Thương Hiệu

Supreme ”bán mình” với giá 2,1 tỉ USD cho công ty mẹ của Vans và Timberland

By Nghĩa không phải Hoàng

November 11, 2020

Cánh tay nối dài của gã khổng lồ nước Mỹ

Trong một thương vụ đầy bất ngờ nhưng lại hoàn toàn không bất ngờ, VF Corporation – công ty có trụ sở ở Mỹ chuyên về quần áo và giày dép thể thao và là công ty mẹ của những tượng đài streetwear – Vans, Timberland, Dickies, The North Face… đã mua đứt Supreme với mức giá được đồn đoán khoảng 2,1 tỉ USD (khoảng 48,6 nghìn tỉ VNĐ).

Nói không có gì bất ngờ là bởi vì đều đặn suốt những năm qua, Supreme đã collab rất nhiệt tình cùng các thương hiệu con của VF, và tất cả đều sold out nhanh chóng. Điều này có lẽ đã khiến VF nhìn ra tiềm năng to lớn của nhãn hàng streetwear này. Nguồn tin cho biết VF Corp đã mua lại cổ phần của Carlyle Group LP, công ty đã mua 50% cổ phần của Supreme vào năm 2017 với mức giá $500 triệu USD và định giá thương hiệu này khoảng 1 tỷ USD thời điểm đó. Thương vụ năm 2017 này cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của Supreme, nhưng thôi chúng ta hãy bàn về nó vào một dịp khác.

Liệu Supreme có còn là Supreme sau khi được thâu tóm?

Nhiều người sẽ lo ngại về những cản trở mà VF sẽ mang đến cho Supreme như việc không cho thương hiệu này collab với những thương hiệu khác nằm ngoài vòng tròn do VF sở hữu, tuy nhiên VF cho biết thương vụ này sẽ chỉ mang đến cho Supreme “cơ hội tận dụng chuỗi cung ứng toàn cầu, nền tảng quốc tế, công nghệ số và sự hiểu biết của người tiêu dùng” chứ không giới hạn Supreme trong những bản collab bất thường và đầy ngẫu hứng của thương hiệu này. Nhà sáng lập của Supreme, James Jebbia cũng nhấn mạnh “mối quan hệ hợp tác này vẫn sẽ giữ được nền văn hóa độc đáo và độc lập của Supreme, đồng thời giúp chúng tôi phát triển thêm trên con đường mà chúng tôi đã vạch ra từ năm 1994”.

Để chứng minh cho các nhà đầu tư thấy thương vụ tỉ đô thay đổi cả ngành công nghiệp này là xứng đáng, VF Corp cho rằng Supreme mang đến những cơ hội trị giá khoảng 1 tỷ USD qua thời gian ở cả hai mảng phát triển trên thị trường quốc tế và trải nghiệm trực tiếp của người tiêu dùng, hai trụ cột chính của tầm nhìn tập đoàn vào năm 2024. VF hy vọng trong năm tài chính 2022, Supreme sẽ mang lại 500 triệu USD doanh thu cho tập đoàn này.

Những thách thức và trở ngại trên con đường phát triển của Supreme

Tuy vậy, một số người trong ngành lại có nhìn nghi hoặc về thương vụ này, khi cho rằng “Thị trường thời trang streetwear sống dựa vào sự khan hiếm của sản phẩm, [mà] khan hiếm và mở rộng thị phần là hai khái niệm đối lập nhau”.

Mặc cho nhiều đối thủ nói rằng Supreme đã quá thương mại hóa, và rằng thương hiệu này đã “bán mình”, thì đối với những người tiêu dùng trẻ, Supreme vẫn là một thương hiệu đáng để sở hữu, nhờ vào hai yếu tố: tính biểu tượng địa vị xã hội trong nền văn hóa streetwear, và tính “thanh khoản” cao với mức giá resell luôn ngất ngưởng trong trường hợp muốn resell lại.

Một điều tạo nên sự trung thành thương hiệu của các fan Supreme là vì thương hiệu này đã sớm hiểu ra giá trị của “social influence” – sự ảnh hưởng của những thành viên trong cộng đồng, thay vì những mẩu quảng cáo hào nhoáng hay chi trả đậm cho người nổi tiếng để họ mặc đồ Supreme. Bắt đầu từ cộng đồng trượt ván của mình, lan rộng ra hơn là những hình tượng văn hóa địa phương, hay những người nổi tiếng xuất hiện tại các store vật lý của hãng, Supreme đã thực hiện chiêu thức “social influence” tại tất cả những nơi mà họ có thể tương tác với fan của mình. Tài khoản instagram của Supreme có tới 13,8 triệu người theo dõi, Facebook hay instagram có vô số tài khoản chỉ chuyên khoe những sản phẩm Supreme mà họ sở hữu, một subreddit chuyên dành cho đồ Supreme và những đợt drop… bằng đó thứ là đủ để minh chứng cho một thương hiệu với sự ủng hộ dài lâu của fan, mặc cho sự ra đi của một số bộ phận fan sau những thay đổi trên con đường phát triển thương hiệu.

Bài viết lấy ý tưởng chủ đạo từ Highsnobiety.