Phim

Phim McQueen: Nhà thiết kế kể về những câu chuyện trần tục bằng ngôn ngữ catwalk

By Pham Nguyen

June 14, 2020

Người ta chỉ nhớ đến McQueen là nhà thiết kế với những bộ sưu tập độc đáo và kỳ dị, nhưng cũng chưa từng ai nhận ra, McQueen dành cả đời để theo đuổi thời trang và cũng mất đi vì thời trang.

Nếu bạn là “con chiên” của thời trang và tôn sùng những thiết kế độc nhất, hay đã quá quen thuộc với mẫu sneaker Alexander McQueen thì có lẽ cũng không xa lạ gì với thương hiệu mà nhà thiết kế vĩ đại này gầy dựng nên. Trong những năm tuổi trẻ của mình cho đến lúc từ giã cõi đời, Alexander McQueen như một tượng đài để người ta lắng nghe những câu chuyện trần tục bằng ngôn ngữ của sàn catwalk hay trầm trồ, thán phục trước những bộ sưu tập dị biệt, nổi loạn và điên rồ đến mức làng thời trang gọi ông là “đứa con ngông”.

Sau 10 năm kể từ ngày nhà thiết kế đại tài rời bỏ cuộc đời, giới mộ điệu vẫn không thể ngừng thổn thức mỗi khi ngắm nhìn lại các ý tưởng của ông

Alexander McQueen, hay còn được gọi thân mật là Lee, sinh ngày 17/03/1969, là con út trong một gia đình khốn khó đông con. Ngay từ nhỏ, ông đã sớm bộc lộ niềm đam mê với thời trang của mình và ông yêu thiết kế, vải vóc, lụa là. Trong hồi ức của ông, tuổi thơ là những tháng ngày ở nhà một mình, nguệch ngoạc vẽ những chiếc váy lên khắp các mảng giấy dán tường rách bươm. Tình yêu này càng thêm mãnh liệt khi ông được mẹ tặng cuốn sách về chân dung những con người trong lĩnh vực thiết kế.

Năm 16 tuổi, McQueen liều lĩnh bỏ ngang việc học tại trường phổ thông để phụ việc ở các tiệm may lớn như Anderson & Sheppard, Gieves & Hawkes tại Savile Row – được xem là kinh đô của làng thời trang Anh. Như con thiêu thân tìm thấy ánh sáng, ông vùi mình vào việc học hỏi kỹ năng và trau dồi kinh nghiệm. Cũng từ đó, nhờ có cơ hội được đảm nhiệm phục trang cho nhiều người nổi tiếng như Thái tử Charles, Cựu tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev ông càng phát triển tài năng của mình hơn.

Bước ngoặt cuộc đời tìm đến ông vào năm cuối tại học viện thời trang và nghệ thuật Central Saint Martins College khi ông gặp Isabella Blow – stylist nổi tiếng tại London lúc bấy giờ, bà đã đề nghị mua lại tất cả bộ sưu tập tốt nghiệp của ông với giá cực hời và chính bà cũng là người cố vấn, đỡ đầu cho Alexander McQueen từng bước chập chững ở thế giới thời trang rộng lớn. Cho đến năm 1992, thương hiệu Alexander McQueen chính thức ra đời – đánh dấu cột mốc vô cùng đáng nhớ trong dòng chảy thời trang thế giới.

“Jack the Ripper Stalks his Victims” collection:

McQueen đưa cái “chất” của mình lên sàn diễn ngay từ bộ sưu tập đầu tiên – “Jack the Ripper Stalks his Victims”, được lấy cảm hứng từ một tên giết người hàng loạt nhưng vẫn là bí ẩn của nhân loại; McQueen muốn mang những mặt tối, những “sự thật” trần trụi của cuộc đời lên sàn catwalk thay vì mang hoa, mang thần thánh, mang những thứ tốt đẹp để mọi người nhìn ngắm. Từ lúc đó, giới mộ điệu bắt đầu chiêm ngưỡng thứ gì đó khác lạ sục sôi bên trong làng thời trang và cũng là bên trong McQueen.

“Highland Rape” collection:

Ngay từ cái tên, bộ sưu tập này đã mang chút gì đó nhạy cảm và đúng vậy, McQueen đã lấy hình ảnh những người phụ nữ sau khi bị cưỡng bức để bày tỏ sự ủng hộ của mình đến họ. Highland Rape giống như một phép thử, rằng giới mộ điệu có thể từ bỏ những mặc niệm về một bộ sưu tập phải thật đẹp đẽ với những ý nghĩa bay bổng thì mới được mang lên sàn catwalk, để đến với sự thật trần tục qua những bộ cánh kỳ dị hay không. Và không nằm ngoài dự kiến của McQueen, phong cách này từng một thời làm hao tốn giấy mực của giới phóng viên. Người cho rằng ông quá kệch cỡm, kẻ cho rằng ông quá dị thường.

Những gì McQueen gửi gắm qua bộ sưu tập này là thông điệp dành cho những người phụ nữ đã trải qua quá nhiều biến cố, họ có thể mạnh mẽ bước ra ngoài thế giới mà không cần cố gắng che giấu những tổn thương đằng sau sự tô vẽ. Bên cạnh đó, với một người như McQueen, ông không làm ra bộ sưu tập đậm chất cá nhân của mình và rồi trông chờ người ta phải đón nhận 100%. Sẽ có người thích, sẽ có người chê bai tính dị hợm đó nhưng điều ông mong muốn là mang đến cho khán giả thông điệp ý nghĩa, thực tế và điều ông nhận lại là cảm xúc tròn vẹn, hạnh phúc khi đứa con tinh thần của mình được thể hiện 1 cách hoàn hảo.

“Tôi muốn kéo dài cơ thể ra… Phần cuối cột sống – đó chính là phần khiêu gợi trên cơ thể của bất kỳ ai, đàn ông hay phụ nữ đều vậy.” – Alexander McQueen đã chia sẻ như vậy khi lần đầu giới thiệu phong cách bumster gây nhiều tranh cãi.

“The Search for God Fleece” collection:

Cột mốc lớn nhất trong sự nghiệp của McQueen phải kể đến khi ông chính thức được mời về làm head designer cho Givenchy. Lúc bấy giờ, giới mộ điệu tại Paris có vẻ như không thích sự hợp tác này lắm, với họ McQueen vẫn là cái tên xa lạ và họ tỏ ra e ngại với quyết định của ông lớn Givenchy. Tuy nhiên, sự kết hợp đặc biệt này đã cho ra đời bộ sưu tập haute couture đầu tiên của ông – “The Search for God Fleece” giúp ông tạo được tiếng vang tại đất Pháp xa hoa.

Chỉ cần nghe qua cái tên cũng có thể hình dung được McQueen đã tiết chế cái tôi của mình như thế nào khi đầu quân về Givenchy. Tuy là tiết chế nhưng McQueen không bỏ đi “chất điên” của mình. Bộ sưu tập này vẫn mang nét gì đó độc lạ, huyền bí và kỳ dị của McQueen nhưng vẫn đầy tính nghệ thuật, tính đương thời pha lẫn cổ điển của những chiếc váy, những bộ cánh cộp mác Givenchy. Ông nói, Givenchy mời ông về vì ông là Alexander McQueen, vì họ ấn tượng với các thiết kế không lề lối của ông, không phải để ông trở thành người Givenchy và đánh mất sự cá tính vốn có của mình.

“It’s A Struggle Out There” collection:

Sự nghiệp của McQueen lên nhanh như diều gặp gió và giới mộ điệu Pháp bắt đầu có cái nhìn khác hơn về ông, rằng đây là một gã nổi loạn trong các thiết kế nhưng lúc nào cũng đưa tính nghệ thuật trần trụi vào tác phẩm thay vì lấy cảm hứng từ âm nhạc hay những gì đẹp đẽ nhất. Khi được hỏi vì sao lại đầu quân cho Givenchy trong khi ông đã có thương hiệu mang tên mình, ông nói Givenchy đã trả cho ông một số tiền xứng đáng với những tâm huyết ông dành cho nhà mốt này và đó là yếu tố quyết định để “nuôi sống” thương hiệu Alexander McQueen. Người ta cứ tưởng McQueen thẳng thắn và có phần thực tế đến đáng sợ trong thời trang thôi, ai ngờ bản chất của McQueen là thế – thẳng mà thật, thật đến mức tiêu cực ở những năm cuối đời.

Ông đã tiết chế bản thân ở Givenchy bao nhiêu, thì khi về Alexander McQueen, ông lại tung hoành bấy nhiêu. Trở lại Anh Quốc với rất nhiều ý tưởng táo bạo, McQueen tung ra bst “It’s A Struggle Out There”, để phản ánh thực cảnh xã hội như một lời khẳng định McQueen chưa bao giờ mất chất. 

“Voss” collection:

Những năm sau này McQueen bắt đầu rơi vào khủng hoảng, áp lực và lạc vào vòng luẩn quẩn của sự đau khổ khi nổi tiếng, thành công và được tung hô. Người ta thấy McQueen cười trên sàn diễn hay thể hiện những ý tưởng đẹp đẽ, mới lạ được chau chuốt nhưng người ta không thấy được những ngày McQueen vật vã giữa cơn trầm cảm, nỗi bi ai của chính mình. Tuy nhiên, cuộc đời riêng tư của McQueen dù có như thế nào thì vẫn không ảnh hưởng đến cái chất của ông trên sàn catwalk. Bộ sưu tập “Voss” đã nói lên điều đó, với thông điệp của cái chết, vẻ đẹp sức sống và sự tái sinh; có lẻ McQueen mong muốn được sống lại một lần nữa để chọn một lối đi khác. Có thể chăng?

“Plato’s Atlantis” collection:

“Plato’s Atlantis” là bộ sưu tập mang thông điệp cuối cùng ông gửi đến người hâm mộ trước khi tự kết liễu đời mình. Ban đầu, ý tưởng của McQueen táo báo hơn những gì chúng ta thấy trên sàn diễn. Ông nói mình sẽ chuẩn bị một hộp kính lớn, đến cuối chương trình, ông sẽ bước ra từ dưới mặt đất và dùng súng kết liều đời mình. Tất cả bộ não của ông sẽ được bảo toàn trong hộp kính ấy. Nhưng không, chẳng ai cho McQueen làm điều đó.

Nhìn chung lại, “Plato’s Atlantis” vẫn là bộ sưu tập đẹp nhưng buồn, thể hiện thông điệp rằng nếu con người được quay trở về với đại dương như thuở sơ khai tiền sử thì chẳng phải con người được sinh ra từ đâu thì nên về đúng chỗ đó sao? Có lẽ McQueen muốn gửi gắm nhiều hơn qua “Plato’s Atlantis”, nhưng cuối cùng ông lại chọn bộ sưu tập này làm lời chào từ biệt của mình đến những người yêu thời trang nói chung và những người yêu sự sáng tạo đầy ma mị của McQueen nói riêng. 4 tháng sau khi “Plato’s Atlantis” được công bố, ông đã chọn ra đi bằng cách treo cổ tự vẫn. Một cái kết buồn cho một nhà thiết kế tài năng.

Cũng vào năm này, lần đầu tiên mẫu giày armadillo được ra mắt trong bộ sưu tập và được nàng thơ cuối đời của ông – Lady Gaga – lăng xê và nhanh chóng trở thành cơn sốt trên toàn thế giới. Bên cạnh nữ ca sỹ quái chiêu, McQueen còn được biết đến như người đứng sau thành công của nhiều nữ minh tinh khác như Nicole Kidman, Sarah Jessica Parker, Kate Moss, Aimee Mullins…

McQueen chưa bao giờ giấu diếm xu hướng tính dục của mình, ông công khai hình ảnh mình và bạn trai cũng như bày tỏ đến những người hâm mộ vào năm 2000, khi ông tổ chức hôn lễ không chính thức với nhà làm phim tài liệu 24 tuổi George Forsyth. Chồng cũ của McQueen, từng chia sẻ rằng: “Giới thời trang là nơi lạnh lẽo nhất trên hành tinh này. Chỉ có một vài người trong giới đó ta có thể thật sự xem là bạn.” Chính nhờ tài năng và sự nổi tiếng mà nhà thiết kế đại tài này luôn được vây quanh bởi mọi người ở những buổi tiệc hay trên sân khấu. Thế nhưng, khi ánh hào quang vụt tắt, McQueen lại trở về là Lee, một kẻ vô cùng cô độc.

Alexander McQueen và chồng cũ của mình.

Đằng sau những thiết kế dị biệt là một con người ấm áp. Ông chưa bao giờ muốn mình là bất lợi của những nhân viên, những người chế tác đang làm việc chung dưới mái nhà Alexander McQueen. Ông phải gồng gánh, cố gắng làm ở cả Givenchy lẫn thương hiệu của riêng mình vì không muốn những ai đang tâm huyết cho thương hiệu của ông phải rời đi vì khó khăn. Thậm chí, McQueen dù là người khó tính như thế nào trong công việc, dù ông thức đêm thức hôm để hoàn thành các bộ sưu tập thì ông vẫn biết rằng sự thành công của mình đều có những người khác góp sức. McQueen ấm áp vì đối với nhân viên cũ, ông chưa 1 lần quên họ, chưa một lần trách móc, thậm chí sẵn sàng đón họ quay trở lại mái nhà Alexander McQueen.

Xuyên suốt sự nghiệp của mình, tuy có nhiều nàng thơ khác nhau, nhưng những người phụ nữ thân thiết nhất với ông chỉ vỏn vẹn bao gồm Isabella Blow và mẹ. Họ không phải là người Lee có thể tiệc tùng hội hè, ngược lại là người duy nhất ông có thể trải lòng tâm sự.

Trong những phân cảnh của bộ phim, người ta miêu tả rằng Isabella Blow và McQueen thân nhau đến mức những khi bên cạnh nhau chỉ có Isabella Blow mới dám “tục tĩu” với McQueen và ngược lại. Cũng như không ai hiểu rõ McQueen bằng Isabella Blow và ngược lại. Trong những năm đỉnh cao của sự nghiệp, McQueen và Isabella Blow có những lần cắt đứt liên lạc với nhau vì ông không muốn người ta mãi bàn tán về việc nếu không có Isabella Blow thì không ai biết đến McQueen. Ông biết ơn cô, đó là điều hiển nhiên nhưng chính ông cũng muốn chứng minh tài năng của mình là thật sự.

Mãi đến năm 2007, Isabella Blow lâm bệnh và muốn gặp McQueen trước khi qua đời. Người ta nói giữa 2 người như chưa từng tồn tại bất kỳ sự giận hờn nào. Ánh mắt của McQueen tỉnh rụi không phải vì không có cảm xúc mà vì ông đau lòng đến mức đến mắt cũng ráo hoảnh, vô hồn. Khi Isabella mất, McQueen cũng mất đi chỗ dựa tinh thần. Năm 2008, nhà thiết kế dành tặng riêng Isabella bộ sư tập của mình tại tuần lễ thời trang Paris mang tên La Dame Bleue.

Thành công và sự hào nhoáng càng đến lại càng khiến McQueen rơi vào những áp lực đến bế tắc. McQueen cố gắng làm thế nào để luôn sáng tạo, luôn mới mẻ, luôn dị biệt nhưng cũng phải thật thời thượng, thật xứng đáng với những gì ông nhận lại. Quả đúng như vậy, McQueen đã từng thất nghiệp, từng không có tiền và ông quanh quẩn trong nhà để làm nên những tuyệt tác bằng giấy bọc thực phẩm. Cho đến tận thời điểm này giới mộ điệu vẫn xem đó là tác phẩm đẹp nhất của McQueen và điều đó cũng chứng minh rằng, sự sáng tạo không thể gò ép bằng những quy chuẩn và tiền bạc.

McQueen đã thừa nhận phải dùng đến chất kích thích mới có thể giúp bản thân thư giãn, nhẹ nhõm. Có vẻ như thời trang đối với McQueen cũng như chất kích thích, nó giúp ông hưng phấn, thăng hoa nhưng một khi đã nghiện, nó bào mòn từ thể xác cho đến tinh thần của một con người. McQueen vốn đã luôn nghĩ đến cái chết do bị trầm cảm nặng thường xuyên nhưng ông vẫn yêu thời trang đến mức muốn tự kết liễu mình trên sàn diễn. Nhưng cho đến khi cái chết của mẹ McQueen cũng giống như giọt nước tràn ly, ông cảm thấy cuộc sống này mất hết ý nghĩa và ông chọn cách kết thúc cuộc đời mình. Một cái kết thật buồn cho nhà thiết kế đại tài, sống cả đời vì thời trang và chết đi cũng vì thời trang.

McQueen nói ông thành lập thương hiệu của mình với tất cả những gì thuộc về cá tính, sự nổi loạn của ông. Nếu ông rời bỏ cuộc đời, ông cũng sẽ ngừng hoạt động thương hiệu bởi trên đời chỉ có 1 McQueen, thật khó để thương hiệu tiếp tục phát triển mà mất đi màu sắc cá nhân của chính mình. Thế nhưng ngày ông đi, ông vẫn để lại McQueen cho những người đã cùng ông đồng hành từ lúc thương hiệu là số 0 cho đến khi bành trướng thời trang Anh Quốc ở thời điểm này.

Hỗn loạn và kinh khủng ở tất cả những bộ sưu tập, nhưng khi ngẫm kỹ lại, đó mới chính là phong cách của Alexander McQueen. Người đời có lẽ sẽ không bao giờ hiểu được vì sao một linh hồn đến cuối đời bị ăn mòn đến tột cùng như thế vẫn có thể tạo ra những nét đẹp thoát tục đến nao lòng. Có lẽ, cuối cùng, bằng một cách nào đó, Alexander McQueen cũng đã được toại tâm.

By VD