Chiến dịch này nhằm chống lại việc bán hàng giả không chỉ riêng các sản phẩm hãng Gucci, đối tượng được nhắm đến đầu tiên là những cơ sở kinh doanh sản xuất hàng giả có quy mô quốc tế.
Gucci vừa bắt tay với Facebook vào thứ Hai vừa rồi để đâm đơn kiện một tài khoản cá nhân được giấu tên. Cá nhân này bị cáo buộc đã sử dụng nền tảng Facebook để bán các sản phẩm giả mạo của Gucci, và rất có thể không chỉ mỗi sản phẩm của hãng Gucci mà còn nhiều hãng thời trang cao cấp khác nữa nhưng họ chưa để mắt đến.
Theo thông cáo báo chí của Facebook, bị cáo đã tạo nhiều tài khoản cá nhân trên nền tảng Facebook và Instagram để vượt qua các chính sách thực thi và chính sách bán hàng, sau đó sử dụng quảng cáo để kinh doanh bán lẻ số lượng lớn các mặt hàng xa xỉ không chính hãng.
Trả lời với đại diện báo điện tử Reuters, Gucci nói rằng Facebook đã phải xóa hơn 1 triệu nội dung, bài đăng khỏi Facebook và Instagram trong nửa đầu năm 2020, vì liên quan đến các vấn đề hàng giả của chỉ riêng hãng Gucci. Ngay cả khi Facebook đã nỗ lực gỡ bỏ các nội dung bán hàng giả, bị cáo được nhắc đến vẫn tiếp tục bán các sản phẩm mang nhãn hiệu Gucci, bằng nhiều mánh khóe để vượt qua hệ thống kiểm duyệt nội dung từ Facebook như từ khóa, nhận diện hình ảnh và thương hiệu, v,v…
Nhóm sở hữu trí tuệ nội bộ (in-house intellectual property team) của Gucci đã tổng hợp và liệt kê hơn 4 triệu danh mục sản phẩm trực tuyến bị gỡ xuống trên các nền tảng của Facebook (Facebook, Instagram), thu giữ 4,1 triệu mặt hàng giả kém chất lượng và đánh sập 45.000 trang web hoặc tài khoản mạng xã hội có liên quan đến các mặt hàng giả này.
Hàng giả luôn là vấn đề nhức nhối đối với các hãng thời trang cao cấp xa xỉ như Gucci. Những người kinh doanh hàng giả làm ảnh hưởng xấu đến tổng doanh thu, con số lên tới hàng tỷ đô la Mỹ cho các hãng thời trang. Buôn bán hàng giả toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 991 tỷ USD vào năm 2022, gần gấp đôi so với năm 2013, phát triển mạnh mẽ không thua kém bất kì ngành công nghệ, công nghiệp nào khác.
Vụ kiện này của Gucci và Facebook diễn ra chỉ hai tháng sau khi Salvatore Ferragamo liên kết với Amazon để cùng kiện một số cá nhân bị cáo buộc bán sản phẩm Ferragamo giả trên cửa hàng trực tuyến của Amazon. Điểm chung của các hồ sơ cáo buộc là các bị cáo đã sử dụng hình ảnh, nhãn hiệu chính thức của các hãng thời trang mà không được phép, cung cấp sai sự thật về nguồn gốc của sản phẩm, sai phạm trong thiết kế làm ảnh hưởng sản phẩm chính hãng, thậm chí vi phạm cả chính sách may đo điện tử thương mại (e-tailor’s policies) và quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu. Có lẽ các thương hiệu lớn không thể ngồi im và bỏ qua nữa khi doanh số của họ thực sự bị ảnh hưởng giữa đại dịch Covid-19 thì những kẻ mượn chất xám và tài nguyên của họ thì lại ăn nên làm ra một cách không tưởng.