay xoay bàn đĩa trở thành một phần không thể thiếu trong thời thanh xuân của thiếu niên.

Hip-Hop Mỹ bắt nguồn từ những buổi tiệc ngoài trời tại các khu dân cư của người da đen nhầm gắn kết mọi người, bữa tiệc được gọi là Block Party.

Sức ảnh hưởng của Hip-hop nhanh chóng lan rộng khỏi phạm vi đô thị và được thanh niên Mỹ tích cực đón nhận. Lúc này, giới trẻ bắt chước phong cách ăn mặc của các rapper. Cho đến khi trở thành xu hướng chủ đạo, Hip-hop còn là tên gọi của phong cách thời trang. Các xu hướng Hip-hop phổ biến nhất có thể kể đến quần baggy (phối quần nội y để lộ logo trên đai quần), tracksuit, mũ bucket, màu sắc sặc sỡ và layer nhiều dây chuyền vàng.

Thập niên 2010: giai điệu EDM đầy sôi động

Trong suốt thập niên 90, thế giới nhạc điện tử ngầm “manh nha” bùng nổ. Cho đến những năm 2010, sự lên ngôi của những giai điệu bắt tai, sôi động, phù hợp cho những buổi tiệc nhảy rộn ràng của EDM là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy thời đại của tiểu văn hóa Rave (quẩy) đã trở lại. Các tín đồ thời trang diện những bộ bikini gợi cảm, trang phục ánh kim lấp lánh, quần UFO và tất lưới để hòa vào giai điệu EDM sôi động.

Năm 2020 trở đi: thời trang phi giới tính và sự trở lại của các xu hướng cũ

Khi chúng ta đã bước vào một thập kỷ mới, những năm 2020, các nghệ sĩ nhạc pop như Dua Lipa, Ariana Grande, Lil Nas và Harry Styles kết hợp âm nhạc với phong cách thời trang phi giới tính.

Harry Styles là một trong những ngôi sao tiên phong phong cách phi giới tính (Gender Fluid).

Đây cũng là giai đoạn mà hàng loạt xu hướng âm nhạc và thời trang xưa được hồi sinh. Trong thập niên mới này, khái niệm “gender-fluid” (giới tính linh hoạt) được đặt lên vị trí trung tâm, nơi mọi quy chuẩn về tính nam và tính nữ đều bị “xô đổ”. Không dừng lại ở đó, đây còn là một trong những tư duy quan trọng góp phần củng cố nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội hiện đại: bất kể giới tính của bạn là gì, hãy sống theo cách mà bạn mong muốn.

Lil Nas X gây chú ý trong giới mộ điệu vì những trang phục nổi bật và cầu kỳ.

“Nghe-Nhìn”: Yếu tố quan trọng của một nghệ sĩ

Trên thế giới, đã có các ca sĩ gây ấn tượng bằng lối ăn mặc táo bạo, ấn tượng, độc đáo và một số người còn được trao danh hiệu “Biểu tượng thời trang của năm”. Họ không chỉ đơn giản là mang đến hình ảnh đẹp cho người nghệ sĩ, mà còn góp phần thúc đẩy dòng chảy của thời trang ngày càng đi sâu vào cuộc sống.

Trước khi là một NTK vĩ đại. Virgil Abloh là một DJ có niềm yêu thích mãnh liệt với thời trang.

Với văn hóa nghe nhìn phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nhiều nghệ sĩ đã thấy rõ tầm quan trọng của trang phục biểu diễn trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Đó là điều kiện tiên quyết để họ có thể quảng bá hình ảnh bản thân và trở nên nổi bật trước hàng trăm nghệ sĩ khác. Có thể khẳng định, thành công của một tiết mục biểu diễn ca nhạc là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó có trang phục biểu diễn.

Tyler the Creator một rapper nổi tiếng trong âm nhạc lẫn gu thời trang “quý ông”

Với Tân Nhàn (ca sĩ dòng nhạc dân gian Việt Nam) phải phục vụ khán giả cả thính giác lẫn thị giác. “Khán giả giờ đây không chỉ muốn đi nghe hát mà còn muốn đi xem nghệ sĩ biểu diễn. Vì thế, ca sĩ ngoài việc hát hay thì vẻ ngoài xinh đẹp, lộng lẫy cũng rất quan trọng, bởi khán giả sẽ để ý từ khuôn mặt, thần thái đến trang phục biểu diễn của ca sĩ… Những cái đó sẽ kích thích mọi giác quan của công chúng” – Tân Nhàn chia sẻ.

Tân Nhàn là giảng viên thanh nhạc, ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc dân gian Việt Nam.

Còn với âm nhạc quốc tế, “Raf Simons, Rick Owens usually what I’m dressed in” lại là lời khẳng định của ASAP Rocky trong bài PESO như một lời tuyên bố về sự chuyển mình trong phong cách thời trang của The Most Beautiful Man, rằng anh sẽ là người xóa nhòa ranh giới giữa hip-hop đường phố và high-fashion. Vậy mới thấy, thời trang là một yếu tố quan trọng với tất cả nghệ sĩ từ xưa đến nay.

Không chỉ là những chương trình nghệ thuật trên sân khấu, sự hòa quyện giữa âm nhạc và thời trang được thể hiện rõ thông qua sự kết hợp nhuần nhuyễn làm nên thành công của các MV thời gian gần đây. Bởi thế, cụm từ “nghe nhạc” đã sớm được thay thế bằng “xem nhạc” khi hàng loạt sản phẩm của nghệ sĩ Việt được đầu tư hoành tráng về bối cảnh cũng như tạo hình nhân vật; phục trang của ca sĩ chỉn chu và ấn tượng.

Một dấu hiệu đáng mừng hơn khi các nghệ sĩ Gen Z tại Việt Nam như tlinh, MCK, Wxrdie, Wrens Evan, HIEUTHUHAI, Grey D… lại là những lớp thế hệ tài năng với gu âm nhạc cực kỳ bắt tai. Ngoài ra, phong cách thời trang của các nghệ sĩ trẻ cũng bắt mắt, độc đáo và luôn cập nhật xu hướng runway thế giới. Họ ngày càng chiếm lĩnh trái tim của khán giả Việt và sẽ vươn xa đến thị trường âm nhạc quốc tế.

Lời kết

Thời trang càng phát triển đa dạng, giới nghệ sĩ cũng không ngừng cập nhật các xu hướng để không bị lỗi thời, lạc hậu và gây tác dụng ngược. Đây là cách họ làm mới mình và tôn trọng khán giả. Cái đẹp vẫn luôn là đích nhắm đến của người nghệ sĩ. Đẹp để thăng hoa, để đáp ứng tiêu chí của thời cuộc, để lưu giữ và tạo ấn tượng về hình ảnh cá nhân trong lòng người hâm mộ. Bởi thế, âm nhạc và thời trang khó có thể tách rời và mối liên kết này trong tương lai sẽ ngày càng bền chặt.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here