Đối với các bạn Việt Nam, Phenomenon vẫn còn là thương hiệu vô cùng xa lạ nhưng đối với “xứ sở hoa Anh Đào” đây không chỉ là một thương hiệu đơn thuần, sức hút mạnh mẽ của nó đã lan toả đến hầu hết các cô gái dù đa phần là những trang phục cho nam giới. Thật kỳ lạ đúng không ? Hãy cùng Streetvibe tìm hiểu vì sao Phenomenon lại là một trong những thương hiệu được yêu thích nhất tại Nhật Bản nhé !
Phenomenon được ra mắt vào năm 2004 bởi Takeshi Osumi aka Big O, một thành viên của nhóm Shakkazombie. Ông không chỉ là nhà thiết kế mà còn là một nghệ sĩ âm nhạc hiphop, sức ảnh hưởng của ông đối với hiphop cũng là một phần lí do giúp Phenomenon lan rộng khắp Nhật Bản. Nhưng lí do quan trọng góp phần đưa Phenomenon ra ngoài biên giới Nhật Bản là khi ông bắt tay hợp tác cùng MCM, một thương hiệu thời trang cao cấp kết hợp lần đầu với một thương hiệu thời trang đường phố. Với sự bùng nổ mạnh mẽ của văn hoá đường phố tại Nhật lúc bấy giờ, Phenomenon dần gặt hái được nhiều thành công sau đó.
Với Phenomenon, thời trang là điều gì đó kỳ bí, điều này luôn được Osumi gửi gắm vào các bộ sưu tập của mình. Osumi được biết đến là người giàu sáng tạo và trí tưởng tượng, ông thường kết hợp công thức may đo, sự pha trộn các màu sắc đậm của mình vào thời trang cộng thêm các ý tưởng được đánh giá như là “người ngoài hành tinh”. Bởi điều khác lạ đó, ông thu hút hàng loạt các fangirl khi cho ra mắt các bộ sưu tập của mình dù đa phần là trang phục nam. Theo như chia sẻ của ông, những ý tưởng ấy đều đến từ điều gần gũi với ông nhất. Đó chính là âm nhạc, đặc biệt là hiphop.
Phenomenon nổi tiếng với những chiếc bomber như Green Bomber A/W10, Cross Bomber, Clown Ruff Cross, và đặc biệt nhất là Loop Ma-1. Được hàng loạt các fashionista chú ý đến như G-Dragon, Asap Rocky, Kanye West,..
Vào 24 tháng 1 vừa qua, nhà thiết kế Takeshi Osumi đã qua đời ở tuổi 47. Ngoài Phenomenon, ông còn là founder của SWAGGER và MISTERGENTLEMAN. MISTERGENTLEMAN đã giới thiệu bộ sưu tập mới nhất của mình vào ngày 20 tháng 3, để tôn vinh những cống hiến của nhà thiết kế quá cố, người đã làm việc và thiết kế ngay cả khi ở bệnh viện.