Thương Hiệu

DC SHOES USA – Tượng đài lịch sử trong làng skateboard.

By Cậu Bar

December 11, 2020

Logo chính thức của DC SHOES USA.

Nếu bạn là một “dân chơi” vào khoảng những năm 2000 đến 2010, chắc hẳn bạn sẽ nhận ra cái logo cũng như cái tên thương hiệu này – DC SHOES USA. Nhưng nguồn gốc cũng như sự phát triển của DC rất ít ai biết, đặc biệt là ở Việt Nam. Bản thân người viết cũng phải vừa tìm hiểu thêm vừa áp dụng những kiến thức riêng vào bài báo này, để bất cứ “người chơi hệ giày” lâu năm nào cũng cảm thấy kí ức ùa về, hay chỉ đơn giản là dành cho những bạn còn rất lạ lẫm với DC biết thêm về một trong những thương hiệu đã làm mưa làm gió giới trẻ thập niên 2010. Đối với người viết, DC là thương hiệu đầu tiên đánh dấu tình yêu dành cho giày, là một kí ức đẹp sẽ mãi không bao giờ quên.

Nguồn gốc lịch sửMặc dù không còn thịnh hành như trước, nhưng bạn có biết rằng từ khi được thành lập cho đến nay, DC đã và đang là một trong những công ty giày trượt ván lớn nhất trên thế giới, được định giá hàng tỉ đô la Mỹ. Nói như vậy đủ để hiểu DC ảnh hưởng như thế nào đến skateboard nói riêng và sneaker nói chung. Thập niên 90 của thế kỉ trước có thể xem là kỉ nguyên vàng của bộ môn trượt ván, là thời cơ chín muồi để các skateboard-companies nói riêng và sneaker & clothing companies nói chung xâu xé miếng bánh không mới nhưng “béo bổ” (bộ môn lướt ván trượt đã xuất hiện từ những năm 1950). Cũng như Hip-hop Dance, Rap, bộ môn nghệ thuật underground này được công nhận và trở thành trend sport vào thời điểm đó. Vào năm 1991, tại trường cao đẳng cộng đồng Palomar miền nam tiểu bang California, Ken Block đã gặp Damon Way tại một lớp đại số, họ hợp tác ra thương hiệu quần áo Eight Ball, nền móng của DC. Tuy nhiên Eight Ball của họ lại chết yểu vì gặp vấn đề bản quyền khi cũng đã có một brand khác tên Eight Ball tương tự. Không từ bỏ, Ken và Damon tiếp tục tạo ra “Blunt Magazine” và công ty jeans “Droors”. Droors nhanh chóng phát triển từ jeans sang full-clothing. Với sự thành công của Droors, Ken và Damon nhanh chóng định hướng sang làm giày trượt ván, từ đó DC được ra đời. DC chính là chữ viết tắt của Droors Clothing mà ít ai biết đến.

2 nhà sáng lập của DC SHOES USA.
Eight Ball Clothing.
Xuất bản đầu tiên của Blunt Magazine.
Logo DROORS Clothing những năm 90s

Quá trình phát triểnVào thời điểm những năm 90s, giày trượt ván thật sự không có hiệu năng cao cũng như không có nhiều cải tiến công nghệ như giày chạy bộ hay giày bóng rổ. Bước nhảy đầu tiên của DC sang mảng giày chính là đôi DC DW1 được thiết kế bởi Danny Way – em của founder Damon Way. Với thiế kế đơn giản gồm toàn bộ upper bằng suede, đế liền, lưỡi gà dày làm ta nhớ đến những đôi Nike SB Dunk cũng được thiết kế với triết lý này. Ngoài Danny Way thì DC còn làm rất nhiều dòng giày cho các ngôi sao trượt ván như Rob Dyrdek, Josh Kalis, Mike Carrol, Rick Howard, Keith Hufnagel và Scott Johnston. Tất cả bọn họ đều là huyền thoại trong làng trượt ván, pro-skaters hoặc đi đầu trong giới skateboard. Có thể nói DC collab với các pro-skaters nhiều như cách Nike kí hợp đồng dài hạn với Michael Jordan, LeBron James, Kobe Bryant và các siêu sao thể thao khác vậy, những người đi đầu trong bộ môn thể thao mà họ chơi.

Thiết kế đơn giản của DC DW1

Phải kể đến Stevie Williams, người đã để lại rất nhiều di sản cho DC Shoes khi anh có sức ảnh hưởng cực lớn trong cộng đồng chơi ván tại thành phố Philadelphia tiểu bang Pennsylvania. Stevie cũng là founder của Dirty Ghetto Kid (DGK), một brand skateboard nổi tiếng tại Mỹ. Công viên LOVE tại Philly từng được xem như thánh đường của dân chơi skate và từ đó độ phổ biến của DC càng được mở rộng ra trên toàn thế giới. Rất tiếc công viên này không còn là thánh địa trượt ván của các con chiên ngoan đạo nữa do một phần công viên đã bị phá hủy theo chỉ thị của thành phố, và tiếc thay họ phá hủy khu vực tốt nhất để trượt ván. Tất nhiên Stevie cũng collab với DC để ra dòng giày cho riêng mình với tên gọi DC Williams OG. Được thiết kế bởi Sung Choi – footwear designer của DC, một số người cho rằng DC Williams lấy ý tưởng từ Air Jordan 12 với phần upper.

Stevie Williams – Founder của DGK cùng slogan ” I Love Haters!”
DC Williams OG.

Thông tin tiếp theo có thể làm nhiều bạn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác nhưng DC chính là hãng đầu tiên collab với nghệ sĩ – artist (nghệ sĩ không phải vận động viên thể thao) và các brand khác. Vào năm 2001, DC bắt đầu collab nhiều hơn không chỉ với các pro-skaters, họ mở rộng tư duy và định kiến nhằm tạo thêm khách hàng. Chưa dừng lại ở đó, DC cũng là thương hiệu giày đầu tiên collab với Supreme vào năm 1999, bạn không nghe nhầm đâu, Supreme New York “xịn xò” chứ không phải Supreme Italia. Cho đến năm 2002 thì Nike và Supreme mới collab lần đầu trên mẫu Nike SB Dunk Pro.

1999 Supreme x DC Torsion.

Nhắc đến artist thì chúng ta cũng có thể kể đến KAWS, và tất nhiên DC cũng đã colab vào năm 2002. Ngoài ra DC còn collab với rất nhiều artist, worldwide brand khác mà chúng ta không thể kể hết.

2002 KAWS x DC Shoes USA.

Ngoài đầu tư vào giày dép và quần áo, DC còn đầu tư vào truyền hình với 2 show là “Rob & Big” và “Ridiculousness” trên kênh MTV nhưng đã ngưng phát sóng từ nhiều năm trước.

Rob Dyrdek – Host chương trình “Ridiculousness” trên sóng MTV.

DC SHOES USA tại Việt NamDC rất phổ biến với với giới trẻ Việt Nam đặc biệt là những năm 2010s, những mẫu huyền thoại có thể kể đến như DC Court Graffik, DC Spartan, DC Royal.

DC Court Graffik
DC Spartan
DC Royal.

Hình ảnh những anh chàng hip-hop mặc tee Ecko, quần thụng, mang một đôi DC Court hoặc phối quần jeans với một đôi Spartan được xem là chuẩn mực hip-hop, trước cả khi tất cả mọi người quan tâm đến Nike, adidas nhiều như hiện giờ. Tuy nhiên, do không cải tiến nhiều về kiểu dáng, công nghệ, cũng như khí hậu Việt Nam, do thiết kế của DC thường khá to và dày, còn thể trạng người Việt Nam thì nhỏ con, thời tiết lại nóng có thể xem là những nguyên nhân chính dẫn đến việc chết yểu của thương hiệu này tại thị trường nước ta. Chưa kể đến thời trang đường phố cũng có những bước chuyển mình mạnh mẽ làm cho DC không còn được yêu thích như trước.

DC vẫn tồn tại và phát triển cùng với ngành công nghiệp sneaker, chỉ là họ tập trung cống hiến cho con đường mà ngay từ đầu họ đã chọn suốt từng ấy năm qua – skateboard.